Một ông chồng hào phóng, nhưng không chung thủy, ở British Columbia vừa thua trong vụ kiện đòi nhân tình trả lại tiền mua chiếc nhẫn kim cương mà ông đã mua làm quà Giáng sinh.

Người đàn ông này, chỉ được xác định danh tánh là R.T., kiện nhân tình cũ của mình, A.L.T., ra tòa giải quyết tranh chấp dân sự của tỉnh bang sau khi vợ ông phát hiện vụ ngoại tình và nhất quyết đòi tình địch phải trả lại tất cả những món quà mà nhân tình của chồng nhận được trong thời gian ngoại tình.

Theo phán quyết của tòa, chiếc nhẫn không phải là món duy nhất mà người vợ đòi.

“Người phụ nữ đó nói vài ngày sau bà nhận được thư từ vợ của nguyên đơn đòi thêm tiền,” ủy viên phân xử Sarah Orr viết.

“Vợ của R.T nói ông ta đòi bà ta trả $5,000 cho tiền công sửa xe của bà ta trong 10 năm, nhưng họ sẽ chịu nhận $4,000.”

Tòa giải quyết tranh chấp dân sự xử lý các vụ tranh chấp dưới $5,000. Đây không phải vụ đầu tiên mà các ủy viên phân xử được yêu cầu phán xét về số phận của nữ trang sau khi chia tay.

Trong các vụ trước, những người đàn ông bị phụ tình đã lập luận thành công rằng nhẫn đính hôn là một hình thức hợp đồng, và một khi đám cưới bị hủy, hợp đồng bị phá vỡ và chiếc nhẫn nên trả lại cho chủ nhân ban đầu.

Trong một vụ ở tòa giải quyết tranh chấp dân sự, một ủy viên phân xử khác dựa vào logic đó để bác bỏ yêu cầu của một người phụ nữ bị phụ bác rằng bà ta nên giữ nhẫn đính hôn của mình vì “bà ta được hứa kết hôn và người đàn ông đó đã thất hứa”.

Tuy nhiên một vụ khác lại bỏ qua tranh luận về hợp đồng, mà thay vì vậy tập trung vào chuyện người đàn ông đã dùng thẻ tín dụng của hôn thê cũ để trả cho những chiếc nhẫn đính hôn trị giá $3,490 của họ. Ông ta đã bị buộc trả lại số tiền đó.

Chiếc nhẫn kim cương trong vụ tranh chấp của R.T. và A.L.T. rõ ràng không phải là nhẫn đính hôn, vì ông ta đã kết hôn.

Thay vì vậy, ủy viên phân xử Orr dựa vào “luật quà tặng”, mà theo đó người nhận vật phẩm có trách nhiệm chứng minh đó là một món quà.

Ủy viên phân xử nói rằng bà hài lòng rằng R.T. tặng A.L.T. số tiền đó “như một món quà để mua nhẫn kim cương”.

Bà viết, “Không có bằng chứng đó là một khoản cho vay.”

Bà cũng kết luận rằng yêu sách đòi trả tiền sửa xe là một trò đánh trống lảng, nói rằng không có bằng chứng ủng hộ cho yêu cầu của người vợ đòi nhân tình trả lại tiền công sửa xe cho chồng của bà.

Nguồn: CBC, 14/10/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.