Khương An

Hôm 1/12/2018, giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Huawei bị Canada bắt khi đang quá cảnh ở Vancouver, nơi gia đình bà có nhà, trong 12 giờ trước khi bay sang Mexico. Mỹ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh vì bị tình nghi vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Hôm 11/12, Tối cao Pháp viện British Columbia đã cho bà tại ngoại hầu tra với tiền thế chân 10 triệu CAD (trong đó 7 triệu bằng tiền mặt và 3 triệu bằng tài sản thế chấp). Bà hiện đang chờ ra tòa lần tới vào ngày 6/2/2019. Vẫn chưa rõ bà có sẽ bị dẫn độ hay không.

Trung Quốc đáp trả

Vẫn chưa hài lòng với việc bà Mạnh được tại ngoại, Trung Quốc yêu cầu Canada thả bà ngay lập tức, và xem vụ bắt giữ này là một trò chính trị mờ ám do Mỹ dàn dựng. Canada nói chỉ tuân theo hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Chính phủ Canada cũng nhấn mạnh rằng số phận của bà Mạnh sẽ do các tòa án Canada quyết định, chứ không phải do các chính khách. Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa gạt các tổ chức tài chính và khiến họ vi phạm cấm vận đối với Iran.

Nhưng lý lẽ này chỉ càng khiến Trung Quốc tức tối. Nỗi tức giận này được thể hiện trong một ý kiến của đại sứ Trung Quốc ở Canada Lô Sa Dã (Lu Shaye) đăng trên The Globe and Mail, nhật báo hàng đầu ở Canada, hôm 13/12.

“Việc bắt giữ bà Mạnh không phải là một vụ tư pháp đơn thuần, mà là một hành động chính trị có chủ tâm mà trong đó Mỹ dùng sức mạnh chế độ của mình để trừng phạt một công ty công nghệ cao của Trung Quốc vì toan tính chính trị. Tuy nhiên, cái gọi là quyền tài phán đối với người nước ngoài của Mỹ không có căn cứ trong luật quốc tế.”

Ông Lô nói rằng những kẻ lên án Trung Quốc về các vụ bắt người để trả đũa vụ bà Mạnh “trước tiên nên suy gẫm về các hành động của phía Canada”. Ông cũng viết, “Chê trách Trung Quốc có chuẩn kép là vừa đê tiện vừa đạo đức giả.”

Hôm 13/12, Trung Quốc xác nhận cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị bắt, trong hai vụ riêng biệt, do bị tình nghi ‘gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia’. Thông báo này càng khiến cuộc khủng hoảng ba bên trở nên phức tạp hơn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai ông Kovrig và Spavor đang bị cơ quan an ninh điều tra, và đang chịu “các biện pháp bắt buộc”, một thuật ngữ thường dùng để chỉ việc bắt giam mà không truy tố chính thức, và có thể kéo dài sáu tháng. Dường như bộ máy an ninh của Trung Quốc đã theo dõi họ từ lâu.

Hai vụ bắt công dân Canada ở Trung Quốc đã gây lo ngại cho những người Canada làm việc và thường xuyên tới Trung Quốc. Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc, nói ông đã nghe nhiều chuyên gia hoãn các chuyến công tác sang Trung Quốc.

“Có nỗi lo sợ đang gia tăng là bất cứ ai khác cũng có thể bị bắt một cách bừa bãi, nhất là vì chúng ta biết Trung Quốc không có cùng định nghĩa về an ninh quốc gia,” ông nói. “Nó khá linh hoạt và rất rộng.”

Ông Kovrig là bí thư thứ nhất và phó lãnh sự tại đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh từ năm 2014 tới năm 2016. Gần đây, ông là cố vấn cao cấp cho International Crisis Group, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Brussels đã dời văn phòng ở Bắc Kinh sang Hong Kong các đây vài năm khi Trung Quốc siết chặt các hạn chế đối với các tổ chức nước ngoài.

Ông thông thạo tiếng Quan thoại, từng có nhiều năm điều tra các vấn đề nhạy cảm như quyền của các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc.

Ông Spavor tự nhận mình là người thích phiêu lưu mạo hiểm, nhà văn, người giải quyết vấn đề, nhà tư vấn và nhà hòa giải giữa phương Tây và Bắc Hàn.

