Hơn 60% hải sản được kiểm nghiệm tại các siêu thị và nhà hàng ở Montreal bị dán nhãn sai, theo bản cập nhật của một cuộc nghiên cứu theo dõi mức độ lừa đảo về các loại cá được bán ở Canada.

“Số liệu cho thấy đây là một vấn nạn đang diễn ra,” Sayara Thurston, một nhà đấu tranh về vấn đề lừa đảo hải sản thuộc Oceana Canada, tổ chức thực hiện cuộc điều tra này.

Hồi tháng 7/2019, tổ chức này kiểm nghiệm 90 mẫu từ 50 địa điểm ở Montreal và phát hiện rằng 61% hải sản không đúng như quảng cáo.

Một phòng thí nghiệm thương mại ở Guelph, Ontario, dùng mã vạch DNA để phân tích các mẫu và xác định danh tánh của mỗi loài. Phòng thí nghiệm này đã phát hiện 31 sản phẩm là loài khác với loài được quảng cáo, 21 bị dán nhãn sai và 3 có chứa những loài được phép bán tại Canada.

Khi kết hợp với các cuộc điều tra trước đây từ năm 2017, kết quả cho thấy 47% trong 472 mẫu cá được kiểm nghiệm cho tới nay đã bị dán nhãn sai ở Montreal, Victoria, Vancouver, Toronto, Ottawa và Halifax.

Cuộc điều tra ở Montreal phát hiện rằng 16% cá bị thay bằng các loài khác. Cá ngừ trắng (butterfish hoặc albacore tuna) được phát hiện bị thay bằng cá escolar, mà có thể gây tiêu chảy, ói mửa và buồn ói, và bị cấm bán ở một số nước.

Lừa đảo hải sản cũng gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng khi cá giá rẻ được tráo cho các loại cá đắt tiền hơn. Lừa đảo hải sản cũng khiến lầm tưởng rằng một số loại cá có nguồn dồi dào và gây hại cho những nỗ lực ngăn chặn đánh bắt quá nhiều và các nỗ lực bảo tồn tài nguyên khác.

Các công ty kinh doanh nhà hàng dựa vào thông tin nhận được từ các hãng chế biến và phân phối hải sản khi ghi tên các món trên thực đơn, theo xác nhận qua email của phát ngôn viên Marlee Wasser của hiệp hội ngành nhà hàng Restaurants Canada. Các công ty này muốn tăng khả năng có thể theo dõi nguồn gốc để họ có thể chia sẻ “thông tin chính xác hơn”, theo Wasser.

Cơ quan Kiểm định Thực phẩm Canada (CFIA), cơ quan chịu trách nhiệm giảm thiểu các rủi ro an toàn thực phẩm và theo dõi nạn lừa đảo thực phẩm tại Canada, không thể bình luận về các chi tiết cụ thể của báo cáo này cho tới khi đã xem xét báo cáo, theo một phát ngôn viên của CFIA.

Phát ngôn viên này cho biết CFIA tiến hành các cuộc kiểm định tại các cơ sở nhập khẩu, chế biến và bán lẻ, để bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa đảo.

“Ngành có trách nhiệm dán nhãn đúng cho hải sản và cung cấp các thông tin trung thực và không lệch lạc về các thực phẩm của họ cho người tiêu dùng,” phát ngôn viên này viết qua email. Bà cũng nói rằng CFIA phối hợp chặt chẽ với ngành để giúp họ tuân thủ các yêu cầu bắt buộc theo luật định và có biện pháp phù hợp trong những trường hợp không chấp hành.

Nguồn: The Canadian Press, The Canadian Business, 16/10/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.