Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn
Vancouver là thành phố phương Tây đầu tiên trải nghiệm dòng tiền ồ ạt từ Trung Quốc đổ sang. Thành phố này nay đang đi đầu trong những nỗ lực chặn dòng chảy đó.
Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn
Matthew Campbell và Natalie Obiko Pearson
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Chiếc xe hai cửa màu đen dừng lại bên ngoài sòng bạc Starlight Casino ở ngoại ô Vancouver. Tài xế bước ra, chào một người mặc áo đỏ rồi lôi từ thùng xe ra hai túi nylon màu trắng căng phồng. Anh ta dẫn đường đi vào một quán mì vắng bên cạnh; ở đó anh ta giao hai cái túi rồi quay lại xe. Người mặc áo đỏ mang hai túi vào sòng bạc, qua một hành lang bằng kính hun hút có các biển hiệu bằng tiếng Anh và tiếng Quan Thoại. Tại quầy thu ngân, ông mở một túi để trưng hàng: hàng ngàn tờ 20 đô-la Canada màu xanh lá cây, buộc bằng dây thun màu vàng thành những cuộn lỏng lẻo.
Máy đếm của nhân viên thu ngân phải chạy liên tục hơn 10 phút mới đếm hết số giấy bạc đó, hơn 250,000 CAD (192,000 USD). Được đổi thành phỉnh đánh bạc mà về sau có thể đổi lấy tiền mặt, cho dù phỉnh có được dùng ở bàn đặt cược, số tiền này có thể chi tiêu ở bất cứ đâu tại Canada, không bị thắc mắc về nguồn gốc. (©Bản tiếng Việt của Canada Info.net)
Giao dịch đó tại sòng bạc Starlight vào một ngày mùa đông năm 2009, được mô tả trong video được chính quyền British Columbia công bố năm nay, là một trong số hàng ngàn giao dịch được thực hiện tại và xung quanh Vancouver trong chục năm qua. Được nước ngoài biết đến chủ yếu về phong cảnh Bờ biển Thái Bình Dương tuyệt đẹp và lối sống thể thao, thành phố này đã trở thành một trong những đường dẫn lớn nhất thế giới cho những lượng tiền đáng ngờ chuyển từ Châu Á sang các nền kinh tế phương Tây. Một học giả gọi quy trình này “mô hình Vancouver”: sự pha trộn mờ ám giữa tiền sạch và tiền bẩn trong các sòng bạc, bất động sản và hàng xa xỉ nhờ các mối quan hệ lịch sử với Trung Quốc và nhờ thành tích kém cỏi của Canada trong việc phòng chống tội phạm tài chính.
Thay đổi sẽ khó khăn và đau đớn. Vancouver đã gắn bó mật thiết với Châu Á từ cuối thế kỷ 19, khi những người lao động Trung Quốc đầu tiên tới đây để giúp xây dựng tuyến đường sắt xuyên Canada, và thành phố này tự hào về thành quả giúp di dân hội nhập. Hơn nữa, ngoài bất động sản, nền tảng kinh tế của Vancouver khá nông cạn. Vancouver không phải là thủ phủ kinh tế của miền tây Canada — đó là Calgary — và không có nhiều trụ sở chính của công ty hoặc các cơ sở sản xuất chế tạo quy mô lớn. “Nền kinh tế này còn sống được là vốn từ Châu Á, vậy thôi,” Ron Shon, một nhà đầu tư mạo hiểm người Canada gốc Trung Quốc đã nhập cư từ thời thiếu niên cuối những năm 1960, nói. “Có thể nhìn thấy điều đó trong mọi khía cạnh cuộc sống của chúng tôi.” (©Bản tiếng Việt của Canada Info.net)
Tuy nhiên, tiền đổ tới quá nhanh, và với số lượng quá lớn, tới nỗi không còn thể ngồi yên mà nhìn. Vancouver có lẽ là thành phố lớn đầu tiên của phương Tây cảm nhận dòng chảy cuồn cuộn của vốn Trung Quốc. Thành phố này hẳn sẽ sớm là nơi đầu tiên hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra khi ta tìm cách chặn dòng chảy đó.
