Malaysia không muốn thành “bãi rác của các nước giàu”

0

Malaysia sẽ gởi trả khoảng 3000 tấn rác nhựa không thể tái chế về các nước như Mỹ, Anh, Canada và Úc, nhằm tránh trở thành bãi rác của các nước giàu.

Malaysia sẽ gởi trả khoảng 3000 tấn rác nhựa không thể tái chế về các nước như Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Úc, nhằm tránh trở thành bãi rác của các nước giàu.

Viên chức Bộ môi trường kiểm tra một container chứa đầy rác nhựa không thể tái chế bị chính quyền giữ tại cảng tây ở Klang, Malaysia, hôm 28/3/2019. (Ảnh: Vincent Thian / AP)

Hôm thứ Ba 28/5/2019, bộ trưởng môi trường Yeo Bee Yin nói rằng Malaysia và nhiều nước đang phát triển đã trở thành các mục tiêu mới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác nhựa hồi năm ngoái.

Tuần trước, Philippines nói sẽ gởi trả hàng chục container rác mà giới chức trách Philippines nói là đã được xuất lậu sang Philippines từ Canada trong hai năm 2013 và 2014.

Bộ trưởng Yeo nói 60 container chứa đầy rác nhiễm bẩn được nhập lập để đưa tới các cơ sở xử lý phi pháp ở Malaysia và sẽ được gởi trả về các nước xuất xứ.

Trong khi cho báo giới thấy số rác tại một cảng bên ngoài Kuala Lumpur, bà cho biết mười trong số các container này sẽ được gởi trả trong vòng hai tuần.

Trong số rác được phô bày có dây cáp từ Vương quốc Anh, hộp sữa nhiễm bẩn từ Úc và đĩa CD từ Bangladesh, cũng như rác điện tử và rác gia dụng từ Mỹ, Canada, Nhật, Saudi Arabia và Trung Quốc. Bộ trưởng Yeo nói số rác từ Trung Quốc dường như là rác từ Pháp và các nước khác đã được tái xuất sau khi Trung Quốc có lệnh cấm.

Có thể thấy nhiều nhãn hàng nổi tiếng của Canada sau khi container chứa đầy rác nhựa được mở tại Malaysia. (Eric Szeto/CBC)

Chỉ trong một trường hợp, bà Yeo nói rằng một công ty tái chế ở Vương quốc Anh đã xuất khẩu hơn 50 ngàn tấn rác nhựa trong khoảng 1000 container sang Malaysia trong hai năm qua.

“Đây có lẽ chỉ là phần chóp của núi băng do Trung Quốc cấm rác nhựa,” Yeo nói tại một cuộc họp báo. “Malaysia sẽ không là bãi rác của thế giới … chúng tôi sẽ chống trả. Dù chúng tôi là một nước nhỏ, chúng tôi không thể bị các nước đã phát triển ăn hiếp.”

Chính phủ Malaysia đã xử lý hàng chục cơ sở tái chế nhựa phi pháp mọc lên như nấm ở khắp đất nước, đóng cửa hơn 150 nhà máy từ tháng 7 năm ngoái. Hồi đầu tháng 5, chính phủ cũng đã gởi trả 5 container rác về Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Yeo nói rằng lệnh cấm rác nhựa của Trung Quốc đã “mở mắt cho thế giới thấy rằng chúng tôi có vấn nạn lớn về rác và tái chế”.

Ở Cảng Klang, bộ trưởng Yeo nói người dân ở các nước giàu kỹ lưỡng tách riêng rác để tái chế, nhưng số rác đó rốt cuộc được đổ sang các nước đang phát triển, rồi tại đó chúng được tái chế bất hợp pháp, gây ra các nguy hại về môi trường và sức khỏe.

“Chúng tôi kêu gọi các nước đã phát triển xem lại việc xử lý rác nhựa của họ và chấm dứt đưa rác sang các nước đang phát triển,” bà nói, và gọi những hành động đó là “không công bằng và không văn minh”.

Bộ trưởng Yeo hứa có biện pháp đối với các công ty Malaysia nhập trái phép nhựa đã sử dụng, gọi họ là “những kẻ phản bội sự bền vững của đất nước”.

Nguồn: The Associated Press, CTV, CBC, 28/5/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.