Mâu thuẫn ngoại giao: Saudi Arabia liều lĩnh, Canada đơn độc
Bắt đầu từ vài dòng tweet về nhân quyền, mâu thuẫn Saudi Arabia-Canada đã leo thang thành một trong những cuộc đấu đá ngoại giao lớn nhất giữa bất kỳ 2 nước nào trong nhiều năm qua.
Phạm Vũ Lửa Hạ
Bắt đầu từ vài dòng tweet về nhân quyền, mâu thuẫn Saudi Arabia-Canada đã leo thang thành một trong những cuộc đấu đá ngoại giao lớn nhất giữa bất kỳ hai nước nào trong nhiều năm qua.
Đối đầu toàn diện
Mọi việc bắt đầu gần 2 tuần trước, sau khi ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland viết tweet bày tỏ quan ngại trước tin nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt ở Saudi Arabia, trong đó có nhà đấu tranh vì quyền phụ nữ Samar Badawi. Em trai của cô là blogger Raif Badawi bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở Saudi Arabia; vợ của Raif là công dân Canada và sinh sống ở Quebec.
Hôm 2/8, ngoại trưởng Freeland kêu gọi phóng thích các tù nhân đó, và một ngày sau, Bộ Ngoại giao Canada viết thêm mấy cái tweet chỉ trích và kêu gọi “ngay lập tức thả” Badawi.
Trong một loạt tweet giận dữ hôm 5/8, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chỉ trích “thái độ tiêu cực và đáng ngạc nhiên” của Canada và gọi lập trường của Canada là “sự can thiệp công khai và trắng trợn vào công việc nội bộ của Vương quốc #SaudiArabia”.
Bằng một loạt biện pháp trả đũa, Saudi Arabia triệu hồi đại sứ, trục xuất đại sứ Canada, đình chỉ mọi hoạt động giao thương và đầu tư giữa hai nước.
Vương quốc này cũng ngưng mọi chuyến bay của hãng hàng không quốc gia tới và từ Canada, chấm dứt các chương trình học bổng nhà nước và buộc hàng ngàn sinh viên rời khỏi các đại học Canada (trong đó có 800 sinh viên y khoa là bác sĩ thực tập nội trú hoặc nghiên cứu tại các bệnh viện Canada), và rút hàng ngàn bệnh nhân đang được nhà nước Saudi Arabia cho đi chữa trị tại các bệnh viện Canada, ngưng nhập lúa mì và lúa mạch Canada, và ra lệnh cho các nhà quản lý tài sản đầu tư của ngân hàng trung ương và các quỹ hưu bổng bán hết các tài sản đầu tư Canada “bất kể chi phí ra sao”.
Aurel Braun, giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Toronto, nói đây là những biện pháp ngoại giao rất cứng rắn. “Đây là sự đối đầu toàn diện, chỉ còn thiếu xung đột quân sự, vì nó bẻ gãy mối liên hệ của sứ mệnh ngoại giao.”
Các nền dân chủ phương Tây lâu nay vẫn chỉ trích cách Saudi Arabia đối xử với phụ nữ và giới bất đồng, cùng nhiều vấn đề nhân quyền khác. Saudi Arabia thường xuyên bị các tổ chức như Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International) xem là một trong những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất.
Xưa nay Saudi Arabia luôn rất nhạy cảm với những phê phán về nhân quyền. Năm 2015, Saudi Arabia trục xuất đại sứ Thụy Điển sau khi bị nước này chỉ trích.
Nhưng, theo giáo sư Braun, phản ứng của vương quốc này với Canada dường như quyết liệt hơn. Ông nói, “Có thể hoàng tộc cầm quyền muốn lấy Canada làm gương và nhắn nhủ với quốc tế rằng Saudi Armada sẽ gây tổn hại đáng kể cho những ai can thiệp vào công việc nội bộ.”
