Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm 13/6/2019 nói rằng mâu thuẫn ngoại giao ngày càng gia tăng giữa Ottawa và Bắc Kinh “hoàn toàn là do Canada”.

Lần đầu tiên bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng giới lãnh đạo nước này sẽ không nói chuyện với Thủ tướng Justin Trudeau cho tới khi Canada hủy bỏ xét xử dẫn độ đối với giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của Huawei.

Hôm 12/6 đài CBC News tường thuật rằng Bắc Kinh phớt lờ khi thủ tướng Trudeau hồi đầu năm nay đích thân cố gắng dàn xếp một cuộc nói chuyện với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để can thiệp cho hai người Canada bị bắt giam ở Trung Quốc. Văn phòng thủ tướng Trudeau xác nhận rằng thủ tướng đã yêu cầu cuộc gặp đó, nhưng Trung Quốc phớt lờ và cuối cùng từ chối yêu cầu của ông.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói với đài CBC Radio hồi tháng 5 rằng bà cũng cố gắng dàn xếp cuộc gặp với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhưng bất thành.

“Tôi có thể nói với quý vị rằng tình thế bế tắc hiện nay về quan hệ Trung Quốc-Canada hoàn toàn là do chính phía Canada gây ra và trách nhiệm cũng hoàn toàn thuộc về Canada,” phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, khi được hỏi liệu hai lần từ chối đó có báo hiện sự đóng băng ngoại giao giữa hai nước hay không.

“Chúng tôi hy vọng rằng Canada sẽ cân nhắc nghiêm túc các quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi và thả ngay bà Mạnh Vãn Chu, và tích cực có những biện pháp đáng kể để đưa quan hệ Trung Quốc-Canada trở lại bình thường càng nhanh càng tốt.”

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai xác nhận mối liên hệ giữa việc lạnh nhạt ngoại giao đối với Canada và yêu sách của mình đòi Canada phải thả bà Mạnh.

Cảnh sát liên bang RCMP bắt bà Mạnh vào ngày 1/12/2018 khi bà đang quá cảnh ở Vancouver, theo yêu cầu của Mỹ muốn dẫn độ bà để truy tố các tội lừa đảo và vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran. Bà đã được bảo lãnh tại ngoại và đang sống tại một ngôi nhà trị giá hàng triệu đô-la ở Vancouver trong thời gian đợi xét xử dẫn độ.

Cùng tháng 12/2018, hai người Canada — doanh nhân Michael Spavor và cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig — bị bắt giam ở Trung Quốc, một động thái được nhiều người cho là hành động trả đũa vụ bắt bà Mạnh.

Cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc David Mulroney tiên đoán rằng “sẽ không có giải pháp” cho tình hình lạnh nhạt ngoại giao hiện nay trừ phi bà Mạnh được thả.

“Trung Quốc đã rất thành công trong việc gây ra ấn tượng đó … ấn tượng rằng một cuộc gọi hoặc một cuộc gặp với một trong những nhà lãnh đạo của họ tự thân nó là một điều tốt lành rồi, đó là điều mà ta phải đền đáp về mặt ngoại giao, chỉ để được nói chuyện,” Mulroney nhận định trên chương trình Power & Politics của CBC News Network hôm 12/6.

“Tôi nghĩ họ đang tăng áp lực với thủ tướng và bày tỏ rất tinh vi rằng chừng nào ông chưa có gì để trao cho họ — tức là bà Mạnh Vãn Chu — ông ta sẽ không được nói chuyện với họ. Họ chỉ đang để áp lực dồn thêm.”

Chính phủ Đảng Tự do đã và đang chịu áp lực ngày càng nhiều, nhất là từ Đảng Bảo thủ đối lập, về việc phải liên lạc với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Ngoại trưởng Freeland không hề giấu diếm rằng bà đã nhiều lần cố gắng nhưng bất thành để gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Do căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục, hôm 6/6, thủ tướng Trudeau nói rằng ông đang cân nhắc “làm việc trực tiếp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật, vào cuối tháng 6.

Cựu thủ tướng Jean Chrétien đã đưa ra ý tưởng Ottawa hủy bỏ việc dẫn độ bà Mạnh để giải tỏa mối bất hòa với Trung Quốc, theo tường thuật của nhật báo Globe and Mail hôm 13/6.

Làm như vậy sẽ là một hành động vô tiền khoáng hậu của một bộ trưởng tư pháp Canada, theo một tài liệu bí mật viết cho thủ tướng ngay sau khi bà Mạnh bị bắt.

“Không có ví dụ nào về việc Bộ trưởng (tư pháp) bãi bỏ một vụ vì lý do chính trị hay ngoại giao,” Greta Bossenmaier, cố vấn an ninh quốc gia và tình báo của thủ tướng Trudeau, viết trong memo ngày 17/12/2018, được đài CBC News thu thập bằng yêu cầu theo luật quyền truy cập thông tin.

Phát biểu với báo giới tại đại sứ quán Canada ở Washington hôm 13/6, ngoại trưởng Freeland thận trọng bác bỏ ý tưởng hủy bỏ vụ dẫn độ bà Mạnh. Bà nói rằng Canada sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm nếu thay đổi hành vi của mình trong việc tôn trọng một hiệp định dẫn độ trước áp lực bên ngoài.

“Chúng ta có thể dễ dàng lâm vào tình thế mà trong đó, bằng cách hành động trong một vụ cụ thể, chúng ta có thể thật sự khiến tất cả mọi công dân Canada trên khắp thế giới ít an toàn hơn,” bà nói. “Và đây là một trách nhiệm tôi coi trọng.”

“Về trường hợp bà Mạnh, từ trước tới nay đã không có can thiệp chính trị. Hoàn toàn là việc giới chức trách ra quyết định theo các cam kết của Canada, và đó là cách đúng đắn để xúc tiến các yêu cầu dẫn độ.”

Tuần trước, cựu thủ tướng Chrétien nói ông sẵn sàng sang Trung Quốc để đàm phán việc chấm dứt bế tắc ngoại giao với Bắc Kinh nếu được thủ tướng Trudeau yêu cầu.

Nguồn: CBC, 13/6/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.