Ông giúp dàn xếp một chuyến thăm đình đám tới Bắc Hàn vào năm 2016 của ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman, và khoe là ông thậm chí đã gặp Kim Jong-un, lãnh tụ bí ẩn của Bắc Hàn, đã chụp hình chung với Kim Jong-un, cười tươi và bắt tay, mà ông đăng trên mạng xã hội.

Hai hãng tin AP và AFP bình luận rằng sự việc diễn tiến theo một lối mòn kinh điển của Bắc Kinh khi đáp lại sự coi thường của các nước khác với Trung Quốc: Bác bỏ bất kỳ cáo buộc sai trái nào, viện vào lý lẽ đạo đức và áp đặt sức ép tối đa để có được những nhượng bộ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bắt giữ Michael Kovrig cũng cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện đường lối ngày càng cứng rắn đối với những tranh chấp quốc tế dưới thời Tập Cận Bình. Theo giới chuyên gia, nhà cựu ngoại giao này có thể đã trở thành “con tin” hoặc “vật đảm bảo” trong căng thẳng giữa ba nước Mỹ, Trung Quốc và Canada hiện nay.

Trước đây, Bắc Kinh từng trả đũa thương mại các tập đoàn và chính phủ nước ngoài trong các tranh cãi ngoại giao, quân sự và chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, việc bắt giữ một công dân nước ngoài như trường hợp trên là hiếm hoi và bất thường.



Mặc dù việc bắt giữ ông Kovrig chưa được thông tin rộng rãi ở Trung Quốc và chưa thể hiện rõ ràng là có liên quan vụ bắt giữ bà Mạnh, song rõ ràng nhiều người dân Trung Quốc coi hai sự việc này có liên quan đến nhau. Trên các diễn đàn mạng xã hội và trên đường phố, nhiều người Trung Quốc đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với “bà hoàng Huawei” này. Họ đều nói thành công trên phạm vi toàn cầu của Huawei là nguồn tự hào dân tộc to lớn. Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ báo quốc doanh Thời báo Hoàn cầu, bình luận trên trang mạng xã hội Weibo (Vi Bác) rằng “nếu người dân trên thế giới nghĩ về sự liên hệ này thì đó là vì vụ bắt giữ bà Mạnh đã vượt quá giới hạn. Lẽ tự nhiên, người ta sẽ cho rằng Trung Quốc sẽ trả thù”.

Trong khi đó, Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada ở Bắc Kinh nhận định với AFP rằng “trong trường hợp này, rõ ràng chính phủ Trung Quốc muốn gây sức ép tối đa đối với chính phủ Canada”. Saint-Jacques cũng cho rằng Kovrig sẽ là “nạn nhân” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, Shaun Rein, tác giả cuốn “Cuộc chiến vì ví tiền Trung Quốc” bình luận trên AFP “Trung Quốc muốn chứng minh với thế giới rằng nước này là một siêu cường địch thủ với Mỹ và rằng các nước cần phải chọn đi với Mỹ hay đi với Trung Quốc”.

Năm 2014, Trung Quốc đã từng bắt giữ hai công dân Canada, Kevin và Julia Garratt, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với tội danh hoạt động gián điệp để trả đũa việc Canada tạm giam thẩm vấn ông Su Bin bị nghi ngờ có can dự vào một vụ tấn công tin học cũng theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc kết thúc với việc Bắc Kinh lần lượt trả tự do cho hai người trên vài tháng sau khi ông Su Bin chấp nhận đến Mỹ và tuyên bố vô tội.

Dẫn độ và động cơ chính trị

Một số người cho rằng bà Mạnh càng có lý lẽ mạnh hơn để phản đối dẫn độ sau một phát biểu của tổng thống Mỹ khi trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 12/12.

Donald Trump ngụ ý rằng ông có thể can thiệp bỏ lệnh dẫn độ bà Mạnh để đổi lấy những nhượng bộ thương mại của Trung Quốc. Khi gắn hai vấn đề này với nhau, Trump có thể đã vô tình trao cho bà Mạnh một cách để tránh bị dẫn độ bằng cách lập luận rằng vụ bắt bà có động cơ chính trị, mà như vậy thì tiêu chuẩn để dẫn độ sẽ cao hơn nhiều.

Cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc David Mulroney nói, “Phát biểu đó hết sức vô ích. Nó khớp với luận điểm của Trung Quốc cho rằng Canada là một nước chư hầu và chỉ làm theo sai bảo của Mỹ.”

