Vấn nạn bóc lột lao động ngoại quốc cần việc làm và kinh nghiệm để đủ điểm xin định cư Canada

0

Nhiều sinh viên ra trường phải trả mấy chục ngàn đô để có được vị trí supervisor/manager của tiệm fast food, nhưng chỉ được làm việc cấp thấp và lương bèo, thậm chí trả lại một phần cho chủ để đóng thuế.

Kathy Tomlinson

Khương An lược dịch

Có người gọi đó là bí mật nho nhỏ xấu xa của ngành dịch vụ di trú: Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ở Canada, trong đó có các tiệm thức ăn nhanh nhượng quyền thương hiệu nổi tiếng, nhận những số tiền lớn để các sinh viên quốc tế và những người ngoại quốc có việc làm – ít nhất là trên giấy tờ – những việc làm mà họ cần có để trở thành thường trú nhân (PR) định cư ở Canada, theo giới luật sư, chuyên viên tư vấn di trú và các chủ thuê lao động.

Nhiều nguồn tin đã tiết lộ về những khoản tiền trả cho các chủ thuê lao động – lên tới $20,000 – sau khi một phóng sự điều tra của nhật báo The Globe and Mail đăng hồi tháng 4/2019 nêu tên 45 người tuyển dụng và chuyên viên tư vấn di trú bị cáo buộc bóc lột hơn 2000 người, chủ yếu bằng cách bắt họ trả hàng ngàn đô-la để có việc làm ở Canada.

Các nguồn tin này nói rằng những khoản tiền trả cho các chủ thuê lao động là các giao dịch tiền mặt, phi pháp và gần như không thể truy nguồn gốc. Các khoản trả này trích từ các khoản phí cắt cổ mà các chuyên viên tư vấn di trú thu từ người ngoại quốc để dàn xếp làm giấy mời làm việc (job offer) cho họ.




Nhật báo The Globe and Mail đã phóng vấn ba chục người, trong đó có một số sinh viên quốc tế; phần lớn trực tiếp biết về các giao dịch béo bở này. Họ nêu 31 tình huống trong đó họ nói là các chủ thuê lao động đã thu lệ phí đáng kể bằng tiền mặt.

Một cựu sinh viên quốc tế kể một chuyên viên tư vấn di trú nói anh có thể có việc làm tại tiệm Subway này ở Chilliwack, B.C., nếu anh trả $8000 bằng tiền mặt. (Ảnh: Darryl Dyck/The Globe and Mail)

Nhiều sinh viên nói với The Globe and Mail rằng các chủ thuê lao động buộc họ làm việc nhiều giờ hơn giấy tờ bảng lương thể hiện, với mức lương hàng giờ thấp hơn và không được hưởng tiền làm ngoài giờ. Một số người nói họ phải trả lại một phần lương, bằng tiền mặt, và trả các khoản thuế bảng lương mà chủ thuê lao động đã thay mặt họ đóng cho nhà nước

Một ví dụ gần đây do chuyên viên tư vấn di trú Roxanne Jessome cung cấp. Bà kể rằng một chủ nhà hàng gọi điện cho bà hỏi liệu việc nhận tiền để cấp giấy mời làm việc là có hợp pháp hay không. Bà Jessome nói ông ta đã nói chuyện với một người nhượng quyền thương mại Subway với nhiều tiệm ở B.C., và người đó nói đó là một cách hay để có thêm tiền và giữ được nhân viên.

“Anh chàng nói với ông ta, ‘Anh nên làm chuyện này với các nhân viên [ngoại quốc] của anh,’” bà Jessome, người dạy môn đạo đức tạo Đại học British Columbia, kể. Bà cho biết chủ nhân của nhiều tiệm Subway đó nói ông vừa thuê 20 người Ấn Độ trong một thỏa thuận với một chuyên viên tư vấn di trú hay một luật sư.

Bà nói chủ nhà hàng đó được bảo là mỗi người lao động ngoại quốc phải trả $12,000 cho cách dàn xếp này, mà sẽ giúp họ đủ kinh nghiệm làm việc để trở thành thường trú nhân (PR). “[Chủ nhà hàng Subway] được hưởng một phần từ đó … ông ta nói có vẻ như ăn chia 50-50.”

Như bà Jessome nói với người hỏi ý kiến bà, việc nhận tiền để cấp giấy mời làm việc là phi pháp.