Canada từ lâu đã lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở các nước khác, nên lần chỉ trích này không có gì đáng ngạc nhiên. Có thể Saudi Arabia phẫn nộ vì bị Canada bêu xấu giữa một diễn đàn công khai như Twitter. (John Baird, cựu ngoại trưởng Canada thời chính phủ Đảng Bảo thủ của Stephen Harper, bình luận rằng ngoại trưởng Freeland lẽ ra không nên học thói dùng Twitter xỉ vả người khác như Donald Trump.)
David Chatterson, cựu đại sứ Canada ở Saudi Arabia, cho rằng động thái của Saudi Arabia không phải là một nước cờ chiến lược, mà là ngạo mạn. “Canada là cái bung xung khá dễ để trút giận, dễ hơn nhiều so với Pháp, Anh, hay Mỹ, những nước trước đây cũng từng có bình luận về nhân quyền.”
Trong báo cáo nhân quyền hàng năm của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên chỉ trích Saudi Arabia vì những lý do tương tự như được Canada viện dẫn. Báo cáo gần đây nhất cáo buộc vương quốc này giam giữ các tù nhân chính trị, tiến hành xử tử mà không xét xử đúng quy trình pháp lý và bắt giam một cách tùy tiện các luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và những người chỉ trích nhà nước.
Nhà nước Saudi Arabia đã bỏ tù hàng chục giáo sĩ, doanh nhân và nhà hoạt động từ năm ngoái. Nhà nước hiếm khi cho biết tại sao họ bị bắt hoặc họ có bị truy tố tội gì hay không.
Nhưng Chatterson nghĩ rằng các vụ bắt người bị Canada chỉ trích chẳng can hệ gì tới phản ứng dữ dội của Saudi Arabia, mà đó chỉ là cơ hội để nhắn nhủ các nước khác đừng phê phán vương quốc này.
Tình hình chính trị trong nước cũng có thể khiến việc tấn công một mục tiêu ‘dễ bắt nạt’ như Canada là phương án hấp dẫn cho tân Thái tử Mohammed bin Salman. Vị thái tử 32 tuổi đang muốn tăng sự ủng hộ trong nước khi đang thực hiện một chiến dịch cải cách xã hội với nhiều cải tổ khiến nhiều người trong giới bảo thủ ở vương quốc này bất bình.
Cả hai bên đều giữ lập trường của mình, chưa rõ những nước cờ tiếp theo sẽ ra sao. Cả Canada lẫn Saudi Arabia đều khó có thể xuống nước, theo cựu đại sứ David Chatterson.
Khó có chuyện Saudi Arabia sẽ đảo ngược các biện pháp trả đũa của mình mà không được gì. Hôm 8/8, ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói, “Canada đã phạm sai lầm và cần phải sửa sai. Trái bóng đang nằm trên sân Canada.”
Câu hỏi hiện nay là liệu chính phủ Canada có thể chế ngự tình hình và tránh để leo thang thêm nữa. Giáo sư Braun cho rằng để hai nước hàn gắn quan hệ, Canada sẽ phải thực hiện một số thủ thuật ngoại giao khéo léo và phức tạp, và phải tìm được một thông điệp cứu vãn danh dự.
Nhưng cả thủ tướng Trudeau và ngoại trưởng Freeland đều nói rõ là Canada sẽ không xin lỗi vì đã lên tiếng bảo vệ nhân quyền. Hôm 6/8, ngoại trưởng Freeland nói các đòn tấn công của Saudi Arabia sẽ không khiến Canada chùn bước trong cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ
“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng vì các giá trị Canada và các giá trị phổ quát và nhân quyền,” Trudeau nói trong một cuộc họp báo hôm 8/8. “Canada sẽ luôn luôn phát biểu mạnh mẽ và rõ ràng giữa chốn riêng tư lẫn công khai về các vấn đề nhân quyền.”
Vì sao các đồng minh im lặng
Sau khi Saudi Arabia liên tiếp ra đòn, Canada hầu như chưa nhận được tín hiệu ủng hộ nào từ các đồng minh của mình, đặc biệt là Mỹ và Vương quốc Anh – hai đồng minh ‘môi hở răng lạnh’ của Canada.
