Phạm Vũ Lửa Hạ

Tuần rồi báo chí Canada đưa tin thủ tướng Justin Trudeau phải đóng phạt $100 vì không kê khai món quà do thủ hiến Wade MacLauchlan của bang Prince Edward Island tặng năm ngoái.

Thủ tướng Justin Trudeau gỡ kiếng mát khi ông tới Sài Gòn, Việt Nam, ngày 9/11/2017. (Ảnh: Adrian Wyld/The Canadian Press)

Thủ tướng Trudeau bị Ủy viên Xung đột Lợi ích và Đạo đức (UVĐĐ) khiển trách vì vi phạm quy tắc về xung đột lợi ích. Các quy tắc này quy định rằng tất cả quà tặng trị giá trên $200 phải được kê khai trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận.

Món quà cho Trudeau là hai cặp kiếng mát sản xuất tại P.E.I., mỗi cặp trị giá $300. Thư ký báo chí của Trudeau nói rằng do sơ suất hành chính nên không kịp điền biểu mẫu thích hợp để kê khai món quà đó trong vòng 30 ngày.

Đây là lần thứ hai thủ tướng Trudeau bị Văn phòng UVĐĐ khiển trách. Hồi tháng 12/2017, UVĐĐ lúc đó Mary Dawson đã phán quyết thủ tướng Trudeau vi phạm các quy tắc đạo đức của Canada trong hai chuyến đi nghỉ của gia đình ông năm 2016 được bao trọn chi phí tới một hòn đảo tư nhân ở Bahamas thuộc sở hữu của Aga Khan. Aga Khan là nhân vật rất có thế lực chính trị và tài chính trong khối Thịnh vượng chung, nên nguy cơ xung đột lợi ích rất cao. Vì vụ này, Trudeau tuy đã xin lỗi nhưng bị hai đảng đối lập hành rất dữ trong các phiên chất vấn tại Hạ viện.

Thủ tướng Trudeau không phải là quan chức duy nhất bị phạt hành chính bằng tiền trong tháng 6/2018. Janice Charette, đại sứ Canada ở Vương quốc Anh, bị phạt $250 vì không kê khai trong vòng 30 ngày một thay đổi quan trọng về tài sản. Thứ trưởng ngoại giao Ian Shugart cũng bị phạt $250 vì vi phạm tương tự. Các trường hợp phạt này nằm trong số những thông tin được công khai trên trang mạng của UVĐĐ, viên chức chịu trách nhiệm “uốn nắn đạo đức” cho các quan chức cấp liên bang ở Canada.

Chức vụ UVĐĐ được lập theo Đạo luật Trách nhiệm giải trình Liên bang. UVĐĐ là một viên chức thuộc Hạ viện với trách nhiệm quyền hạn được quy định trong Đạo luật Nghị viện Canada. Toàn quyền Canada (đại diện Nữ hoàng) bổ nhiệm UVĐĐ sau khi tham vấn với thủ lĩnh của tất cả các đảng được công nhận tại Hạ viện và phê chuẩn sự bổ nhiệm bằng nghị quyết của Hạ viện.

UVĐĐ chịu trách nhiệm thi hành Đạo luật Xung đột Lợi ích cho những người nắm giữ các chức vụ công quyền, và Quy tắc Xung đột Lợi ích cho các dân biểu Hạ viện. Luật và quy tắc này nhằm mục đích ngăn ngừa các xung đột giữa lợi ích cá nhân và các bổn phận công cộng của các viên chức được bổ nhiệm và do dân cử. (Các thành viên nội các phải là dân biểu nên phải tuân theo cả luật lẫn quy tắc.) Ngoài ra, UVĐĐ còn tư vấn mật cho thủ tướng về các vấn đề xung đột lợi ích và đạo đức.

UVĐĐ hoàn toàn độc lập với chính phủ đương nhiệm và báo cáo trực tiếp cho Nghị viện, thông qua chủ tịch Hạ viện. Văn phòng UVĐĐ, cùng với Thượng viện (cơ quan bổ nhiệm), Văn phòng Viên chức Đạo đức Thượng viện, Hạ viện (cơ quan dân cử) và Thư viện Nghị viện, là một phần của hệ thống nghị viện Canada. UVĐĐ được hưởng các đặc quyền và quyền miễn trừ của Hạ viện và dân biểu khi thực hiện các bổn phận và chức năng chính thức.

UVĐĐ đầu tiên của Canada được bổ nhiệm vào tháng 7/2007.

Đạo luật Xung đột Lợi ích áp dụng cho khoảng 2.200 người nắm giữ các chức vụ công quyền. Tất cả những viên chức này phải chấp hành các quy tắc cốt lõi của Đạo luật về xung đột lợi ích và sau khi hết nhiệm sở.

Ví dụ, họ không thể tham gia vào các quyết định hay cuộc bỏ phiếu liên quan tới chức vụ công quyền của họ mà trong đó họ có thể bị xung đột lợi ích. Họ cũng bị cấm dùng thông tin nội bộ để hỗ trợ cho các lợi ích cá nhân, và bị cấm nhận quà cáp hay các lợi thế khác mà có thể được xem là được tặng/cung cấp để gây ảnh hưởng với họ.

Hơn một nửa trong số những viên chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật này chỉ phải chấp hành các quy tắc chung này. Nhóm này chủ gồm các ủy viên bán thời gian của các hội đồng quản lý và các ủy ban cấp liên bang, cũng như một số quan chức bộ ngành bán thời gian.

