Đa số người Canada không tán thành cách Thủ tướng Justin Trudeau đương đầu với khủng hoảng trong quan hệ Canada-Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, theo một cuộc thăm dò dư luận mới.

Theo kết quả khảo sát của Viện Angus Reid được công bố hôm thứ Sáu 1/2, vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei hồi tháng 12/2018 để có thể dẫn độ sang Mỹ là nguyên nhân dẫn tới sự đối đầu ngoại giao hiện tại, nhưng một tỷ lệ đa số tương tự hồi cuối tháng 9 cho biết họ đồng ý với vụ bắt giữ này.

Gần như mọi người đồng ý về mức độ nghiêm trọng của tình hình – 92% cho rằng tình hình “khá” hoặc “rất” nghiêm trọng.

Bộ trưởng tư pháp David Lametti xác nhận trong tuần rồi rằng Bộ Tư pháp Canada đã nhận được yêu cầu chính thức từ Mỹ về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu do bà bị cáo buộc nhiều tội hình sự như gian lận ngân hàng và cản trở công lý. Một bản cáo trạng 13 tội dành cho bà, Huawei Technologies và hai công ty con của Huawei đã công bố tại Mỹ hôm thứ Ba 29/1. Nay, Bộ Tư pháp Canada có một tháng để xem xét các luận điểm của Mỹ và quyết định có xúc tiến các phiên xét xử về dẫn độ tại Tòa án Cấp cao British Columbia hay không.

Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Trudeau và các bộ trưởng của ông đã tuyên bố sẽ không có sự can thiệp chính trị nào vào một vụ đang chờ xét xử thông qua hệ thống tư pháp, mặc dù bộ trưởng Lametti cuối cùng phải đóng dấu chuẩn y lệnh dẫn độ nếu tòa án phê chuẩn. Thủ tướng Trudeau đã sa thải đại sứ Canada tại Trung Quốc, John McCallum, hồi cuối tuần trước vì phát biểu lỡ lời có lợi cho Trung Quốc trong vụ bà Mạnh.

Nhưng Trung Quốc đã không che giấu nỗi tức giận của mình. Bằng những hành động mà Canada và các nước đồng minh coi là trả đũa, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada hồi tháng 12/2018 và vào tháng 1/2019 đã kết án tử hình đối với một người Canada bị kết tội buôn lậu ma túy.

Những người trả lời khảo sát được yêu cầu đánh giá năng lực của thủ tướng Trudeau, dựa trên những gì họ đã nhìn thấy, nghe hoặc đọc về mối quan hệ Canada-Trung Quốc gần đây. Nhóm lớn nhất, 30%, cho biết họ nghĩ rằng thủ tướng Trudeau đang làm “rất yếu kém”; 22% cho là “yếu kém”; 28% cho là “tốt”, chỉ có 5% cho là “rất tốt”.

Nhìn chung, 44% số người được hỏi nghĩ rằng chính phủ Trudeau đã “không đủ cứng rắn” và cần phải có hành động mạnh mẽ hơn, so với 29% nghĩ rằng cứng rắn vừa đủ và 20% cho rằng Canada nên nhu hơn. (Vụ sa thải đại sứ McCallum gây xôn xao diễn ra vào giữa lúc thực hiện cuộc thăm dò của Angus Reid, từ ngày 23 tới 28/1).

Cuộc thăm dò dư luận này cố gắng tìm hiểu cách người Canada dung hòa tiềm năng kinh tế của Trung Quốc với thành tích nhân quyền yếu kém của nước này; đây là vấn đề cân đối mục tiêu mà xưa nay chính phủ Canada gặp khó khăn. Hai khái niệm không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Nhiều người cho rằng thương mại có thể được sử dụng như một đòn bẩy để cải thiện nhân quyền; đây là điều mà các quan chức chính phủ Đảng Tự do đã nói khi họ cân nhắc khởi xướng đàm phán thương mại tự do hồi đầu nhiệm kỳ của thủ tướng Trudeau.

Nhưng khi được hỏi về ưu tiên cho mục tiêu nào quan trọng hơn với Canada – “các cơ hội thương mại và đầu tư” hoặc “nhân quyền và pháp trị” – gần hai phần ba số người được hỏi, 62%, cho biết họ ưu tiên nhân quyền. Những người nói rằng họ sẽ ưu tiên thương mại lại có nhiều khả năng cho rằng thủ tướng Trudeau xử lý tình huống hiện tại một cách yếu kém.

Kết quả dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến với mẫu khảo sát 1700 người Canada là thành viên của Diễn đàn Angus Reid. Các cuộc thăm dò dư luận truyền thống với một mẫu cỡ này có biên độ sai số cộng hoặc trừ 2.4 điểm phần trăm.

Nguồn: National Post, 1/2/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.