Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn (Kỳ cuối)

1

Sự bùng nổ của Trung Quốc đã tạo nên nhiều triệu phú cần có chỗ cất tiền của họ. “Vậy bạn đi đâu nếu bạn là người Trung Quốc? Sydney, có thể. Nhưng có lẽ không nơi nào thân thiện hơn Vancouver.”

Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn

Matthew Campbell và Natalie Obiko Pearson

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

(Kỳ 1, Kỳ 2)

Khoảng 500,000 người ở vùng đại đô thị Vancouver là gốc Hoa, chiếm khoảng 20% ​​dân số, theo theo điều tra dân số mới nhất của Canada. Tỷ lệ này cao nhất ở Richmond, ngay phía nam Vancouver, hơn 50% là người gốc Hoa. Khu thương mại chính của vùng ngoại ô này là No. 3 Road, một đại lộ đầy những các cửa hàng lớn và các trung tâm mua sắm treo bảng hiệu tiếng Hoa. Công trình phức tạp nhất là Aberdeen Centre, một thương xá hình uốn lượn bọc kính trong mờ sặc sỡ. Thương xá này được xây dựng vào năm 1989.

Nói chuyện trong một bữa ăn trưa với món súp nóng nghi ngút tại Chef Hung Taiwanese Beef Noodle, một nhà hàng đông khách ở tầng hai, Thomas Fung, nhà đầu tư xây dựng thương xá này, kể ông đã nảy ra ý tưởng ra sao. Fung, 67 tuổi, có vóc người mảnh mai, với mái tóc đen nhọn và những nét tinh tế. Là con trai của một nhà tài phiệt nổi tiếng ở Hong Kong, ông tới Vancouver vào những năm 1980 và đã làm mọi thứ từ việc kinh doanh tiệm bánh tới sản xuất phim. Ông nhanh chóng thấy rằng thành phố này sắp thay đổi đáng kể. “Tôi tin rằng trong 10 năm tới, vì chuyện Hong Kong được bàn giao vào năm 1997, sẽ có rất nhiều di dân mới tới đây,” Fung nói. Ông biết họ muốn có những tiện nghi như ở quê hương, nên ông ấp ủ ý tưởng mở một thương xá bán những hàng hóa giống như ở các đại thương xá tại khu vực Đồng La Hoan (Causeway Bay) của Hong Kong.Nhưng ông thừa nhận rằng những nhiễu loạn trong nền kinh tế địa phương đáng lo ngại. “Khi tôi gặp một số người già trong khu của tôi,” Fung nói, “rất nhiều người trong số họ đang dời đi chỗ khác.” Thường thì thu nhập của một người về hưu không đủ để đóng thuế nhà đất của một ngôi nhà được định giá tới hàng triệu đô. Fung nói rằng ông không còn kinh doanh phát triển bất động sản trong khoảng 5-6 năm qua, vì lo ngại rằng các yếu tố kinh tế căn bản của Vancouver không thể biện minh cho chi phí nhà ở thành phố này. (©Bản tiếng Việt của CanadaInfo.net)

Chính sách của tỉnh bang đang có dấu hiệu tạo ra hiệu ứng mong muốn. Số nhà dân cư bán tại vùng đại đô thị Vancouver trong tháng Chín giảm 44% so với một năm trước đó, xuống tới mức thấp nhất trong tháng đó kể từ năm 2012. Giá đang bắt đầu giảm và nhà đăng bảng bán lâu hơn. Nhưng những số liệu thống kê đó cũng cho thấy điểm yếu kinh tế cơ bản của thành phố này.

Theo một số ước tính, mua bán nhà, xây dựng nhà và các hoạt động liên quan chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội của British Columbia. Trong số 60 công ty trong chỉ số chứng khoán chuẩn mực S & P / TSX 60 của Canada, chỉ có năm công ty có trụ sở tại Vancouver, và bốn trong số đó là các công ty khai khoáng với tương đối ít nhân viên địa phương. (Công ty còn lại là hãng viễn thông Telus Corp.) Ngành kỹ thuật hàng không khá khiêm tốn, mặc dù các vùng ngoại ô phía nam của Vancouver chỉ cách nhà máy lắp ráp của Boeing ở Seattle khoảng hai giờ lái xe. Thành quả gần nhất về phát triển ngành tài chính quan trọng mà thành phố này suýt đạt được là đợt bùng nổ cổ phiếu giá trị nhỏ (penny stock) trong thập niên 1980, khi hàng ngàn công ty nhỏ xíu, trong đó nhiều công ty là vỏ bọc của những trò lừa đảo, được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Vancouver nay đã dẹp bỏ. Điểm sáng nhất có lẽ là ngành điện ảnh, một trung tâm cho các phim kinh phí lớn như Deadpool Star Trek: Beyond.