Subway Canada từ chối yêu cầu của The Globe and Mail xin phỏng vấn một người của công ty, nhưng trong một tuyên bố, công ty này cho biết “rất băn khoăn về những cáo buộc đó” và kỳ vọng những người được nhượng quyền thương mại phải “đối xử với nhân viên một cách công bằng, và hoàn toàn tuân thủ mọi quy định của luật lao động”.



Công ty này cũng nói rằng những người được nhượng quyền thương mại tự lo việc tuyển người và Subway “không can dự vào các quyết định đó”.

Trong những trường hợp mà The Globe and Mail tìm hiểu kể từ cuộc điều tra ban đầu của mình, những người ngoại quốc cho biết họ đã trả cho các chuyên viên tư vấn tới $40,000 cho một việc làm ở nhà hàng, trạm xăng, cửa hàng bán lẻ hoặc tiệm tạp hóa.

The Globe and Mail không nêu tên hầu hết những chủ tiệm nhượng quyền kinh doanh này hoặc các chủ thuê lao động cá nhân khác được cho là có can dự. Sở dĩ như vậy một phần là do các nguồn tin không thể cung cấp bằng chứng trả tiền mặt, vì các khoản đó không có giấy tờ. Ngoài ra, càng gần với những kiểu dàn xếp này, người ta càng sợ hậu quả nếu nêu tên những người can dự.

Shivdev Parmar, một chuyên viên tư vấn di trú ở B.C., cho biết ba chủ thuê lao động đã tiếp xúc với ông trong những tháng gần đây, ngỏ ý nhận các thân chủ của ông vào làm việc, với giá $20,000 cho mỗi việc làm.

“Họ sẽ lấy tiền mặt từ tôi,” Parmar nói các chủ thuê lao động nói với ông. “Người ngoại quốc đó sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng [tiền trả] xuất phát từ tiền của họ.”

Ông cho biết ông từ chối những lời chào mời đó vì chấp nhận là “trái đạo đức” và ông không muốn là “công cụ bóc lột của người khác”. Ông nói các vụ này cho thấy kiểu làm này rất phổ biến.

Những dàn xếp mà báo The Globe and Mail được nghe kể chủ yếu ở B.C., nhưng các luật sư hành nghề ở Ontario nói các vụ tương tự, trong đó các chủ thuê lao động được trả tiền để nhận người ngoại quốc vào làm việc, cũng xảy ra ở vùng Đại Đô thị Toronto (GTA). Các nguồn tin cho biết mức phí tăng đáng kể vào những lúc và ở những nơi việc làm khan hiếm.



“Điều đó sẽ có tác động nghiêm trọng tới phần còn lại của xã hội,” Parmar nói. “Nói chung là nó làm méo mó thị trường lao động.”

Kiểu làm này được biết ăn sâu trong một số ngành. Ngay cả bộ trưởng lao động Harry Bains của B.C. cũng nói ông đã nghe những kịch bản như vậy “lan tràn”.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng thuộc thẩm quyền tài phán của mình để chấm dứt điều này,” bộ trưởng Bains nói. Ông hứa rằng các quy định mới của tỉnh bang sẽ cho phép thanh tra những chủ thuê lao động khả nghi, và “có thể bỏ tù”.

Chủ tiệm Burger King này ở Surrey, B.C., nói ông nhận được điện thoại hàng tuần từ các chuyên viên tư vấn di trú ngỏ ý trả tiền mặt cho ông nếu ông tuyển thân chủ của họ vào làm. (Ảnh: Darryl Dyck/The Globe and Mail)

Gurpreet Kaur, một trong nhiều sinh viên quốc tế được báo The Globe and Mail phỏng vấn, cho biết một chuyên viên tư vấn gần đây đã bảo cô rằng ông ta có thể xin được việc làm cho cô tại một trong những thân chủ có tiệm thức ăn nhanh của ông. Giá phải trả: $40,000 trả góp. Cô từ chối.

“Trước tiên, tôi sẽ phải trả số tiền đó và như vậy khó lắm – $40,000 – và có vẻ như bất kể tôi sẽ hưởng được gì từ công việc đó tôi sẽ phải trả cho chuyên viên tư vấn trong 2 năm, vậy là coi như tôi làm không công,” Kaur nói.

Các luật sư và chuyên viên tư vấn cho biết sau khi tiền trao, các chủ thuê lao động trong ngành dịch vụ thường thuê người ngoại quốc làm giám sát (supervisor) hoặc quản lý (manager) – vì kinh nghiệm làm việc trong những loại công việc này giúp họ đủ tiêu chuẩn được xin định cư. Trên thực tế, nhiều người cho biết họ bị bắt làm công việc lao động chân tay với mức lương còm cõi và phải giữ công việc đó, bất kể ra sao, để được duyệt hồ sơ xin định cư.

Amritpal Singh, một cựu sinh viên quốc tế ở Toronto, nói nhiều người bạn đã sa vào bẫy này sau khi tốn hàng chục ngàn đô-la, trước tiên là đóng học phí rồi để có việc làm.




“Họ bị kẹt ở đó vì, các chủ nhà hàng cũng hứa là nếu họ làm việc ở đó, chúng tôi có thể giúp anh trong chuyện xin định cư,” Singh nói.

Điều mấu chốt là những sinh viên quốc tế nào có thể chứng tỏ có kinh nghiệm làm việc với sự bảo lãnh của một hãng sở – cho dù họ đã không làm công việc đó – thì được cộng nhiều điểm cho hồ sơ xin định cư. Họ có thể làm vậy qua hệ thống Express Entry (Nhập cư Nhanh) của liên bang và các chương trình di trú tỉnh bang đề cử mà cần được hãng sở bảo lãnh.

Prashant Ajmera, một luật sư di trú có tiếng ở Ấn Độ và có văn phòng ở Montreal, ước tính rằng ba phần mười các thân chủ mà ông gặp ở Canada để nhờ giúp đỡ về các hồ sơ di trú của họ đã trả $30,000 tới $40,000 cho một việc làm, mà chủ thuê lao động hưởng một phần lớn.

“[Thân chủ] sẽ làm tất cả mọi thứ mà mình có thể làm chỉ để được định cư,” luật sư Ajmera nói, và bổ sung rằng phần lớn chẳng bao giờ phàn nàn, “cho dù họ cảm thấy họ đã bị lừa gạt”. 

Một số nhân viên được cho làm việc rất ít hoặc không được làm gì cả, theo luật sư Ajmera và một số người trong ngành. Họ rút tiền từ séc trả lương, rồi đưa lại tiền cho chủ thuê lao động và dùng kinh nghiệm làm việc giả đó để tính cho hồ sơ xin định cư. Họ thường sống bằng cách làm các công việc bấp bênh khác và được trả tiền mặt.

Các chủ thuê lao động “thường không kiên nhẫn lắm để làm việc với những nhân viên này vì tiếng Anh của họ không giỏi,” luật sư Ajmera nói. “Họ cần tiền [từ các chuyên viên tư vấn], chứ không cần những người đó. Vì vậy họ sẽ giữ các nhân viên trong một thời gian rồi nói, ‘Tôi không cần anh – nhưng tôi sẽ làm giấy tờ [nhà nước] cho anh.’”

Gurinderpal Singh, người sáng lập một tổ chức thanh niên ở Victoria, nói ông biết nhiều sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp rồi phải tùy ơn mưa móc của các chủ thuê lao động như vậy.



Singh kể rằng năm ngoái chủ tiệm thức nhanh nơi một thanh niên làm việc nói với anh rằng ông ta sẽ bảo lãnh để anh xin định cư chỉ với điều kiện anh làm việc khi có yêu cầu suốt 24/7. Hồ sơ trả lương, mà Singh nói là ông đã xem, cho thấy thanh niên đó làm việc 40 giờ/tuần với mức lương $25 với chức danh quản lý (manager).

Singh nói rằng thanh niên đó thực ra làm việc 70 giờ/tuần với cùng mức lương đó, và trả tiền mặt lại cho chủ thuê lao động để đóng thuế lao động.

Ông nói ông đã đề nghị thanh niên đó khiếu nại lên bộ lao động, nhưng “anh chàng nói rằng tôi sẽ không làm vậy vì tôi sợ có chuyện gì xảy ra với việc xin định cư của tôi,” Singh nói.

Theo Singh, kiểu làm này được nhiều người biết, kể cả bên trong nhà nước. “Ai cũng biết về chuyện đó. Tôi biết vì tôi làm việc với nhiều nhân vật chính trị như vậy và chúng tôi nêu vấn đề này với họ.”

