Tối cao Pháp viện xử thắng cho một phụ nữ Montreal bị phạt vì không chịu vịn tay cầm trên thang cuốn

0

Tối cao Pháp viện xử thắng cho một phụ nữ Montreal bị phạt vì không chịu vịn tay cầm trên thang cuốn

Tối cao Pháp viện Canada đã xử thắng cho một phụ nữ Montreal bị phạt vì không chịu vịn tay cầm khi dùng thang cuốn cách đây 10 năm.

Bela Kosoian đang đi xuống trên một thang cuốn ở trạm tàu điện ngầm Montmorency ở Laval, ở mạn bắc của Montreal, năm 2009 thì một cảnh sát viên nhiều lần ra lệnh bảo bà phải tôn trọng một hình biểu tượng trên thang cuốn có ghi, bằng tiếng Pháp, “Cẩn thận, hãy vịn tay cầm.”

Bà tranh cãi với cảnh sát viên đó, người bắt giữ bà trong 30 phút và khám xét túi xách của bà. Kosoian sau đó được thả và bị ghi giấy phạt $100 vì không vịn tay cầm và giấy phạt $320 vì không khai danh tánh.

“Một cảnh sát viên nếu biết phải trái trong hoàn cảnh tương tự thì đã không xem việc không vịn tay cầm là một hành vi phạm tội,” Tối cao Pháp viện Canada viết trong phán quyết.

“Do đó, cảnh sát viên đó đã phạm sai lầm khi ông ta bắt K [Kosoian]. STM [Công ty vận tải công cộng Montreal] đã phạm sai lầm khi dạy cho các cảnh sát viên rằng hình biểu tượng trong trường hợp này áp đặt một bổn phận phải vịn tay cầm, một sai lầm giải thích — ít nhất là một phần — cách hành xử của cảnh sát viên.”

Tối cao Pháp viện Canada phán quyết rằng chính quyền thành phố cũng phải chịu trách nhiệm về sai lầm của cảnh sát viên.

“Về phần K [Kosoian], bà có quyền từ chối chấp hành một mệnh lệnh không đúng luật, và do đó bà đã không phạm sai lầm nào mà đủ lý do buộc phải chịu trách nhiệm,” phán quyết viết tiếp.

Tòa phán quyết rằng “rủi ro lạm quyền là không thể phủ nhận được” và do đó, phải “luôn có một căn cứ pháp lý cho những hành động do các cảnh sát viên thực hiện; khi không có căn cứ pháp lý như vậy, cách hành xử của họ là trái pháp luật và không thể được dung thứ.”

Phán quyết khẳng định rằng các cảnh sát viên không thể chỉ lập luận rằng họ đang thực hiện một mệnh lệnh mà họ “đã biết hoặc lẽ ra đã phải biết” là trái pháp luật.

Phán quyết cho rằng STM phải chịu một phần trách nhiệm vì công ty vận tải công cộng này có bổn phận huấn luyện cảnh sát viên của mình đúng cách.

“Nếu cảnh sát viên đó phạm sai lầm vì tin rằng vịn tay cầm là một bổn phận, STM cũng sai lầm vì diễn giải sai quy định và huấn luyện tương ứng.”

Kosoian được xử trắng án ở tòa án thành phố năm 2012. Sau đó bà đệ đơn kiện Thành phố Laval, cảnh sát viên Fabio Camacho và and the Công ty vận tải công cộng Montreal (STM). Bà thua kiện hai lần ở tòa án Quebec. Tối cao Pháp viện Canada nhận xử vụ kháng cáo này vào năm 2018.

Tối cao Pháp viện Canada phán quyết Kosoian phải được bồi thường thiệt hại $20,000. Cảnh sát viên và STM mỗi bên chịu trách nhiệm trả một nửa số tiền bồi thường đó.

Hôm thứ Sáu 29/11 Kosoian phát biểu trước báo giới rằng bà hài lòng với phán quyết này, nhưng nghĩ rằng vụ này lẽ ra không nên phải kiện tới Tối cao Pháp viện, và đã mất quá lâu để giải quyết.

“Mười năm. Không dễ dàng chút nào. Tôi mất mười năm của để tranh đấu,” bà nói. “Lẽ ra nó không bao giờ nên phải lên tới Tối cao Pháp viện nhưng họ cứ kháng cự. Họ cứ ép và cứ kháng cự và tôi nghĩ, ‘không, không thể nào như vậy.’”

Hôm 29/11 cả STM và Thành phố Laval đều không chịu bình luận về phán quyết này.

Nguồn: CTV, 29/11/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.