Khoảng 1.100 người nắm giữ các chức vụ công quyền chủ yếu toàn thời gian được xem là các quan chức có trách nhiệm báo cáo. Họ gồm các bộ trưởng (là dân biểu thuộc đảng cầm quyền), thư ký nghị viện (là dân biểu giúp việc cho bộ trưởng tại nghị viện), quan chức cấp bộ và những quan chức toàn thời gian được Toàn quyền bổ nhiệm như thứ trưởng, người đứng đầu các tổ chức / công  ty của nhà nước, và ủy viên các hội đồng quản lý liên bang. Những người này phải tuân theo không những các quy tắc chung của Đạo luật mà cả các điều khoản về báo cáo và công khai thông tin, cũng như bị cấm tham gia các hoạt động bên ngoài và nắm giữ các tài sản bị kiểm soát. Đạo luật này còn có các quy định bổ sung cho các bộ trưởng và thư ký nghị viện.

Gần đây, bộ trưởng tài chính Bill Morneau gặp nhiều rắc rối về nghi ngờ xung đột lợi ích liên quan tới Dự luật C-27 về các quỹ hưu bổng. Dự luật này được cho là có thể có lợi cho công ty Morneau Shepell của gia đình ông (mà ông vẫn còn nắm giữ cổ phần).

Hồi tháng 10/2017, ông hứa sẽ thoái vốn bằng cách đưa khoảng 1 triệu cổ phần vào một quỹ tín thác bí mật (blind trust, nhà đầu tư không được biết về loại hình tài sản trong quỹ). Trước sức ép dư luận về việc ông được lợi vì cổ phiếu của ông tăng giá trị thêm 5,5 triệu đô-la kể từ khi ông nhậm chức bộ trưởng tài chính năm 2015, Morneau đã tuyên bố là sẽ tặng số tiền đó cho từ thiện.

Các đảng đối lập đã yêu cầu UVĐĐ lúc đó Mary Dawson điều tra về khả năng có xung đột lợi ích. Báo cáo điều tra kết luận Morneau đã chấp hành đúng các quy tắc liên quan, nên UVĐĐ không có hành động gì. Vụ này sau đó đã dẫn tới nhiều lời kêu gọi cải tổ để xóa bỏ những lỗ hổng trong luật và quy tắc về xung đột lợi ích và lợi ích.

Quy tắc Xung đột Lợi ích, phụ lục của Bộ quy tắc thường trực của Hạ viện, áp dụng cho tất cả 338 dân biểu Hạ viện.

Quy tắc này cấm các dân biểu dùng chức vụ công quyền của mình để hỗ trợ cho các lợi ích cá nhân của họ hoặc gia đình họ, hoặc hỗ trợ một cách sai trái lợi ích cá nhân của một người hoặc tổ chức khác. Quy tắc chung này được bổ sung bằng các quy tắc về tránh xung đột lợi ích, bao gồm các hạn chế về những quà tặng mà dân biểu có thể nhận, các quy trình tiết lộ bảo mật với UVĐĐ về các lợi ích cá nhân, các thủ tục công khai thông tin tóm tắt của dân biểu và vai trò tư vấn của UVĐĐ.

Dân biểu cũng phải kê khai với UVĐĐ bất cứ hoạt động đi lại nào được tài trợ, cho bản thân họ và khách của họ, có chi phí hơn $200. Hoạt động đi lại được tài trợ là chuyến đi có chi phí không được trả trọn vẹn hay phần lớn bằng công quỹ hoặc bởi bản thân dân biểu, đảng của họ hoặc hiệp hội liên nghị viện hoặc hội ái hữu được Hạ viện công nhận. Hàng năm, UVĐĐ lập danh sách các chuyến đi được tài trợ của các dân biểu; danh sách này được công khai.

Trở lại chuyện thủ tướng Trudeau bị phạt vì món quà “nhỏ như con thỏ”. Món quà do thủ hiến một bang tặng tưởng chừng vô hại, hoặc thậm chí có lợi cho việc quảng bá địa phương. (Được biết Trudeau đeo kiếng mát này đi nhiều nơi, trong đó có tới Việt Nam năm ngoái.)

Tuy nhiên do bản chất của hệ thống liên bang Canada, giữa các bang có một sự cạnh tranh công khai và lành mạnh về nguồn lực và ảnh hưởng chính trị liên bang.

Ngược lại, chính phủ liên bang khi cần xây dựng một chính sách hay hệ thống cho toàn quốc cũng phải vận động sự ủng hộ của tất cả các bang. Và nếu cần, liên bang phải áp dụng kiểu đàm phán “chia để trị’, tức là thương lượng với từng nơi nếu không đạt đồng thuận từ đầu, rồi dùng số đông áp đảo các bang còn lại. Ví dụ, năm ngoái liên bang không đạt được thỏa thuận chung với các bang về công thức bổ sung ngân sách y tế, nên bèn đàm phán và đạt thỏa thuận với các bang nhỏ trước, rồi dần dần ép các nơi khác vào khuôn hoặc chấp nhận điều khoản tương tự.

Mà Prince Edward Island (dân Việt hay gọi là Đảo Hoàng tử) là bang “nhỏ như con thỏ”.

Nên tặng hai cặp kiếng mát cũng có thể là chuyện lớn.

© Canada Info.

(Đây là bản đầy đủ của bài đăng trên TTCT.)

2 thoughts on “Ai uốn nắn đạo đức cho chính quyền?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.