Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn triệt tiêu nó, nhưng hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương vẫn sống.

Hơn 2 năm trước, Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại Vành đai Thái Bình Dương có tính cột mốc mà Mỹ từng xem là then chốt trong chiến lược thương mại Châu Á của Mỹ. Sáu trong 11 nước còn lại đã phê chuẩn, đủ để Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực trong vòng 60 ngày nữa, tức ngày 30/12/2018.

Hôm thứ Tư 31/10, Úc đã trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn, nộp thông báo chính thức của mình với New Zealand, nước đóng vai trò lưu ký và theo dõi việc thực hiện hiệp định.

Canada là quốc gia thứ năm phê chuẩn, nộp thông báo của mình cuối tuần trước sau khi Quốc hội phê chuẩn luật thực thi hiệp định.

Đầu tuần rồi, Bộ trưởng Đa dạng Thương mại Quốc tế Jim Carr nói điều quan trọng là Canada là một trong sáu nước đầu tiên phê chuẩn để có “lợi thế đi trước”, được hưởng quyền tiếp cận tốt hơn và thuế quan thấp hơn tại các thị trường Châu Á trọng điểm mà Mỹ sẽ không được do quyết định rút khỏi hiệp định của chính quyền Donald Trump.

“Canada sẽ là quốc gia G7 duy nhất có hiệp định thương mại tự do với sáu nước còn lại,” bộ trưởng Carr nói với báo giới trước khi vào tham dự phiên chất vấn tại Hạ viện hôm 31/10.

Đây cũng là một cách khác mà Canada hy vọng sẽ đa dạng hóa thương mại của mình, với mục tiêu dài hạn là hàng hóa và dịch vụ Canada ít phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ là đối tác thương mại không còn thân thiện như trước.

Nhật, Mexico, New Zealand và Singapore đã phê chuẩn đầu năm nay.

Các nước ký kết còn lại – Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam – sẽ không được hưởng lợi hoặc bị ràng buộc bởi các biện pháp của hiệp định này cho tới khi họ hoàn tất quá trình phê chuẩn của họ. Tuy nhiên, một số nước muốn tham gia sớm: dự kiến Việt Nam ​​sẽ là nước tiếp theo phê chuẩn, trong tháng 11.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết ông vẫn đang cân nhắc lợi ích của hiệp định.

Thứ trưởng thương mại Peru Edgar Vasquez nói với Reuters rằng ông hy vọng Lima sẽ phê chuẩn hiệp định này trước năm 2019.

Dù không có Mỹ tham gia, 11 quốc gia trong CPTPP chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Nếu Mỹ cân nhắc lại và đàm phán để tái tham gia về sau, khối CPTPP sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu.

Bộ trưởng thương mại quốc tế François-Philippe Champagne, thứ tư từ bên trái, với bộ trưởng từ các nước thành viên khác sau lễ ký kết CPTPP ở Santiago tháng 3/2018. (Ảnh: Esteban Felix/Associated Press)

Mỹ ban đầu có ý định dùng các quy tắc được thiết lập trong TPP để làm đối trọng đáng kể cho sức mạnh thương mại của Trung Quốc. Nay, Trung Quốc đã cân nhắc việc sẽ tham gia CPTPP. Vương quốc Liên hiệp Anh cũng đã ngỏ ý muốn đàm phán trong tương lai với khối CPTPP trong bối cảnh nước này dự kiến sẽ rút khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU).

Theo một phân tích năm ngoái được thực hiện cho Sáng hội Canada West, các nước như Canada và Mexico có thể hưởng lợi nhiều hơn từ CPTPP nếu không có Mỹ.

Nguồn: CBC, 31/10/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

1 thought on “Đủ 6 nước phê chuẩn, CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.