Phạm Vũ Lửa Hạ

Xứ sở di dân

Hàng năm Canada tiếp nhận số lượng di dân tương đương 1% dân số (hơn 35 triệu vào năm 2016). Theo số liệu do cơ quan Thống kê Canada (Statscan) công bố cuối năm ngoái, hơn 1/5 người Canada là di dân, tỷ lệ cao nhất trong 95 năm. Cụ thể, 21,9% người Canada cho biết mình là hoặc đã từng là di dân hoặc thường trú nhân (PR), gần bằng với kỷ lục 22,3% năm 1921 và tăng từ mức 19,8% năm 2006. Statscan ước tính di dân có thể chiếm tới 30% tổng dân số Canada vào năm 2036.

Chiến lược di trú do chính phủ liên bang đệ trình Hạ viện đầu tháng 11/2017 đưa ra “các chỉ tiêu di trú tham vọng nhất trong lịch sử gần đây”. Theo đó, Canada sẽ nhận gần 1 triệu di dân trong 3 năm tới. Từ mức 300.000 năm 2017, con số này trong mỗi năm 2018-2020 sẽ lần lượt là 310.000, 330.000 và 340.000.

Di dân là một phần quan trọng trong chiến lược của Canada nhằm bù đắp cho tác động của dân số lão hóa. Vào năm 2035, ước tính 5 triệu người Canada sẽ về hưu, và 25% dân số Canada sẽ trên 65 tuổi. Năm 1971 có 6,6 người trong độ tuổi lao động cho mỗi người về hưu, nhưng tới năm 2012 tỷ số đó đã giảm xuống còn 4,2:1, và dự báo là chỉ còn 2:1 vào năm 2035. Tỷ lệ sinh sản của Canada là 1,6, xếp hạng 181 toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế 2,1 của Canada.

Hiện nay di dân chiếm 65% mức tăng dân số ròng hàng năm của Canada. Gần 100% mức tăng dân số ròng của Canada sẽ là nhờ vào di dân vào năm 2035. Vào năm 2035, mỗi năm cần 350.000 di dân để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Canada.

Lực lượng lao động Canada ngày càng dựa nhiều vào di dân có học vấn cao, theo Điều tra Dân số 2016. Canada có tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng/đại học cao nhất trong các nước đã phát triển, một phần vì những di dân gần đây có trình độ học vấn cao. Trong nhóm tuổi từ 25 tới 64, 54% người Canada có bằng cao đẳng/đại học, tăng từ mức 48.3% vào năm 2006. Tỷ lệ di dân có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ cao gấp đôi so với người sinh ra ở Canada.

Những con đường định cư Canada

Hầu hết trong 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ ở Canada đều có chương trình tỉnh bang đề cử (PNP) để thu hút di dân phù hợp với đặc thù địa phương. Những di dân được đề cử để liên bang cấp thẻ PR phải có kỹ năng, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc để đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh bang/vùng lãnh thổ đó, và phải muốn sinh sống ở đó. Tùy nhu cầu và đặc điểm của mình, mỗi tỉnh bang/vùng lãnh thổ có chương trình cụ thể gọi là “stream” (loại/diện) và tiêu chí riêng cho PNP của mình. Mỗi stream nhắm tới một đối tượng di dân tiềm năng, chẳng hạn doanh nhân, lao động có kỹ năng, hoặc sinh viên. Từ ngày 1/1/2015, nhiều tỉnh bang/vùng lãnh thổ đã có các stream mới gắn với hệ thống Express Entry.

Chương trình PNP gần đây thu hút được nhiều di dân mới có lẽ do một số nơi có điều kiện ‘dễ thở’ hơn so với cửa vào ngày càng hẹp ở những điểm đến truyền thống. Nhưng những nơi mở cửa rộng hơn với hy vọng tăng dân số và phát triển kinh tế lại khó giữ chân di dân sau khi họ có thẻ PR. Nhiều di dân diện đầu tư chấp nhận bỏ tiền cọc (có khi tới mấy trăm ngàn đô) và dời sang tỉnh bang khác.

Hồi tháng 2/2018, bộ trưởng di trú liên bang Ahmed Hussen cho biết vùng Atlantic Canada – 4 tỉnh bang ven Đại Tây Dương, gồm New Brunswick, Newfoundland and Labrador, Nova Scotia, và Prince Edward Island (người Việt quen gọi tắt là Đảo Hoàng tử) – có tỉ lệ di dân diện lao động có kỹ năng chuyên môn ở lại chỉ khoảng 60%, so với tỉ lệ ít nhất 90% ở Ontario và Alberta.

Cuối năm 2017, liên bang và 4 tỉnh bang Atlantic Canada phối hợp tung ra Chương trình Thí điểm Di trú vùng Đại Tây Dương (Atlantic Immigration Pilot Program) với chỉ tiêu thu hút 7.000 di dân mới trong 3 năm 2018-2020. Chương trình này chủ yếu dựa trên chủ lao động có nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài có kỹ năng đang cần ở vùng này. Các doanh nghiệp, tổ chức phi vụ lợi hoặc tổ chức nhà nước có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ để được xác nhân là chủ lao động được định danh (designated employer). Các công ty, tổ chức này sau đó được phép tuyển dụng người lao động nước ngoài hoặc các sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp tại tỉnh bang đó đủ trình độ và kỹ năng, nếu không tuyển được người địa phương cho vị trí đó. Lao động nước ngoài hoặc sinh viên quốc tế đó có thể được cấp thẻ PR.

Đây là bản đầy đủ của bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 34-2018, ngày 9/9/2018.

©Canada Info.

Bài liên quan:

7 thoughts on “Những con đường định cư Canada, và di dân người Việt ở Canada

Trả lời Hoang trieu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.