Các tiệm nhượng quyền kinh doanh Subway được nhiều nguồn tin, trong đó có Singh, nhắc tới nhiều hơn bất kỳ doanh nghiệp nào về chuyện can dự nhiều vào chuyện làm ăn với các chuyên viên tư vấn di trú.

Một trường hợp như vậy liên quan tới một nhân viên Subway ở B.C., mà báo The Globe and Mail không nêu tên vì anh ta sợ mất việc và không được bảo lãnh hồ sơ xin định cư. 

Anh kể anh tới Canada lúc 17 tuổi để du học. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng dạy nghề tư thục, anh có việc làm ăn lương tối thiểu tại một tiệm Subway. Anh nói anh làm việc tới 60 giờ/tuần, nhưng chỉ nhận được $10/giờ, bằng tiền mặt, cho việc ngoài giờ và phải trả lại cho chủ tiệm để đóng thuế lao động.

Anh kể rằng chủ của anh từ chối bảo lãnh cho anh xin định cư theo chương trình tỉnh bang đề cử của B.C. trừ phi anh phải làm hồ sơ qua một chuyên viên tư vấn mà chủ tiệm có quan hệ làm ăn. Chuyên viên tư vấn đó lấy phí $11,000.



“Tôi nói với ông chủ, ‘Tôi không muốn trả nhiều như vậy,’ và ông ta bảo, ‘Ai cũng trả [nhiều hơn vậy] – $25,000 hoặc $30,000 – và chúng tôi làm ơn cho anh khi cấp giấy tờ cho anh,’” anh kể.

Nhân viên Subway này nói anh làm việc thứ nhì để có tiền trả cho chuyên viên tư vấn đó. Anh tin rằng chủ của anh hưởng một khoản lớn trong đó, vì anh kể rằng chủ nói rõ rằng ông ta có thỏa thuận với chuyên viên tư vấn mà có bao gồm khoản phí không thể thương lượng được. Anh phải làm việc tại tiệm Subway đó thêm 9 tháng nữa để đủ tiêu chuẩn được thẻ thường trú nhân.

“Như vậy họ được sử dụng lao động giá rẻ và được hưởng tiền từ chuyên viên tư vấn,” anh nói, và cho biết mỗi tuần anh chỉ có được $600 tới $700. “Tôi không thể nghỉ làm. Tôi bị kẹt … Tôi phải trả tiền thuê nhà và sau đó tiền chỉ để đóng thuế và trả cho các chuyên viên tư vấn.”

Anh nói chủ của anh có các tiệm nhượng quyền kinh doanh khác ở B.C., và hai người ngoại quốc khác đang làm việc tại tiệm của ông cũng đã phải trả tiền để có việc làm nên họ không thể bỏ việc.

Simar Grewal nói một chuyên viên tư vấn bảo anh rằng, nếu trả $8000 bằng tiền mặt, anh có thể có một việc làm tại một tiệm Subway ở Chilliwack, B.C. Anh nói công việc đó là chức vụ giám sát (supervisor), nhưng cũng như trong các trường hợp khác, anh thực ra làm việc ở cấp thấp hơn, với mức lương giờ thấp hơn.

“Chuyên viên tư vấn nói: ‘Anh sẽ làm việc tại tiệm Subway với mức lương cơ bản và chúng tôi sẽ ghi [trên giấy tờ] cho anh mức lương cao hơn trong khi anh làm nhiều giờ hơn,’” Grewal nói.

Anh nói anh dành vài giờ tại tiệm đó trước khi quyết định không đáng nhận. Khi được báo The Globe and Mail liên hệ, chủ tiệm Subway đó, Ravinder Bahia, từ chối bình luận.

Bốn trong các nhân viên của tiệm ông ta đã nộp đơn lên ban tiêu chuẩn lao động của B.C. trong những năm gần đây, để khiếu nại rằng họ đã bị trả lương không đủ. Chủ tiệm không bị hình phạt gì trong ba vụ, sau khi trả số lương còn nợ cho các nhân viên. Đơn khiếu nại còn lại vẫn còn chờ xét xử.

Một tiệm Subway ở Aldergrove, B.C., mà cũng thuê chủ yếu người ngoại quốc, bị phạt $5000 vì trả lương không đủ cho nhân viên sau khi bị tỉnh bang điều tra năm ngoái. Doanh nghiệp đó phải trả $7000 lương còn nợ cho 18 nhân viên tại hai tiệm. 