Khi Canada, do cần lao động và vốn đầu tư nước ngoài, tự do hóa chính sách nhập cư của mình trong thập niên 1970, Vancouver một lần nữa trở thành một điểm đến tự nhiên. Nhiều người di cư từ Hong Kong, một xu hướng tăng nhanh sau khi Vương quốc Liên hiệp Anh vào đầu thập niên 1980 đồng ý giao lại thành phố cho Trung Quốc vào năm 1997. Năm 1988, Lý Gia Thành (Li Ka-shing), một đại gia địa ốc và cơ sở hạ tầng Hong Kong, đã đồng ý trả 320 triệu CAD mua một dải đất công nghiệp trên False Creek, một con lạch hẹp phân cách hai bán đảo của thành phố. Đây là thương vụ đất đai lớn nhất trong lịch sử Vancouver, và những cao ốc gia cư mảnh mai, bóng loáng mà Lý Gia Thành xây dựng ở đó đã tạo nên khuôn mẫu cho việc tái phát triển [địa ốc] nhanh chóng ở những nơi khác trong thành phố. Những tòa nhà tương tự như vậy chào đón thêm nhiều di dân từ Hong Kong, từ Đài Loan, và cuối cùng là từ đại lục, trong đó có nhiều người giàu. Ở các nước khối Đại Trung Hoa, Vancouver trở thành từ gần như đồng nghĩa với thịnh vượng: Một trong những chuyến bay hàng ngày của hãng Cathay Pacific từ Hong Kong được đánh số 888, cụm ba chữ số may mắn nhất có thể có.
Hệ thống di trú của Canada coi trọng các ứng viên có những kỹ năng được thị trường chuộng, và cũng cung cấp những lợi thế khác cho người giàu. Chỉ cần thường trú đủ ba năm là được nhập tịch, và việc đánh thuế đối với thu nhập kiếm được ở nước ngoài không được thực thi nghiêm ngặt. Những quy định này đã góp phần làm nở rộ các gia đình “phi hành gia”, với người trụ cột kiếm tiền vẫn ở nước ngoài trong khi vợ/chồng và con cái sống ở Vancouver hoặc Toronto. Nhiều di dân như vậy “đã thành đạt, vì vậy họ khá dễ kiếm tiền ở Trung Quốc,” Richard Zhang, một nhà quản lý phát triển công nghiệp nhập cư năm 2006 từ tỉnh Hà Bắc, nói. “Đời nào họ từ bỏ điều đó?”
Mỗi năm Canada nhận khoảng 300,000 thường trú nhân (PR) mới — một tỷ lệ, so với dân số, cao hơn nhiều so với Mỹ — và tất cả các đảng chính trị lớn ở Canada đều tán dương các lợi ích kinh tế và văn hóa của di dân. Các cuộc thăm dò dư luận luôn cho thấy người dân có những quan điểm tương tự. Người Vancouver xưa nay có xu hướng hoan nghênh di dân mới đến một phần vì họ đã mang tiền tới — và mang rất nhiều. Chủ yếu nhờ người giàu ngoại quốc mua, giá trị bất động sản của thành phố này hiện nay cao nhất Canada. Giá trung vị của một căn nhà độc lập (detached) ở Vancouver đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005, lên tới 1.5 triệu CAD, khiến hàng ngàn người có nhà trở thành triệu phú.
Trong suốt quá trình tăng này, “chẳng ai phàn nàn cả”, theo Chip Wilson, người sáng lập gây tranh cãi của hãng bán lẻ quần áo Lululemon Athletica Inc., một trong số ít thương hiệu quốc tế xuất phát từ thành phố này.
(Còn tiếp)
Nguồn: “The City That Had Too Much Money”, Bloomberg Businessweek, 20/10/2018.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.
3 thoughts on “Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn”