Interpol hủy trát bắt quan tòa Trung Quốc bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Canada, vì cho rằng có động cơ chính trị

0

Interpol hủy trát bắt quan tòa Trung Quốc bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Canada, vì cho rằng có động cơ chính trị

Interpol đã có quyết định hiếm hoi là hủy bỏ trát bắt một quan tòa Trung Quốc bất đồng chính kiến hiện đang sinh sống ở Toronto, với lý do trát bắt đó có thể đã được ban hành với động cơ chính trị và có thể ảnh hưởng tới lập trường trung lập của cơ quan cảnh sát quốc tế này.

Trung Quốc đã yêu cầu trát “thông cáo đỏ” này vào năm 2014 sau khi truy tố Tạ Vệ Đông (Xie Weidong), 62 tuổi, tội nhận hối lộ để thiên vị cho một bên trong một vụ tranh chấp dân sự do ông xét xử.

Nhưng “Ủy ban kiểm soát hồ sơ Interpol” đã phán quyết rằng có bằng chứng ủng hộ quan điểm của Xi cho rằng toàn bộ vụ truy tố đó đã được dàn dựng vì lý do chính trị liên quan tới việc ông kịch liệt phê phán hệ thống pháp lý của Trung Quốc.

Hiến chương của Interpol cấm mạng lưới thực thi pháp luật quốc tế này có bất cứ can thiệp “có tính chất chính trị” nào, và quy định cơ quan này phải tuân theo tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. 

Tạ Vệ Đông tố cáo rằng Bắc Kinh đã dùng nhiều thủ đoạn gây sức ép đối với ông, như bỏ tù con trai và em gái ông với những lời buộc tội vu cáo và tra tấn nhân chứng chính trong vụ truy tố ông khiến người đó thú tội.




Tạ Vệ Đông, cựu thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc, ở Toronto, Canada ngày 23/9/2015. (Ảnh: Zhou Xing/Epoch Times)

Hôm thứ Sáu 23/8/2019, Jonathan Fon, cố vấn di trú của Tạ Vệ Đông, cho biết ông hiện nay hành nghề lái xe Uber ở vùng Scarborough của Toronto.

Hồ sơ xin trở thành thường trú nhân (PR) ở đây, với lý do kết hôn với một phụ nữ Canada, ban đầu bị bác bỏ vì thông cáo đỏ của Interpol, nhưng nay đang được xét duyệt lại, theo Fon.

Những quyết định như quyết định do ủy ban này đưa ra hồi đầu tháng 8 ở Lyon, Pháp, vẫn chưa phải thường xuyên, nhưng đang ngày càng phổ biến hơn khi các tổ chức nhân quyền và các tổ chức khác đấu tranh chống những thông cáo đỏ bất công, theo Stuart Friedman, luật sư ở Southfield, Michigan, của Tạ Vệ Đông.

Trung Quốc có vụ mâu thuẫn khác thường với Interpol hồi đầu năm nay, khi Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), tổng giám đốc người Trung Quốc đầu tiên của Interpol, mất tích trong khi về thăm quê hương. Sau đó ông xuất hiện trong nhà tù, và được cho là đã “thú nhận” các tội tham nhũng, nhưng vợ ông nói ông bị bắt vì các quan điểm chính trị có tính cải cách của ông.

Tạ Vệ Đông từng là thẩm phán tại Tòa án Nhân dân Tối cao, cơ quan tư pháp cao cấp nhất của Trung Quốc, nhưng từ chức vào năm 2000. Ông tới Canada vào năm 2014.

Ông tố cáo rằng ông bị Bắc Kinh nhắm tới khi ông không chịu tuân theo những can thiệp của nhà nước vào những vụ do ông xét xử. Sau khi rời khỏi Trung Quốc, ông phê phán những vấn đề trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc, theo phán quyết của Interpol.



Năm 2014, Sở Công an Thành phố Hoàng Cương truy tố ông tội nhận hối lộ 1.4 nhân dân tệ  — khoảng $262,000 ở tỷ giá hiện nay — để xử thắng cho một công ty trong một vụ dân sự năm 1999.

Ông “kịch liệt phủ nhận” các cáo buộc đó, và cho rằng ông bị buộc tội vì bất đồng chính kiến, mà luật sư Friedman cho biết có bao gồm các thuyết trình học thuật của ông.

Tạ Vệ Đông nói nhân chứng chính — một phụ nữ tên You Ziqi từng là cán bộ tại một trong những công ty trong vụ dân sự đó — đã bị tra tấn khiến phải tố cáo ông nhận hối lộ và về sau đã rút lại lời khai đó.

Giới chức Trung Quốc cho biết You, hiện ở tù, đã được các viên chức lãnh sự Canada tới thăm, theo phán quyết của Interpol.

Ủy ban của Interpol nói trong phán quyết của mình rằng không có đủ bằng chứng chứng minh cho lời tố cáo là bà đã bị tra tấn. Nhưng ủy ban lưu ý rằng một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm ngoái đã trình bày chi tiết các thủ đoạn mà Trung Quốc dùng đối với những người đào tẩu bị truy nã bằng các thông cáo đỏ của Interpol, góp phần cho “lượng bằng chứng chứng thực”.

Báo cáo đó nhắc cụ thể tới các biện pháp áp dụng với con trai và em gái của Tạ Vệ Đông, cả hai hiện còn bị giam.

Nguồn: National Post, 23/8/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.