Cú sốc văn hóa của di dân Pháp ở vùng nói tiếng Pháp của Canada

0

Ngày càng có nhiều người Pháp di cư tới Canada. Năm 2015, số di dân từ Pháp nhiều hơn từ bất cứ nước nào khác; năm 2016 chỉ có người tị nạn Syria đông hơn họ. Người mới nhập cư phải mất một thời gian để chấp nhận rằng họ thay đổi không chỉ đất nước mà còn cả văn hóa. Một khi họ đã hiểu rằng họ là di dân, mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Công dân Pháp xếp hàng đợi bỏ phiếu ở Montreal hôm thứ Bảy 6/5/2017. (Ảnh: Graham Hughes/The Canadian Press)

Đông đảo công dân Pháp đã tới những điểm bầu cử ở Quebec hôm thứ Bảy 6/5 để bỏ phiếu trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống tại quê nhà của họ. Tổng lãnh sự Pháp ở Montreal cho biết hơn 57.000 người đăng ký đi bầu tại Quebec, trong đó đại đa số ở Montreal. Ngoài ra còn nhiều địa điểm bỏ phiếu khác ở Canada, trong đó có Đại sứ quán Pháp ở Ottawa.

Tuy cuộc bầu cử ở Pháp diễn ra vào ngày Chủ nhật 7/5, những công dân đang ở nước ngoài và được quyền bỏ phiếu thì phải đi bầu vào ngày 6/5. (Kết quả: [Cập nhật lúc 5:00 chiều 7/5, giờ miền đông Canada] Emmanuel Macron, ứng cử viên trung dung với cương lĩnh ủng hộ giới kinh doanh và thân Châu Âu, đã trở thành tân tổng thống Pháp sau khi thắng áp đảo (65% so với 35%) Marine Le Pen, lãnh tụ phe cực hữu với chủ trương bảo hộ và đóng cửa biên giới.)

Tạp chí The Economist hôm 4/5/2017 có bài “Parles-tu québécois?” (Bạn có nói tiếng Quebec?) bàn về những cú sốc văn hóa của người Pháp mới định cư ở vùng nói tiếng Pháp của Canada.

Một buổi tối lạnh giá đầu xuân, khoảng 40 di dân người Pháp tập trung ở quán bar lộng lẫy L’Union Française, một hội quán ở khu downtown của Montreal, tham dự một buổi sinh hoạt giống như tư vấn tâm lý theo nhóm. Với nhiều di dân từ Pháp, những giấc mơ khởi đầu cuộc đời mới ở Canada không diễn ra như họ tưởng ban đầu. Hãng sở không nồng nhiệt với họ, dân địa phương vừa thân thiện vừa cao ngạo, mùa đông thì lạnh thấu xương. Cécile Lazartigues-Chartier, trưởng nhóm, tư vấn về hội nhập văn hóa, tạo dựng quan hệ và các môn thể thao mùa đông. Bà khuyên, “Nên nhớ, các bạn là di dân.”

Điều này không hiển nhiên như thoạt nghe. Pháp nhượng lại phần lớn các thuộc địa Bắc Mỹ của mình, trong đó có Quebec, cho Anh vào năm 1763. Nhưng người Pháp định cư ở tỉnh bang nói tiếng Pháp này xem nó là một tiền đồn sơ khai của đế chế Anh, hay đó là lời ta thán của một số người Quebec. Một số người phàn nàn, “Chúng tôi có văn hóa, có học thức, mà họ chẳng thấy điều đó.” Fred Fresh, một ca sĩ Pháp di cư tới khu Le Plateau sang trọng của Montreal vào năm 2011, đã liệt kê những nỗi bực dọc của láng giềng của mình trong bài hát Y’a trop de Français sur le Plateau (Có quá nhiều người Pháp ở Le Plateau): làm tăng giá thuê nhà, hút thuốc hôi hám và dụ dỗ phụ nữ. Ca từ “Khu phố tôi cứ như bị toàn những kẻ hợm hĩnh này chiếm” trong bài hát này phản ánh cảm nghĩ của anh về thái độ của những người Quebec bản xứ.