Các hãng sở muốn thuê hoặc bảo lãnh người lao động ngoại quốc thường bị nhà nước bắt buộc phải đăng quảng cáo tuyển dụng trước.

Trong một cuộc khảo sát các trang mạng việc làm của nhà nước hồi tháng 4, báo The Globe and Mail phát hiện chỉ riêng ở B.C. có 221 quảng cáo tìm người tại 67 tiệm Subway – trung bình 3.3 việc làm toàn thời gian mỗi tiệm. Gần một nửa là tuyển dụng giám sát dịch vụ thực phẩm (food-service supervisor) hoặc quản lý nhà hàng/tiệm ăn (restaurant manager) – những loại công việc giúp người ngoại quốc được cộng điểm cho hồ sơ xin định cư.

Có 98 vị trí tuyển dụng quản lý nhà hàng/tiệm ăn tại các tiệm Subway trên toàn quốc, nhiều hơn tất cả quảng cáo tuyển dụng vị trí quản lý của Tim Hortons, McDonalds, Burger King và A&W cộng chung.

Với 3161 tiệm ở Canada, Subway là hệ thống tiệm thức ăn nhanh lớn thứ nhì. Subway Canada nói công ty thường không theo dõi các quảng cáo tuyển dụng, nhưng nói với báo The Globe and Mail rằng công ty “sẽ xem xét chuyện đó”.

Subway không phải là hệ thống tiệm thức ăn nhanh duy nhất có các chủ nhượng quyền kinh doanh bắt tay với các chuyên viên tư vấn di trú chịu ăn chia phí dịch vụ của họ.

Chủ nhân của 11 tiệm Burger King ở B.C. người đã nói rằng ông dùng hai hãng tư vấn di trú kể với báo The Globe and Mail rằng ông nhận được điện thoại “hàng tuần” từ các chuyên viên tư vấn khác và những người đại diện ngỏ ý trả tiền cho ông để nhận vào làm các thân chủ đang tìm việc của họ.

“Chuyện này được làm ở khắp nơi. Có nhiều người đang làm vậy,” Goetz Munoz, chủ nhiều tiệm Burger King, nói. “[Người lao động ngoại quốc] đang bị đối xử như thú vật … rất, rất tệ … các anh chỉ mới cào bề mặt thôi.”

Munoz kể rằng một chuyên viên tư vấn di trú mà ông gặp bảo ông rằng bà sẽ bắt người lao động trả $25,000 cho mỗi việc làm và sẽ chia một phần lệ phí đó với ông.

“Bà ta nói rằng tôi có nhiều nhân viên mà tôi có thể mang tới cho ông và tôi sẵn sàng ăn chia thu nhập của tôi với ông,” ông kể.

Munoz nói ông không tuyển dụng nhân viên nào thông qua chuyên viên tư vấn đó. Ông cho biết ông đã thuê nhiều sinh viên quốc tế, cộng với nhiều người lao động thông qua Chương trình Lao động Ngoại quốc Tạm thời, nhưng với sự giúp đỡ của một hãng khác.

Báo The Globe and Mail đã hỏi bộ liên bang phụ trách chương trình đó rằng bộ có biết về bất cứ chủ thuê lao động nào nhận tiền từ các chuyên viên tư vấn để tuyển người vào làm và không trả lương đủ cho nhân viên hay không.

Bộ lao động và phát triển xã hội Canada (ESDC) nói rằng bộ đã chuyển những trường hợp “liên quan tới các vấn đề mà quý báo đã nêu” sang cho cảnh sát liên bang RCMP và Nha Biên phòng Canada (CBSA) điều tra.

Chuyên viên tư vấn di trú Matthew Iwama và nhiều người khác nói rằng chính phủ liên bang cần làm nhiều hơn về vấn đề này. Iwama nói rào cản lớn nhất để chấm dứt nạn bóc lột và lòng tham là thực tế là tất cả các bên muốn lao động di dân trẻ tuổi, kể cả nhà nước, coi như đều can dự trong các thỏa thuận dàn xếp đó.

“Đó là sự đồng lõa của nhân viên và chủ thuê lao động … do những người lao động này tuyệt vọng tới liều lĩnh và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu cuối cùng là tư cách thường trú nhân,” ông nói.

Nguồn: The Globe and Mail, 31/5/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.