Khi được hỏi về phát biểu của tổng thống Mỹ, thủ tướng Trudeau nói với báo giới ở Ottawa, “Bất luận chuyện diễn ra ở các nước kia, Canada đang và sẽ luôn là một quốc gia pháp trị.”

Thông thường các vụ dẫn độ sang Mỹ không gặp rắc rối lắm ở Canada và hầu như được tòa chấp thuận.

Robert Currie, giáo sư luật với chuyên môn về dẫn độ tại Đại học Dalhousie ở Halifax, nhận định rằng Trump đã trao vũ khí cho các luật sư của bà Mạnh. Họ có thể lập luận rằng bà đang bị đưa ra làm bung xung trong cuộc chiến thương mại, và không biết bà sẽ được xét xử công bằng ở Mỹ hay không. Giáo sư Currie nói. “Không còn là về luật hình sự nữa, mà là chính trị.”

Ngoại trưởng Chrystia Freeland của Canada rõ ràng hiểu rõ những hệ lụy từ phát biểu của ông Trump. “Các đối tác dẫn độ của chúng tôi không nên tìm cách chính trị hóa quy trình dẫn độ hoặc dùng nó cho các mục đích nào khác mưu cầu công lý,” bà nói tại một cuộc họp báo hôm 12/12.

Quy trình dẫn độ có thể mất nhiều tháng ở Canada. Trước hết, một thẩm phán Canada phải được thuyết phục về lý do dẫn độ, rồi bộ trưởng tư pháp phải phê chuẩn. Nếu một trong hai phán quyết đó bị kháng cáo, quy trình này có thể kéo dài nhiều năm, theo giáo sư Currie.

Nhưng, theo ông, các luật sư của bà Mạnh có thể yêu cầu tòa bác lệnh dẫn độ với lý do có can thiệp chính trị. “Hiện tại, cả tổng thống Mỹ lẫn chính phủ Trung Quốc dường như đang can thiệp vào quy trình pháp lý của chúng ta,” ông Currie nói. Theo ông, ưu tiên của chính phủ hiện nay là “bảo vệ chủ quyền Canada và bảo vệ quy trình pháp lý của Canada.”

Phản đòn kinh tế?

Việc Canada bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ càng khiến căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong khi hai nước này đang thương lượng hưu chiến thương mại.

Canada bỗng dưng kẹt giữa hai làn đạn, và chọn nghiêng về bên nào cũng khó. Mỹ là láng giềng và đồng minh, còn Trung Quốc là thị trường quan trọng và ngày càng có giá trị đối với Canada dựa vào xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia cho rằng các nỗ lực của thủ tướng Trudeau nhằm đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn, trước mắt coi như sẽ bế tắc.

Sau khi thiệt thòi trong hiệp định USMCA để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Canada gắng tăng cường giao thương với Trung Quốc để bớt lệ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế với Mỹ.

Nhưng hiệp định USMCA có một điều khoản gây tranh cãi mà nhiều người xem là trò trắng trợn của Mỹ nhằm ngăn cản một hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Canada.

“Điều khoản Trung Quốc” nêu ra những hậu quả đối với bất cứ nước thành viên nào nếu đàm phán hiệp định thương mại khác với “các nền kinh tế phi thị trường”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada đã gọi điều khoản đó là một sự sỉ nhục trong một tuyên bố chỉ trích “các hành động bá quyền của một nước nào đó mà can thiệp trắng trợn vào chủ quyền của nước kia”.

Và nhiều người Canada e ngại thái độ ‘sáng nắng chiều mưa’ của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Canada. Mối quan hệ của tổng thống Trump với thủ tướng Trudeau nhìn chung khá lạnh nhạt trong năm nay. Nay, trong khi đợi vụ dẫn độ được tòa án xét xử trong những tháng tới, thủ tướng Trudeau lại thêm nguy cơ bị Trung Quốc xa lánh.

Cựu đại sứ Guy Saint-Jacques nói mâu thuẫn này có thể trầm trọng hơn và dự đoán rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ, sẽ phản đòn kinh tế.

“Họ sẽ bắt đầu tăng áp lực, hủy hợp đồng, ngưng nhập sang Trung Quốc những hàng xuất khẩu then chốt [của Canada] như dầu hạt cải, thịt heo và thịt bò,” ông Saint-Jacques nói.

Tuy chính phủ Canada và các ngành then chốt chưa thấy tín hiệu nào về việc hàng xuất khẩu của Canada có thể bị Trung Quốc trả đũa, chỉ riêng viễn cảnh có thể bị trả đũa cũng đã khiến nhiều người ở Canada nao lòng.