Ngoại lệ chính của chiều hướng này là một ngành khá quen với giá bất động sản cao: công nghệ, nơi mà số lượng việc làm và doanh thu đang tăng lên. Vài năm trước, Microsoft Corp. đã chuyển đổi các tầng trên cùng của một cửa hàng Sears xập xệ thành một văn phòng bóng loáng chạy dài trên cả dãy phố. Cách đó vài đường, trong một khu vực nở rộ các chi nhánh của các đại tập đoàn Internet khác của Mỹ, Amazon.com Inc. đang chuyển đổi một bưu điện có từ thập niên 1950 thành một trung tâm nghiên cứu có 3,000 nhân viên. Hệ thống di trú phóng khoáng của Canada, mà có thể cấp chiếu khán (visa) cho những người lao động có kỹ năng cao chỉ trong vòng hai tuần, là một phần của sức hút đối với các công ty công nghệ; mức lương thấp ở Vancouver cũng là yếu tố hấp dẫn. (©Bản tiếng Việt của CanadaInfo.net)

Song, lý do ngành công nghệ quen với giá bất động sản cao là ngành này thường đẩy giá lên. Nguồn cung liên tục những công việc công nghệ được trả lương cao sẽ mang lại cho thành phố này một nền tảng kinh tế rộng hơn; nhưng sẽ chẳng góp phần biến Vancouver thành nơi dễ sống hơn cho giáo viên, y tá, chủ doanh nghiệp nhỏ, và các nghệ sĩ hiện đang vật lộn để tồn tại ở đó. Đối với họ, cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp tục luẩn quẩn.

Xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu ở Vancouver không phải là chuyện bất khả thi. Chỉ cần hỏi Wilson, người đã thành lập Lululemon ở đó vào năm 1998. Thương hiệu áo quần lấy cảm hứng từ yoga là hoàn toàn đặc thù Vancouver ngay từ đầu – một chút phóng khoáng, một chút công nghệ cao, rất đắt. Và mặc dù hãng nay có cửa hàng ở 13 quốc gia và niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, trụ sở của nó vẫn ở gần bờ biển của thành phố, gần một con đường chạy bộ rất đông những người chạy mặc các sản phẩm của Lululemon. Có thể nói không ngoa rằng hãng này đã thay đổi cách thiên hạ ăn mặc, khiến Wilson trở thành một trong những người giàu nhất Canada và tạo ra hàng chục hãng bắt chước trong một chủng loại thời trang thể thao thư giãn (athleisure) mà hiện nay có doanh thu hơn 50 tỷ đô-la/năm chỉ riêng ở Mỹ, theo hãng nghiên cứu NPD Group Inc.

“Vậy bạn đi đâu nếu bạn là người Trung Quốc? Sydney, có thể. Nhưng có lẽ không nơi nào thân thiện hơn Vancouver.” Ông cho rằng bằng cách này hay cách khác, những số tiền đó sẽ tìm được đường tới Canada.

Theo cách nhìn của Wilson, các lực tài chính toàn cầu tất yếu sẽ áp đảo các biện pháp sở tại. Thủ hiến Horgan và bộ trưởng tư pháp Eby có thể thành công trong việc kiềm hãm những dòng tiền thừa mứa trầm trọng nhất, nhưng đối mặt với một trong những dòng lũ chuyển vốn lớn nhất thế giới, đó là chưa kể lịch sử của chính Vancouver, chính quyền tỉnh bang khó có thể là một bờ đê đủ sức ngăn cản. Vẫn còn có thể kiếm được nhiều tiền đối với loại đầu tư luôn chắc ăn của Vancouver. Đó là lý do tại sao, Wilson nói, mỗi khi ông đi Châu Á trở về, suy nghĩ đầu tiên của ông khá đơn giản: “Mua đất.”

Nguồn: “The City That Had Too Much Money”, Bloomberg Businessweek, 20/10/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

1 thought on “Ngập tiền Trung Quốc, Vancouver đau đầu tìm cách ngăn chặn (Kỳ cuối)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.