Vì sao các đồng minh chưa mạnh miệng ủng hộ Canada? Như nhiều vấn đề khác trong chính trị quốc tế, suy cho cùng cũng là ‘đồng tiền đi liền khúc ruột’.
Bessma Momani, giáo sư Đại học Waterloo chuyên về quan hệ với Saudi Arabia, nhận định rằng Saudi Arabia muốn gây lo sợ và khiến một số chính phủ phương Tây ngại ủng hộ Canada vì họ có thể bị chặn không được tham gia một số thương vụ làm ăn béo bở với Saudi Arabia và đứng ngoài công cuộc cải tổ kinh tế mạnh mẽ đang diễn ra ở vương quốc này.
Giáo sư Momani nói, “Saudi Arabia là nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới, nên bất cứ công ty hay nước nào bán vũ khí, chẳng hạn như Canada, có thể đang cân nhắc xem vụ này sẽ ảnh hưởng ra sao tới các mối quan hệ thương mại song phương.”
Theo giáo sư Momani, mâu thuẫn ngoại giao này xuất phát từ phản ứng “thiếu chín chắn” của Saudi Arabia bằng chiến dịch trả đũa nhằm đưa ra lời cảnh báo với các nước phương Tây hùng mạnh hơn.
Đáng ngạc nhiên là cũng những nước mà Canada đã sát cánh trong thế kỷ qua đang im lặng, chứ không lên tiếng phản đối các đòn tấn công của Saudi Arabia.
Một tuần sau khi vụ này bùng phát, tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Anh vẫn không có một tweet nào. Thông cáo báo chí của Bộ chỉ ghi ba dòng kêu gọi kiềm chế, và gọi cả Canada và Saudi Arabia là “đối tác thân thiết”.
Mỹ cũng từ chối can dự và gọi hai nước là đồng minh thân thiết. Hôm 7/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói, “Cả hai bên cần cùng nhau giải quyết vấn đề này bằng ngoại giao. Chúng tôi không thể làm chuyện đó cho họ; họ cần cùng nhau giải quyết.”
Tuy có thể cả hai đều là đồng minh, thoạt nhìn ít ai hiểu nổi khi Mỹ xem Canada và Saudi Arabia như nhau. Song, gần đây chính quyền Mỹ có vẻ bớt coi trọng mối quan hệ với Canada.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ‘cơm không lành, canh không ngọt’ từ khi Trump lên Twitter liên tiếp rủa xả Trudedau vì phát biểu ngược ý ông trong các buổi họp báo bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Charlevoix, Quebec, hồi tháng 6.
Giữa lúc các cuộc tái đàm phán NAFTA vẫn chưa ngả ngũ, Mỹ không ngớt lời dọa loại Canada ra khỏi bàn cỗ, chỉ ký lại hiệp định song phương với Mexico. Khi gây chiến thương mại khắp thế giới, Mỹ cũng không buông tha cho Canada – và cả các đồng minh EU, Mexico – sau vài tháng miễn thuế quan.
Những đòn tấn công như vậy của Mỹ đối với các đồng minh truyền thống có thể đã khiến Saudi Arabia bạo dạn hơn và tin rằng mình có thể thoải mái ra tay.
Thomas Juneau, giáo sư trợ lý tại Đại học Ottawa chuyên về quan hệ Trung Đông, nhận định, “Chủ nghĩa Trump có những hậu quả: cho phép kẻ liều lĩnh hành động một cách liều lĩnh.”
Liên hiệp Châu Âu (EU) cũng từ chối can dự. Tờ New York Times dẫn lời một phát ngôn viên nói “Chúng tôi không bình luận về các quan hệ song phương” và “chúng tôi ủng hộ một cuộc đối thoại”.