“Trung Quốc giỏi trả đũa trong những tình huống như vậy,” Brian Kingston, phó chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế tại tổ chức vận động hành lang cho giới kinh doanh Hội đồng Kinh doanh Canada.

“Phản ứng của chúng ta nên nói rõ là trả đũa là vô ích,” ông nói, “rằng đây không phải là một vấn đề Canada-Trung Quốc. Chúng ta đang đáp ứng một yêu cầu của Mỹ.”

Đó cũng là quan điểm của chính phủ Canada. Sau khi Trung Quốc phản đối vụ bắt bà Mạnh và đòi thả ngay, thủ tướng Justin Trudeau và các quan chức trong chính phủ của ông nhiều lần nói rằng theo các hiệp ước với Mỹ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài là phải bắt bà Mạnh.

Song, giới kinh doanh không khỏi lo ngại.

Với 7000 chủ trại nuôi heo ở Canada, Trung Quốc là một thị trường vô cùng béo bở. Những món gần như chẳng có giá trị ở Canada, như giò heo, lại có nhu cầu cao và ngày càng tăng ở Trung Quốc.

Gary Stordy, trưởng ban các vấn đề chính quyền và doanh nghiệp của Hội đồng Thịt heo Canada, nói tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đóng cửa thị trường.

Nhưng ông Stordy nói rằng các chủ trại nuôi heo, giống như nhiều nhà sản xuất nông nghiệp khác, biết Trung Quốc từng dùng các quy định y tế và an toàn làm công cụ trả đũa.

Sau khi Giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động dân chủ Lưu Hiểu Ba vào năm 2010, chính quyền Trung Quốc ngưng nhập khẩu cá hồi Na Uy với lý do cá nhiễm bệnh (Na Uy phủ nhận lý do đó).

Trung Quốc cũng ngừng nhập khẩu hoa quả từ Philippines do tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Tương tự, đám đông tấn công cửa hàng cửa hiệu và xe hơi Nhật Bản sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Gần đây Trung Quốc đã trả đũa tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc Lotte, khiến hoạt động kinh doanh của hãng này bị hủy hoại nghiêm trọng. Lý do là để trả đũa Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Những hoạt động này nhận được sự ủng hộ từ người dân trong nước Trung Quốc và dù biểu tình công cộng bị cấm ở Trung Quốc nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc lại “bật đèn xanh” cho những vụ việc kiểu đó. Và, chính phủ lại né tránh thừa nhận vai trò của mình trong những việc như vậy để tránh hủy hoại hình ảnh của mình là người hùng của tự do thương mại.

Trung Quốc cũng là một thị trường quan trọng cho tôm hùm và nhiều loại nông sản của Canada, trong đó có dầu hạt cải (canola). Ngành lâm nghiệp của Canada lâu nay chú trọng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Và du khách Trung Quốc là một nguồn ngày càng quan trọng cho ngành du lịch Canada.

Tẩy chay hàng hóa là một nỗi lo khác. Năm nay, Canada Goose, hãng sản xuất áo khoác mùa đông cao cấp của Canada, dự định mở hai cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc và một văn phòng khu vực.

Nay một số người Trung Quốc phẫn nộ về vụ bắt bà Mạnh đã lên mạng xã hội Weibo (Vi Bác) đòi tẩy chay áo khoác Canada Goose, sản phẩm đắt tiền nhưng giới thượng lưu Trung Quốc dư sức sắm.

Trong hai tuần từ ngày 3/12, ngày giao dịch đầu tiên sau khi có tin bà Mạnh bị bắt, cổ phiếu Canada Goose rớt giá hơn 20%. Hôm thứ Sáu 14/12, Canada Goose thông báo hoãn khai trương cửa hàng ở Bắc Kinh với lý do “đang xây dựng”.

Tuy Trung Quốc đã cảnh báo Canada rằng Canada sẽ chịu hậu quả nếu không thả bà Mạnh, ông Mulroney nói Trung Quốc khó có thể có hành động kinh tế đáng kể nào, dù ông, cũng như nhiều người ở Canada, xem việc bắt giữ một cựu viên chức ngoại giao Canada ở Bắc Kinh là có liên quan.

Lynette Ong, giáo sư chính trị học và nghiên cứu Châu Á tại Đại học Toronto, nhận định rằng vụ này đã làm suy giảm trầm trọng thiện cảm dành cho Canada ở Trung Quốc.

