Các cuộc đụng độ giữa các nhóm Hoa kiều tại nhiều thành phố ở các nước, từ Canada tới Úc, là diễn biến mới nhất của tình hình Hong Kong. Ở Canada, những vụ đối đầu này diễn ra hôm thứ Bảy 17/8/2019 tại nhiều thành phố lớn.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra khi có dự luật dẫn độ công dân Hong Kong sang Trung Quốc xét xử. Trong hai tháng qua, phong trào đấu tranh này tăng thêm các yêu sách đòi dân chủ nhiều hơn, thả những người biểu tình bị bắt, điều tra những cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực, và đòi trưởng đặc khu hành chánh Carrie Lam (do chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm) từ chức.

Toronto

Hàng trăm người đã tham gia cuộc tuần hành bên ngoài Old City Hall ở Toronto hôm 17/8 để bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong. 

Tuy nhiên, nhóm thân Trung Cộng ở Bắc Kinh đã bất ngờ xuất hiện, vẫy cờ Trung Quốc và hò hét “một Trung Quốc” và “Hong Kong thuộc về Trung Quốc”.

Cuộc tuần hành dự kiến quanh thương xá Eaton Centre là một trong nhiều cuộc được chuẩn bị thực hiện trên khắp Canada, trong đó có Calgary, Vancouver và Winnipeg, để ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ ở Hong Kong.

Cảnh sát tách hai nhóm biểu tình đối kháng ở Toronto. (Ảnh: CTV)

Nhưng theo ban tổ chức, nhóm biểu tình chống chính quyền Trung Cộng bị nhóm biểu tình thân Bắc Kinh chặn đường không cho đi quanh thương xá. Ban tổ chức cũng nói rằng một số thiện nguyện viên và nhà tổ chức đã bị tấn công trong vụ đụng độ, nhưng cảnh sát Toronto nói không ai bị thương.

“Đây là Canada. Chúng ta có quyền hợp hiến được tự do ngôn luận. Không ai có thể lấy quyền đó từ tất cả chúng ta,” Gloria Fung, chủ tịch Canada-Hong Kong Link, nói.

Fung cho biết tổ chức của bà cùng với Liên minh Người Hong Kong Toronto tổ chức cuộc tuần hành này, và họ không ngờ những người biểu tình thân Trung Cộng cũng xuất hiện. Bà cáo buộc họ “uy hiếp” và “quấy nhiễu”.

Một người biểu tình thân Trung Cộng cho biết anh tham gia vì lo ngại về tình hình bạo lực ở Hong Kong. “Chúng tôi muốn một Trung Quốc. Bất cứ điều gì cũng có thể được thương lượng, nhưng chúng ta phải đàm phán trong hòa bình,” anh nói.

Vancouver

Ở Vancouver, cảnh sát đã đứng ngăn giữa hai nhóm biểu tình đối kháng nhau tại khu trung tâm thành phố.

Nhóm ủng hộ Hong Kong tập trung bên ngoài trạm tàu điện Broadway-City Hall, mặc đồ đen, và một số người mang mặt nạ để bày tỏ đoàn kết với những người biểu tình ở Hong Kong bị chính quyền xịt hơi cay.

Ngay ở phía đối diện, nhóm thân Trung Cộng mặc đồ màu đỏ và mang những lá quốc kỳ Trung Quốc cỡ lớn.

Giữa hai nhóm, một hàng cảnh sát cố gắng giữ lối đi thông thoáng cho những người muốn vào ra trạm tàu điện.

“Tôi ở đây để ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong và những điều họ đang đấu tranh để bảo đảm các quyền tự do của họ vẫn còn,” Matthew Ho nói với đài CTV Vancouver.

Steven Li, người tham gia trong nhóm thân Bắc Kinh, cáo buộc nhóm kia ngu dốt. “Nhiều người ở Hong Kong, họ chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra, họ bạo loạn chẳng vì lý do gì cả,” Li nói.

Hai nhóm biểu tình thi nhau hò hét, đối đáp lẫn nhau. Cảnh sát không tường thuật bất cứ sự cố nào.

Calgary

Cảnh sát phải can thiệp để giữ trật tự ở Calgary hôm thứ Bảy 17/8 khi các nhóm biểu tình ủng hộ Hong Kong và thân Bắc Kinh đối mặt nhau.

Hàng chục người đã tập trung ở Crescent Heights để ủng hộ những người biểu tình Hong Kong đang đương đầu tình trạng cảnh sát dùng vũ lực trong những cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc tại đó.

Những tiếng hô “Hong Kong tự do” bị lấn át khi những người biểu tình ủng hộ chính quyền Trung Cộng tiến gần và hô “Hong Kong là một phần của Trung Quốc”.

Khi giáp mặt nhau, hai bên la hét và xô đẩy, khiến cảnh sát phải xen vào để tách hai nhóm ra.

Ken Tang, một người biểu tình ủng hộ Hong Kong, nói anh không ngạc nhiên khi thấy nhóm thân Bắc Kinh xuất hiện, và cho biết nhóm của anh đã gọi cảnh sát từ trước để bảo đảm mọi người được an toàn.

“Họ không hiểu khái niệm dân chủ, tự do và quyền,” Tang nói. “Nhiều thông tin họ nhận được chỉ là tuyên truyền của các cơ quan Bắc Kinh.”

“Câu chuyện có hai mặt,” người biểu tình Sarah Zhang thân Bắc Kinh nói. Cô cũng cho rằng Hong Kong được lợi dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc. “Tôi chỉ muốn mọi thứ được thanh bình.”

Tang nói anh hy vọng người dân Canada sẽ kêu gọi thủ tướng có hành động về tình hình nhân quyền ở Hong Kong, trong đó có quyền cho những người Canada bị giam ở đó.

“Họ đang bị tra tấn, họ đang bị thẩm vấn nhiều lần, và họ thậm chí không được hưởng quyền có luật sư,” anh nói.

“Dân chủ là điều rất đặc biệt. Nó cần được ủng hộ … nó phải được cứu.”

Phản ứng của Canada

Hơn 300,000 người Canada sinh sống ở Hong Kong và chính phủ liên bang cho biết đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để giúp đỡ họ.

Hôm 17/8, ngoại trưởng Chrystia Freeland của Canada ra tuyên bố lên án bạo lực ở Hong Kong. Bà nói rằng Canada ủng hộ mức độ tự chủ của Hong Kong, và các quyền tự do căn bản, trong đó có quyền hội họp một cách hòa bình, phải được tôn trọng. Bà kêu gọi kiềm chế, không dùng tới vũ lực và có những biện pháp cấp bách để tình hình bớt căng thẳng.

Tuyên bố chung của ngoại trưởng Freeland và ngoại trưởng Federica Mogherini của Liên hiệp Châu Âu kêu gọi có cuộc đối thoại trên diện rộng và gồm tất cả các bên có quyền lợi liên quan chính. 

“Mức độ tự chủ cao của Hong Kong theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’, được trân trọng trong Luật Cơ bản và các hiệp định quốc tế và phải tiếp tục được tôn trọng,” tuyên bố viết.

Nguồn: CTV, CBC, 17/8/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.