Tới nay, quan chức nước ngoài tiếng tăm duy nhất lên tiếng ủng hộ Canada là thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders. Viết trên Twitter hôm 6/8, ông gọi những hành động của Saudi Arabia là “quá đáng” và ủng hộ việc Canada chỉ trích các vụ bắt giữ những nhà đấu tranh vì quyền phụ nữ.
Mỹ thả con săn sắt
Sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống, chuyến công du nước ngoài đầu tiên không phải là tới Canada (như nhiều tổng thống gần đây), Mexico hay bất cứ nước Châu Âu nào – những láng giềng và đồng minh thân thiết nhất của Mỹ.
Mà là tới Saudi Arabia.
Từ đó, Nhà Trắng kiên định ủng hộ cuộc chiến đẫm máu của Saudi Arabia, về phe với nước này chống lại Qatar, đồng minh lâu đời của Mỹ, và hầu như nhắm mắt làm ngơ trước việc cường quốc Ả rập này đàn áp những người bất đồng.
Phản ứng của Mỹ cho thấy một tương phản rõ rệt: trong khi Canada chỉ trích Saudi Arabia vì bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, Nhà Trắng thân thiết với vương quốc này – dù còn nhiều điều chướng tai gai mắt – bởi đó là nền tảng cho chiến lược Trung Đông của Mỹ.
Allen Keiswetter, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ trong vùng này và nay làm việc cho Viện Trung Đông ở Washington, cho rằng nhân quyền chưa bị quên hẳn, nhưng chắc chắn nay chỉ là vấn đề thứ yếu trong chính sách của Mỹ về Saudi Arabia.
Lập trường của Mỹ có thể thậm chí góp phần dẫn tới phản ứng hung hăng của Saudi Arabia khi bị Canada ‘dạy đời’ trên Twitter.
Ayham Kamel, thuộc Eurasia Group, cho rằng đường lối ngoại giao tổng quát của Mỹ, nhất là dưới thời Donald Trump, rõ ràng cho thấy Mỹ đã bớt quan tâm tới việc can dự vào các vấn đề ngoại giao hoặc trợ giúp các nỗ lực dân chủ hóa. “Khi không có tiếng nói mạnh mẽ của Mỹ về nhân quyền và các giá trị dân chủ, lãnh đạo các nước Ả Rập đã bớt muốn chấp nhận lời khuyên của phương Tây về cải cách chính trị hay trị quốc.”
Chuyến thăm của Trump tới Riyadh tháng 5/2017 gồm những nghi lễ trọng thị, trong đó có một màn múa kiếm truyền thống mà ông tham gia ngắn ngủi. Ông và giới lãnh đạo Saudi Arabia ký kết thỏa thuận trị giá 110 tỷ USD bao gồm mua bán vũ khí và đầu tư.
Ngược lại, Canada dùng dằng mãi không bán được cho Saudi Arabia số xe thiết giáp hạng nhẹ 15 tỷ CAD do dư luận trong nước phản đối chuyện vương quốc này vi phạm nhân quyền.
Chuyên gia Keiswetter cho rằng Trump muốn có một đồng minh hùng mạnh ở khu vực đó trong nỗ lực chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Đường lối ngoại giao mới của Mỹ xuất hiện cùng lúc với sự vươn lên của Thái tử Mohammed bin Salman. Một mặt, thái tử Saudi Arabia khởi xướng nhiều cải cách quan trọng, như cho phép phụ nữ lái xe, nhưng mặt khác đàn áp những người bất đồng.
Khi vị thái tử trẻ tuổi bắt và quản thúc hàng trăm đối thủ chính trị, trong đó có nhiều thân nhân, hồi tháng 11 năm ngoái, Trump ca ngợi hoàng gia, viết trên Twitter rằng “họ biết chính xác họ đang làm gì”.
(Bản rút gọn của bài này đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 17/8/2018.)
© Phạm Vũ Lửa Hạ & Canada Info.
2 thoughts on “Mâu thuẫn ngoại giao: Saudi Arabia liều lĩnh, Canada đơn độc”