Bên trong thế giới tư vấn tuyển sinh đại học đắt tiền, hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ

1

Bên trong thế giới tư vấn tuyển sinh đại học đắt tiền, hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ. Dịch vụ tư vấn dự tuyển vào đại học danh tiếng trọn gói trong 5 năm có thể tốn tới 1,5 triệu đô ở ở New York.

Dana Goldstein và Jack Healy

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Với giá tới 1,5 triệu đô-la, cha mẹ có thể mua dịch vụ trọn gói trong năm năm để tư vấn tuyển sinh đại học cho con mình từ một công ty ở Thành phố New York tên là Ivy Coach (hiểu nôm na là ‘Thầy luyện vào trường xịn’).

Dịch vụ này — toàn bộ đều hợp pháp — bắt đầu ngay từ lớp 8, khi học sinh được hướng dẫn chọn môn học và hoạt động ngoại khóa cho đúng để giúp các em nổi bật so với những học sinh khác. Sau đó là luyện ngày luyện đêm để thi SAT hoặc ACT; cả hai đều là “kỳ thi có thể luyện được”, theo Brian Taylor, giám đốc điều hành của Ivy Coach. Rồi tiếp đến là hiệu đính kỹ lưỡng các bài luận dự tuyển vào đại học.

“Vậy là không công bằng? Chuyện chỉ có người giàu mới trả tiền nổi?” ông Taylor hỏi. “Đúng vậy. Nhưng đời là vậy.”

Hệ lụy từ vụ gian lận tuyển sinh đại học được cơ quan công tố liên bang Mỹ công bố tuần rồi chỉ mới bắt đầu đối với các bị cáo hôm 13/3/2019. Các bậc cha mẹ bị buộc tội trong vụ này bắt đầu đầu thú với cơ quan chức trách. Và hậu quả cũng sắp ập tới với các sinh viên liên quan, khi Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Đại học Nam California (USC), hai trường có huấn luyện viên thể thao bị nêu tên trong cáo trạng, đã hứa trừng phạt bất cứ ai có dính líu trong vụ gian lận này.

Theo hồ sơ tòa án, ông Mr. Singer cũng hứa với các bậc cha mẹ rằng con của họ sẽ đạt điểm ACT trong khoảng 30 điểm, hoặc 1400 điểm hoặc cao hơn cho SAT.

Ông Taylor của công ty Ivy Coach nói rằng các tư vấn viên tuân thủ pháp luật không bao giờ có thể hứa chắc chắn kết quả được tuyển vào một trường cụ thể, bất kể họ tính bao nhiêu tiền hoặc cha mẹ sẵn sàng tặng bao nhiêu cho trường. “Nếu họ có ý nói với bạn rằng họ có quan hệ với các viên chức tuyển sinh, đó là tín hiệu đáng báo động,” ông nói.

Các học sinh dùng dịch vụ của Ivy Coach ký và nộp hồ sơ của chính họ, theo ông Taylor. Ông nói rằng việc ông Singer nộp hồ sơ thay cho các thân chủ của mình “tự thân nó là một dấu hiệu bất lương”.

Trong một số trường hợp, theo cơ quan công tố liên bang, ông Singer và các bậc cha mẹ thông đồng giảm vai trò của các chuyên viên hướng dẫn chọn đại học/nghề nghiệp tại trường trung học trong quá trình làm hồ sơ, vì các chuyên viên hướng dẫn đó hiểu rõ thành tích học tập và thể thao thực sự của học sinh.

Ông Singer thậm chí giả mạo chủng tộc của một số học sinh, theo cơ quan chức trách. Một số gia đình và học sinh có cảm nhận rằng nguồn gốc chủng tộc của mình có thể gây hại hoặc có lợi cho cơ hội mình được tuyển vào những trường có cân nhắc chủng tộc trong các quyết định tuyển sinh.

Những cáo buộc về hành vi khác thường, tuy không phạm pháp, không phải là chuyện lạ trong thế giới tư vấn tuyển sinh đắt tiền. Mức phí quá cao của Ivy Coach đã khiến công ty bị tống khỏi một hiệp hội ngành.

Ông Taylor gọi quyết định của hiệp hội là “không có tính đặc thù Mỹ”. “Ai có thể nói bao nhiêu là quá nhiều ở Mỹ?” ông nói. “Nếu có người muốn trả phí mà anh đòi, họ có quyền đó.”

Một số học sinh nói rằng họ có cảm giác buồn vui lẫn lộn về các trải nghiệm với tư vấn viên.