“Canada là bộ mặt của cuộc xung đột này, chúng tôi đang giơ đầu chịu báng của cuộc xung đột này nhưng chúng tôi không có ưu thế mặc cả,” bà nói.

Ác cảm đối với người Canada tại Trung Quốc

Người Canada vốn được hoan nghênh tại đất nước mà nay vẫn quý Norman Bethune, bác sĩ người Canada có thiên hướng cộng sản, có tên tiếng Hoa là Bạch Cầu Ân, từng tới Trung Quốc cứu chữa binh lính Bát Lộ Quân trong chiến tranh Trung-Nhật thứ nhì, và được Mao Trạch Đông viết thơ ca ngợi

Nhưng việc Trung Quốc bắt giữ Michael Kovrig và Michael Spavor đã mang lại cho người Canada tại Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác nhiều cảm xúc mới: bất an, lo lắng và thậm chí sợ hãi.

Nhiều bài bình luận trên báo chí quốc doanh Trung Quốc gọi vụ bắt bà Mạnh là “vụ bắt cóc” và “bắt giữ con tin”, còn mạng xã hội sôi sục cuồng nộ với Canada.

Ác cảm đó cũng len lỏi vào công sở ở Trung Quốc. Một số người Canada cho biết các đồng nghiệp người Trung Quốc nói rằng họ ủng hộ nước họ trả đũa Canada, phản ánh tâm lý xuất phát từ giới lãnh đạo cao nhất. Hôm 11/12, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nói rằng “chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi im khi có sự hà hiếp vi phạm trắng trợn các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Trung Quốc.”

“Tôi đang cảm nhận được tinh thần dân tộc nổi lên khá nhiều. Tôi đang thấy nhiều tâm lý Trung Quốc đối đầu với thế giới,” Michael Yen, một chuyên viên tư vấn kinh doanh đã sống ở Trung Quốc trong ba năm, nói. Ông thường mặc áo có hình lá phong vài lần mỗi tuần. Tuần rồi, ông cảm thấy tốt nhất là không khoác lên người màu cờ sắc áo Canada.

Chính phủ liên bang Canada trấn an rằng các mối quan hệ với Trung Quốc nhìn chung vẫn như thường lệ.

Nhưng ít nhất một đại diện chính phủ Canada ở Trung Quốc đã khuyến cáo ở chỗ riêng tư rằng người Canada nên hết sức thận trọng, nhất là nếu họ đang gặp khó khăn với các đối tác kinh doanh Trung Quốc.

Ở Thượng Hải, thủ phủ thương mại của Trung Quốc, nỗi sợ bị trả đũa đã khiến một số nhà quản lý Canada nghỉ Giáng sinh sớm. Tại các văn phòng của một công ty Canada lớn ở Trung Quốc, các nhân viên được yêu cầu nộp danh sách những người liên hệ khi khẩn cấp ở Canada và Trung Quốc. Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh nhận được ít nhất một lời đe dọa đánh bom đăng trên tài khoản của mình trên Weibo (Vi Bác, giống như Twitter). Còn mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời đe dọa trả đũa kinh tế.

Hai người bị Trung Quốc bắt không phải là nhân vật tai to mặt lớn, như sếp của một tổ chức lớn, một ngân hàng hay hãng hàng không. Điều đó cho thấy Trung Quốc như muốn nói, “chúng tôi sẽ nhắm tới bất cứ công dân Canada nào để trả đũa”. Đó là nhận định của J. Michael Cole, một cựu phân tích viên của Nha Tình báo An ninh Canada (CSIS) đóng ở Đài Bắc và nay là học giả cao cấp không thường trú tại Đại học Nottingham ở Anh.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng người Canada không có gì phải lo sợ, và cho biết 780,000 người từ Canada đã tới Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay.

Hôm 13/12, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) phát biểu, “Từ khi chính phủ Canada có hành động sai lầm theo lệnh của Mỹ và bắt bà Mạnh, nhiều người Trung Quốc nay tự hỏi liệu Canada có phải là một nước an toàn.” Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng các công ty Trung Quốc sẽ bớt làm ăn với người Canada. Ông nói nếu người nước ngoài “chấp hành luật pháp Trung Quốc, không có gì phải lo ngại”.

© Canada Info.

1 thought on “Vụ Huawei-Mạnh Vãn Chu: Canada kẹt giữa hai làn đạn Mỹ-Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.