Sean Coughlan, Phóng viên Giáo dục, BBC

Khương An dịch

Khi có tranh luận về các hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, những cái tên thường được nhắc tới là các cường quốc Châu Á như Singapore và Hàn Quốc hoặc những quốc-gia-biết-tất ở Bắc Âu, như Phần Lan và Na Uy.

Nhưng dù ít được công nhận hơn, Canada đã vươn lên nhóm hàng đầu của những bảng xếp hạng quốc tế.

Trong kỳ thi PISA quốc tế gần đây nhất, Canada là một trong số ít những quốc gia xuất hiện trong nhóm 10 nước hàng đầu về toán, khoa học và đọc.

Kỳ thi PISA, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là một nghiên cứu quan trọng về thành quả giáo dục và cho thấy thiếu niên Canada nằm trong số có học vấn cao nhất thế giới.

Các em vượt trội bạn đồng trang lứa ở các nước láng giềng gần về địa lý như Mỹ và các nước Châu Âu với nhiều mối liên hệ văn hóa mật thiết như Vương quốc Anh và Pháp.

Ở cấp đại học, Canada có tỷ lệ cao nhất thế giới về người thành niên trong độ tuổi lao động đã học đại học – 55% so với mức trung bình 35% ở các nước OECD.

Học sinh nhập cư

Thành công của Canada trong các kỳ thi học đường cũng rất khác thường so với các xu hướng quốc tế khác.

Những quốc gia có thành tích hàng đầu thường là những xã hội gắn kết, nhỏ gọn, và quốc gia đầu bảng hiện nay, Singapore, xưa nay được xem là mô hình của tiến bộ có hệ thống, với mỗi bộ phận của hệ thống giáo dục hòa nhập vào chiến lược quốc gia tổng thể.

Canada thậm chí không có một hệ thống giáo dục quốc gia, mà dựa trên các tỉnh bang tự chủ [về giáo dục], và khó mà hình dung được sự tương phản nào lớn hơn giữa một thị quốc như Singapore và một đất nước mênh mông như Canada.

Khi cố gắng tìm hiểu thành công của Canada về giáo dục, OECD đã mô tả vai trò của chính phủ liên bang là “hạn chế và đôi khi không tồn tại”.

Cũng ít được công nhận là việc Canada có tỷ lệ di dân cao trong số lượng học sinh của mình.

Hơn một phần ba thanh thiếu niên ở Canada là từ những gia đình có cả hai cha mẹ từ nước khác tới.

Nhưng con cái của những gia đình di dân mới tới dường như hội nhập đủ nhanh chóng để đạt kết quả ở mức cao giống như bạn cùng lớp.

Khi ta nhìn kỹ hơn bảng xếp hạng PISA gần đây nhất, ở cấp vùng thay vì cấp quốc gia, kết quả của Canada lại càng xuất sắc hơn.

Nếu các tỉnh bang Canada tham dự kỳ thi PISA như những quốc gia riêng rẽ, ba tỉnh bang, Alberta, British Columbia và Quebec, sẽ nằm trong 5 thứ hạng cao nhất thế giới về khoa học, cùng với Singapore và Nhật và xếp trên các nước như Phần Lan và Hong Kong.

Vậy làm sao Canada đã qua mặt quá nhiều quốc gia về giáo dục?

Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD, nói “chủ đề lớn xuyên suốt của Canada là sự bình đẳng”.

Dù các tỉnh bang có những chính sách khác nhau, tất cả đều có chung quyết tâm bảo đảm cơ hội công bằng bình đẳng ở học đường.

Ông nói rằng có cảm nhận mạnh mẽ về sự công bằng và cơ hội bình đẳng – và điều này thể hiện ở thành tích học tập cao của con cái di dân.

Các kỳ thi PISA cho thấy trong vòng ba năm sau khi nhập cư, con cái của di dân mới đạt điểm thi cao bằng những bạn khác cùng trường.

Nhờ đó, Canada là một trong số ít quốc gia với học sinh di dân đạt thành tích ở mức tương tự với học sinh không phải di dân.

Một đặc điểm nổi bật khác là giáo viên Canada được trả lương cao xét theo tiêu chuẩn quốc tế – và đầu vào nghề giáo viên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng.

Cơ hội bình đẳng

Giáo sư David Booth, thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario (OISE) của Đại học Toronto, nhấn mạnh “nền tảng mạnh về khả năng biết chữ” của Canada.

Canada xưa nay có những nỗ lực có hệ thống để cải thiện khả năng biết chữ, với những nhân viên có trình độ cao, các nguồn lực như thư viện học đường và thi cử và đánh giá để xác định các trường hay học sinh đang gặp khó khăn.

Giáo sư John Jerrim, thuộc Viện Giáo dục UCL ở London, nói rằng kết quả xếp hạng cao của Canada phản ánh sự chênh lệch kinh tế xã hội thấp trong kết quả học hành.

Thay vì một quốc gia với những điều thái quá, các kết quả của Canada cho thấy mức trung bình rất cao, với khác biệt tương đối nhỏ giữa học sinh khá giả và học sinh khốn khó.

Trong kết quả thi PISA gần đây nhất về môn khoa học, mức chênh lệch về điểm số ở Canada do các khác biệt kinh tế xã hội là 9%, so với 20% ở Pháp và 17% ở Singapore.

Kết quả có tính bình đẳng này góp phần lý giải tại sao Canada đạt kết quả quá mỹ mãn trong các kỳ thi quốc tế. Canada không có thành phần đạt kết quả kém, thường có liên quan tới nghèo đói.

Đó là một hệ thống hết sức nhất quán. Cũng như có ít chênh lệch giữa học sinh giàu và học sinh nghèo, có rất ít chênh lệch giữa các trường, so với mức trung bình của các nước đã phát triển.

Giáo sư Jerrim cho rằng, trong trường hợp Canada, thay vì bị xem là có khả năng làm giảm kết quả, mức độ nhập cư cao có thể là một phần trong nguyên nhân thành công của Canada.

Di dân tới Canada, trong đó có nhiều người từ những nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, thường có trình độ học vấn tương đối cao và nhiều hoài bão muốn con cái mình theo các nghề nghiệp chuyên môn.

Giáo sư Jerrim nói những gia đình này có “nỗi khao khát” thành đạt, và những kỳ vọng cao của họ có thể đã tăng kết quả học hành của con cái họ.

Giáo sư Booth ở Đại học Toronto cũng nhắc tới những kỳ vọng cao của các gia đình di dân này.

“Nhiều gia đình mới tới Canada muốn con cái họ học giỏi, và học sinh hào hứng học tập.”

Năm nay cũng là năm bội thu cho giáo dục ở Canada.

Các trường đại học đang hưởng lợi từ hiệu ứng Trump, với số hồ sơ xin nhập học từ sinh viên nước ngoài tăng cao kỷ lục vì Canada được xem là một nơi du học Bắc Mỹ thay thế cho Mỹ.

Canada cũng có cô giáo đoạt Giải Giáo viên Toàn cầu; cô Maggie MacDonnell dùng phần thưởng này để vận động đấu tranh cho học sinh thổ dân.

Khi kỷ niệm 150 năm thành lập liên bang, Canada có thể xưng danh là một siêu cường quốc giáo dục.

Nguồn: Sean Coughlan, How Canada became an education superpower, BBC 2/8/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.