Alex Cui, 20 tuổi, nói cha mẹ anh, di dân Trung Quốc ở Toronto, trả 15.000 đô-la cho một hãng tư vấn đại học đăng quảng cáo trên báo và tạp chí tiếng Hoa, rao dịch vụ giúp vào một đại học Ivy League với các bậc cha mẹ rất mong con cái mình được vào các trường tốt. Anh Cui nói rằng với khoản đầu tư đó của cha mẹ, anh được dự một hội thảo tuyển sinh đại học 3 ngày tại một phòng hội nghị ở khách sạn, cộng với các buổi gặp thường xuyên với một tư vấn viên tuyển sinh tư nhân; người đó đề xuất những hoạt động ngoại khóa nào nên theo và nên bỏ để xây dựng một câu chuyện cá nhân cho các hồ sơ của anh.

Nhưng anh Cui kể rằng tư vấn viên đó chỉ trích không thương tiếc về những chủ đề như bài luận dự tuyển đại học của anh — viết về các trải nghiệm của anh tại kỳ thi Olympic Hóa Quốc tế — và khiến anh bị căng thẳng tới nỗi anh ngừng gặp tư vấn viên đó nửa chừng trong năm lớp 12. Anh được nhận vào Viện Công nghệ California, và nay là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành khoa học máy tính. Anh nói rằng dịch vụ tư vấn đại học của anh có lẽ đã không đáng số tiền 15.000 đô-la.

“Có quá nhiều phê bình chỉ trích mà chẳng hữu ích gì,” anh nói.

Giáo sư Redding ở Harvard nói bà lo ngại rằng sự chú ý tới vụ gian lận tuyển sinh tuần rồi sẽ dẫn tới cái nhìn tiêu cực cho cả ngành tư vấn tuyển sinh đại học, mà theo bà trong nhiều năm qua đã có những bước tiến về việc tự quản lý.

“Có nhiều người hành nghề tốt bị che khuất bởi một vụ như vậy,” bà nói.

Ngành tư vấn giáo dục có hàng chục ngàn người hành nghề, phục vụ cả học sinh lẫn các trường, theo tổ chức nghiên cứu IBISWorld; tổ chức này ước tính doanh thu trong năm 2018 của ngành này vào khoảng 1,9 tỷ đô-la.

Stefanie Niles, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về Tư vấn Tuyển sinh Đại học, nói rằng các cáo buộc đó là một “phản ứng thái quá về sự thương mại hóa quy trình tuyển sinh đại học”.

Sự lớn mạnh của dịch vụ tư vấn tư nhân một phần là do thiếu chuyên viên hướng dẫn chọn đại học/nghề nghiệp tại các trường công lập. Trong niên khóa 2015-2016, mỗi chuyên viên hướng dẫn tại trường công lập đảm trách trung bình 470 học sinh, theo hiệp hội này.

Giá cả cao thấp khác nhau trong ngành này. Ở Boca Raton, Florida, Naomi Steinberg có một “trung tâm siêu cao cấp” nơi quy trình chuẩn bị vào đại học kéo dài nhiều năm thường bắt đầu từ năm lớp 9 và có thể khiến các gia đình tốn từ 10.000 tới 15.000 đô-la.

“Bạn đang cố hiểu một hệ thống mà không thể hiểu được,” bà nói.

Tư vấn viên Mercer ở Santa Monica, có mức giá thuộc loại phổ biến nhất trong ngành này: Ông tính tiền từ 300 tới 7.000 đô-la, tùy vào nhu cầu của một học sinh và việc ông được thuê sớm tới đâu trong quy trình này. Trước đây ông làm việc trong văn phòng tuyển sinh ở Đại học Nam California, và nói rằng ông sửng sốt khi nghe tin trường này bị nêu tên trong cáo trạng của liên bang.

Tuy hành vi khác thường được cơ quan công tố liên bang nêu chi tiết tuần rồi có thể gây lo ngại cho các gia đình định làm đúng luật, ông Mercer nói rằng thông điệp của ông dành cho thân chủ vẫn như cũ: tên tuổi của một đại học ít quan trọng hơn nhiều so với việc tìm được trường thật phù hợp với một học sinh.

Song, ông thừa nhận, “Tốn bộn tiền cỡ đó và những người như vậy dính líu và đủ kiểu mánh khóe? Đó không chỉ là một sự cố hiếm hoi. Điều đó khiến những người chúng tôi trong ngành thấy xấu hổ.”

Nguồn: The New York Times, 13/3/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

1 thought on “Bên trong thế giới tư vấn tuyển sinh đại học đắt tiền, hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.