Do có nhiều lựa chọn kháng cáo, các khó khăn về ngoại giao và tình hình thế giới biến đổi, nên chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người vượt biên trái phép từ Mỹ để xin tị nạn ở Canada đang bị trục xuất nếu họ không được phép tị nạn.

Người di cư từ Somalia vượt biên trái phép từ Mỹ vào Canada bằng cách đi bộ qua đường ray xe lửa vào thị trấn Emerson, Manitoba, ngày 26/2/2017. (Ảnh: John Woods / The Canadian Press)

Theo số liệu thống kê từ Nha Biên phòng Canada (CBSA), tính tới ngày 27/9/2019, 843 người đã bị trục xuất khỏi Canada, và có thêm 671 người đang đợi trục xuất sau khi đã dùng hết tất cả các lựa chọn xin ở lại Canada.

Từ tháng 2/2017, khoảng 45,000 người đã xin tị nạn tại Canada sau khi vào Canada qua các ngõ không phải là cửa khẩu chính thức.

Chưa tới một nửa hồ sơ xin tị nạn của họ đã được phân xử; Hội đồng Di trú và Tị nạn (IRB) đang xử lý số lượng hồ sơ rất lớn so với xưa nay và thời gian chờ đợi quyết định đã tăng vọt.

Tính tới nay, theo IRB, 85% trong những người vượt biên bị bác đơn tị nạn lần đầu đã kháng cáo quyết định với ban kháng cáo của IRB.

Như vậy có nghĩa là quy trình pháp lý để trục xuất đối với ít nhất 6,600 người đang bị đình hoãn.

Một gia đình từ Haiti đang tới lều trại ở Saint-Bernard- de-Lacolle, Quebec, của RCMP để xin tị nạn ở Canada hồi tháng 8/2017. (Ảnh: Charles Krupa/AP)

“Trong rất nhiều hồ sơ, cơ quan chúng tôi không thể bắt đầu quy trình pháp lý để trục xuất vì những lý do khác,” phát ngôn viên CBSA Rebecca Purdy nói trong một email.

Những lý do đó bao gồm quyền của một số người xin tị nạn bị bác đơn được yêu cầu không bị trục xuất với lý do họ có thể gặp nguy hiểm tại quê nhà, và việc hiện nay tạm ngưng trục xuất về Haiti — quốc gia xếp thứ 2 trong danh sách những nước xuất xứ của những người vượt biên trái phép xin tị nạn.

Ngoài ra còn có lý do khó thuyết phục được các nước cấp giấy tờ thông hành và tùy thân cho những người sẽ bị trục xuất.

Ví dụ, một báo cáo nội bộ năm 2018 của CBSA đề cập tới khó khăn trong việc xử lý những người vượt biên xuất phát từ Venezuela, quốc gia đang lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng.

“Các mối quan hệ ngoại giao đang xấu đi có thể gây khó khăn cho việc trục xuất nếu các công dân Venezuela không có giấy tờ thông hành sau khi vượt biên (không qua cửa khẩu chính thức),” báo cáo đó viết.

Canada đóng cửa đại sứ quán của mình tại Venezuela hồi đầu năm nay.

Trong chiến dịch tranh cử năm nay, cả Đảng Bảo thủ lẫn Đảng Tân Dân chủ (NDP) đều hứa giải quyết vấn đề người vượt biên trái phép bằng cách thay đổi một hiệp định với Mỹ mà không cho phép những người đó nộp hồ sơ tị nạn tại các cửa khẩu chính thức giữa hai nước.

Cả hai đảng này muốn thay đổi tình hình nhưng theo cách trái ngược nhau. Đảng Bảo thủ muốn cấm người vượt biên trái phép nộp đơn xin tị nạn, còn NDP muốn cho phép họ nộp đơn tại các cửa khẩu chính thức.

Đảng Tự do đã nói là họ đã và đang bàn với Mỹ về Hiệp định Nước Thứ ba An toàn nhưng chưa đạt được thỏa thuận mới. Trong ngân sách 2019, đảng cầm quyền này đã phân bổ hàng triệu đô-la cho IRB để giúp giải quyết số lượng hồ sơ quá nhiều.

Đảng Bảo thủ cũng đã hứa tuyển dụng thêm 250 viên chức CBSA để trục xuất những người được xem là không thể được Canada nhận.

Nguồn: The Canadian Press, 680 News, 18/10/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.