Tuy có những than van như vậy, ngày càng có nhiều người Pháp di cư tới Canada. Ở Pháp, việc làm khó kiếm còn chính trị rối ren. Trong khi đó, Quebec hứa hẹn có cơ hội và sự ổn định. Năm 2015, số di dân từ Pháp nhiều hơn từ bất cứ nước nào khác; năm 2016 chỉ có người tị nạn Syria đông hơn họ. Gần 70.000 công dân Pháp đăng ký ở lãnh sự quán ở Montreal, gấp đôi con số cách đây một thập niên.

Đáng ngạc nhiên là một số người gặp khó khăn về ngôn ngữ. Người Quebec giữ lại nhiều hình thái của tiếng Pháp cổ, và dùng nhiều cú pháp tiếng Anh hơn người nói tiếng Pháp ở Châu Âu. Ví dụ, khẩu ngữ địa phương “chauffer le char” (“lái xe”) lại có nghĩa là “làm nóng xe ngựa” (“heat up the chariot”) đối với người Pháp.

Một cú sốc lớn hơn là người Canada bạ đâu cũng dùng “tu”, dạng thân mật của đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, mà người Pháp chỉ dùng cho những lúc xưng hô thân mật, suồng sã (vous trang trọng hơn, dành cho những người quen sơ và người có thứ bậc cao hơn). Người Pháp nào vẫn giữ cách dùng vous thì có vẻ cao ngạo đối với người Quebec. Còn người từ Châu Âu lại bối rối vì những người Canada thích tutoyer (dùng tu, xưng hô thân mật kiểu “mày tao, cậu tớ”); mới nghe qua cứ tưởng cởi mở dễ kết bạn hay quan hệ làm ăn, nhưng thường không được vậy. Jonathan Chodjaï, một nhà tư vấn người Pháp đã sống ở Montreal trong 18 năm, nói, “Một số người chẳng bao giờ quen với chuyện đó.”

Theo ông, những mối quan hệ làm ăn ở Châu Âu thường bắt đầu lạnh nhạt rồi dần dần, ở Quebec trình tự này đảo ngược. Ông khuyên thân chủ nên nghĩ tới người Pháp như trái dừa có vỏ cứng và cơm mềm bên trong, và nghĩ tới người Quebec như trái đào mềm có hạt cứng.

Một số di dân người Pháp tìm cách dung hợp hai nền văn hóa. Jérôme Ferrer, một chủ nhà hàng, đã thêm foie gras (gan ngỗng béo), sốt nấm và tôm hùm vào món đặc sản poutine của Quebec, món khoai tây chiên có trộn phô-mai và rưới nước béo. Mamie Clafoutis, một chuỗi tiệm bánh của hai người Pháp, đánh dấu sự khởi đầu mùa lấy nhựa cây phong vào đầu xuân bằng cách nướng bánh trong xô si-rô.

Di dân mới tới định cư phải mất một thời gian để chấp nhận rằng họ không chỉ đổi đất nước mà còn đổi cả văn hóa. Trong nhóm tư vấn tâm lý nói trên, một di dân mới tới gần đây nói, “Nếu tới Úc hay Mỹ, ta biết đó là một nền văn hóa khác.” Ông phải mất ít lâu mới ngẫm ra rằng người Quebec là dân Bắc Mỹ, chứ không phải dân Châu Âu. Một khi người Pháp đã hiểu ra điều đó, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Đó là nhận định của Marie-Claude Ducas, một người Montreal từng làm việc với họ trong ngành truyền thông, một nghề thu hút nhiều người. Bà nói, “Họ có thể là những nhân viên rất giỏi — tức là những người nhận ra rằng họ là di dân.”

Khương An tổng hợp từ The Globe and Mail 7/5/2017, & The Economist 4/5/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.