Dân Canada có thể sắp được ở Mỹ 8 tháng mỗi năm

0

Có một loại người nước ngoài đang được giới lập pháp Mỹ mở rộng vòng tay chào đón: người Canada sang Mỹ tránh đông (thường gọi là snowbird).

Bất chấp những căng thẳng gia tăng xung quanh biên giới Mỹ, một dự luật được cả hai đảng ủng hộ hiện đang trình quốc hội Mỹ sẽ cho phép người Canada — và chỉ riêng người Canada — trên 55 tuổi được sống ở Mỹ tới 8 tháng mỗi năm, miễn là họ sở hữu một căn nhà hoặc ký hợp đồng thuê nhà trong thời gian lưu trú đó.

Nếu luật này được thông qua, những cư dân Canada này sẽ được miễn nộp hồ sơ khai thuế Mỹ dù thời gian ở lâu hơn, vì họ sẽ vẫn được Thuế vụ Mỹ (IRS) xem là “người ngoại quốc không thường trú” (nonresident alien).

Hiện nay, nếu một snowbird cư trú hơn 183 ngày ở Mỹ, họ được xem là “người thường trú” (resident) và phải chịu thuế Mỹ đối với thu nhập trên toàn thế giới của họ. Tệ hơn nữa, nếu cư trú trái phép quá sáu tháng, họ có thể bị cấm nhập cảnh Mỹ tới tối đa 10 năm.

Tuy nhiên, trong khi Mỹ có thể chuẩn bị cho phép người cao niên Canada cư trú lâu hơn — và vì vậy tiêu tiền nhiều hơn khi nghỉ mát ở Arizona, California, Florida hoặc các bang tương tự — một số tỉnh bang vẫn có những hạn chế về thời gian một người có thể vắng mặt ở tỉnh bang và giữ được bảo hiểm y tế, một vấn đề quan trọng đối với người cao niên.

Nhiều snowbird không biết rằng họ có thể bị mất bảo hiểm y tế tỉnh bang nếu họ ở nước ngoài trong thời gian dài, và có thể mất mấy tháng để khôi phục bảo hiểm khi họ quay lại.

Chính sách về bảo hiểm y tế khá tủn mủn trên toàn Canada, tùy thuộc vào tỉnh bang. Nhờ các nỗ lực vận động có phối hợp của Hiệp hội Snowbird Canada trong 5 năm qua, British Columbia, Manitoba, Alberta, New Brunswick, Nova Scotia, Northwest Territories và Saskatchewan đều đã sửa đổi chính sách của họ để cho phép cư dân tạm thời vắng mặt tới tối đa bảy tháng mà vẫn giữ được bảo hiểm y tế.

Cư dân Ontario cũng có thể giữ được bảo hiểm y tế và vắng mặt ở tỉnh bang tới tối đa 212 ngày (khoảng 7 tháng) trong bất cứ thời kỳ 12 tháng nào, trong khi Nunavut và Yukon tương đối dễ dãi và không có quy định về thời gian cư trú. Newfoundland and Labrador chỉ bắt buộc cư dân sống tại tỉnh bảng trong 4 tháng, còn ở Quebec và Prince Edward Island, cư dân phải cư ngụ sáu tháng cộng một ngày để giữ bảo hiểm y tế.

Evan Rachkovsky, giám đốc nghiên cứu và truyền thông của Hiệp hội Snowbird Canada, nói tổ chức của ông sẽ vận động các tỉnh bang thống nhất các quy định bắt buộc về thời gian cư trú để giữ bảo hiểm y tế nếu Mỹ thông qua luật nói trên.

Ông Rachkovsky không nghĩ rằng các tỉnh bang sẽ phản đối, vì các khoản chi phí y tế của các snowbird ở Mỹ chủ yếu được bảo hiểm y tế du lịch tư nhân trang trải. Các hãng bảo hiểm chịu chi phí, trong khi ngân sách y tế của tỉnh bang bị ảnh hưởng tương đối thấp.

Đạo luật Y tế Canada kêu gọi các tỉnh bang cho phép chuyển tải mức độ bảo hiểm, trong đó có các dịch vụ y tế cấp cứu bên ngoài Canada, nhưng Prince Edward Island và ba lãnh thổ là những địa phương duy nhất hoàn trả chi phí mà cư dân trả cho các dịch vụ cấp cứu ở nước ngoài ở mức của tỉnh bang.

Theo ông Rachkovsky, với các snowbird, mức bảo hiểm y tế mà họ nhận được chỉ bằng một phần mức họ có được ở Canada, ví dụ Ontario sẽ chỉ hoàn trả tối đa $400/ngày cho phí nằm viện ở Mỹ, trong khi mức phí trung bình cao gấp nhiều lần mức đó.

Một cặp vợ chồng Canada trên bãi biển Dania, Floria. (Ảnh: Marsha Halper/The Miami Herald/Associated Press)

Động cơ của luật này ở Mỹ — có tên chính thức là “Đạo luật Thúc đẩy Du lịch để Cải thiện Nền kinh tế của chúng ta” — chủ yếu là kinh tế.

Sau khi đưa ra dự luật nào hồi tháng trước, hạ nghị sĩ Albio Sires thuộc đảng Dân chủ nói du lịch gia tăng từ Canada sẽ tăng việc làm tại các thành phố khắp nước Mỹ, và việc cho phép dân Canada lưu trú lâu hơn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và tăng trưởng kinh tế.

Hạ nghị sĩ Ted Yoho thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho vùng phía bắc Florida nói rằng Canada là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ và công dân Canada đóng góp hàng triệu đô-la vào nền kinh tế Mỹ. Ông cho rằng dự luật này sẽ tạo động cơ tăng du lịch từ Canada trong tương lai và sẽ củng cố mối gắn kết giữa hai quốc gia.

Ông Rachkovsky nói nếu, và khi, dự luật này được đưa ra bàn ở Hạ nghị viện Mỹ, ông nghĩ là cả hai đảng sẽ không phản đối.

Theo một báo cáo do Lãnh sự quán Canada ở Miami soạn, người Canada mua khá nhiều — 6 phần trăm — trong số tất cả những nhà được bán ở Florida và bơm gần nửa tỷ đô-la hàng năm vào nền kinh tế này thông qua thuế nhà đất.

Người Canada sở hữu khoảng 500.000 ngôi nhà chỉ riêng ở Florida, trong khi 700.000 người Canada ở ít nhất 31 ngày mỗi lần lưu trú tại bang này mỗi năm.

Theo tường thuật của nhật báo National Post, một dự luật khác và có lời lẽ tương tự, được Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Elise Stefanik đưa ra mùa thu năm ngoái, kêu gọi lập một loại chiếu khán snowbird, để hỗ trợ doanh nghiệm nhỏ, tăng việc làm, và vun đắp mối quan hệ càng thân thiết hơn với Canada. (Dự luật của Stefanik có yêu cầu thấp hơn về tuổi: chỉ từ 50 tuổi trở lên.)

Nguồn: National Post, 4/7/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.