Nhiều trẻ em Canada phải chống chọi với bệnh cúm và các bệnh hô hấp khác trong kỳ nghỉ lễ. Theo các bác sĩ nhi khoa và giới chức y tế công cộng, nguyên nhân một phần là do mùa cúm bắt đầu sớm.

Bác sĩ Catherine Farrell, chuyên gia chăm sóc hồi sức nhi khoa tại bệnh viện nhi khoa và sản khoa CHU Sainte-Justine, ở Montreal nói rằng các phòng cấp cứu và khoa chăm sóc hồi sức ở bệnh viện này và các nơi khác ở Quebec đông nghẹt bệnh nhân, với tỷ lệ bệnh hô hấp khá cao.

Bà cho biết có vài loại virus hô hấp khác nhau đang lan truyền, trong đó có cúm A — mà có thể dẫn tới các chứng nhiễm thứ cấp, như viêm phổi, khiến trẻ em phải nhập viện.

Số trẻ em nhập viện vì bệnh cúm cao gấp ba lần so với cùng thời điểm này năm ngoái, theo báo cáo theo dõi cúm FluWatch của Cơ quan Y tế Công cộng Canada.

Tính tới ngày 15/12 (thời điểm có số liệu cập nhật nhất), 8,245 ca bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ em đã được xác nhận, theo báo cáo FluWatch. Khoảng 10% trong đó — 864 ca — cần phải nhập viện. Hơn 280 ca trong số ca nhập viện là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống.

Phần lớn trong 47 ca nặng tới mức cần phải đưa vào chăm sóc hồi sức (ICU) là trẻ em dưới 10 tuổi, theo báo cáo.

Vào thời điểm này năm ngoái, số ca cúm được xác nhận trên toàn Canada thấp hơn 2,400 so với hiện nay — và chỉ có 26 trẻ em nhập viện.

Có vài nguyên nhân khả dĩ khiến số ca trẻ em nhập viện tăng lên năm nay, theo giải thích của Anna Maddison, phát ngôn viên của Cơ quan Y tế Công cộng Canada, trong một email gởi cho đài CBC News.

“Mùa cúm hiện nay bắt đầu sớm hơn 2 tuần so với năm ngoái,” bà nói. Mùa cúm bắt đầu vào giữa tháng 10 thay vì đầu tháng 11.

Như vậy có nghĩa là vào cuối mùa cúm, tổng số trẻ em nhập viện có thể giống như năm ngoái, nhưng diễn ra sớm hơn.

Loại virus cúm chủ đạo năm nay — cúm A H1N1 — cũng có liên quan tới việc trẻ em bị bệnh nhiều hơn người lớn, theo Maddison.

Năm ngoái, loại cúm chủ đạo là cúm A H3N2 — một loại đặc biệt mạnh khiến người ở mọi độ tuổi bị bệnh, nhưng khiến người từ 65 tuổi trở lên nhập viện nhiều hơn trẻ em và thiếu niên.

Dù cúm là bệnh nặng hơn so với cảm lạnh thông thường, đa số người bệnh — cả trẻ em và người lớn — đều có thể bình phục ở nhà mà không cần nhập viện, theo bác sĩ Isaac Bogoch, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Toronto.

Trẻ em nhỏ tuổi, người cao niên và những người có sẵn các tình trạng bệnh tật khác, như bệnh tim hoặc phổi, có nguy cơ cao nhất bị bệnh nặng tới nỗi phải nhập viện.

Một nguyên nhân khiến phải nhập viện có thể là viêm phổi, vốn là một biến chứng rất phổ biến của cúm, theo bác sĩ Bogoch.

Cả bệnh viện CHU Sainte-Justine ở Montreal lẫn Bệnh viện Nhi (SickKids) ở Toronto đều cho biết gần đây họ có nhiều trẻ em bị viêm phổi, dù không rõ những ca đó có liên quan tới cúm hay không.

Trong một email gởi cho đài CBC News, phát ngôn viên Jessamine Luck của bệnh viện SickKids cho biết bệnh viện này có nhiều trẻ em bị viêm phổi trong vài tuần qua, thường thấy vào thời điểm này trong năm. Bà nói viêm phổi có thể liên quan tới cúm, nhưng cũng có thể do các bệnh nhiễm khuẩn khác ở trẻ em.

Nhưng khác với phần lớn các bệnh khác, có vaccine ngừa cúm, theo bác sĩ Farrell, người cũng là chủ tịch Hội Nhi khoa Canada. Bà nói rằng vẫn chưa muộn để cha mẹ đưa con đi chích ngừa cúm.

Khi nào cần đưa con đi bệnh viện?

Đài CBC News đã yêu cầu bác sĩ Jonathan Gubbay, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm nhi khoa và nhà vi sinh học y khoa ở cơ quan Y tế Công cộng Ontario, cho lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.

Ông nói rằng xét từ giác độ phòng ngừa, tốt nhất là cha mẹ nên đưa con đi chích ngừa cúm, dặn con rửa tay và cho con nghỉ học nếu bệnh để khỏi lây bệnh cho người khác.

Khi con bị bệnh, cha mẹ nên để ý xem có những dấu hiệu bị bệnh hô hấp “cấp tính”, như viêm phổi. Những dấu hiệu đó bao gồm:

  • Sốt không thuyên giảm trong vài ngày
  • Hụt hơi
  • Thở nhanh.

Nếu trẻ em có bất kỳ triệu chứng nào như trên, cha mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ hoặc y tá, hoặc tới bệnh viện, theo bác sĩ Gubbay.

Nguồn: The Canadian Press, CBC, 25/12/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.