Vấn nạn dùng bằng giả ở Canada

4

Theo phóng sự điều tra của CBC, nhiều người Canada có thể đã phó thác sức khỏe và an sinh của mình cho những giảng viên, luật sư, y tá, kỹ sư, tư vấn viên, chuyên viên … dùng bằng giả.

Eric Szeto, Nelisha Vellani, Erica Johnson, CBC

Khương An tổng hợp & lược dịch

Chương trình Marketplace (Thị trường) của đài truyền hình trung ương Canada CBC đã thực hiện một cuộc điều tra về lò cấp bằng giả lớn nhất thế giới. Cuộc điều tra này đã phát hiện rằng nhiều người Canada có thể đã phó thác sức khỏe và an sinh của mình cho những giảng viên, luật sư, y tá, kỹ sư, tư vấn viên và những chuyên viên khác dùng bằng giả.

Theo giới chuyên gia, bằng giả là ngành kinh doanh tỷ đô, và chương trình Marketplace đã thu thập được hồ sơ kinh doanh của đấu thủ lớn nhất trong ngành này, một hãng công nghệ thông tin tên là Axact ở Pakistan. Nhóm ký giả đã dành nhiều tháng trời rà soát hàng ngàn vụ mua bán bằng, đối chiếu với thông tin cá nhân với các tiểu sử sơ lược trên mạng xã hội của khách hàng.

Cuộc điều tra này đã phát hiện rằng hơn 800 người Canada có thể đã mua bằng giả.

Allen Ezell, một cựu đặc vụ FBI từng điều tra các lò cấp bằng giả trong mấy chục năm, nói, “Nên nhớ đây mới chỉ là một lò bằng giả. Điều này chưa cho ta thấy tổng số bằng đang được bán trên khắp Canada bởi tất cả các trường đang hoạt động.”

Cựu đặc vụ FBI Allen Ezell. (Ảnh: CBC)

Ông Ezell, đồng tác giả của cuốn sách “Degree Mills: The Billion-Dollar Industry That Has Sold Over a Million Fake Diplomas” (“Các lò cấp bằng: Ngành tỷ đô đã bán hơn một triệu bằng giả”), ước tính rằng một nửa số bằng tiến sĩ (PhD) cấp mới mỗi năm ở Mỹ là giả.

Ông nói bằng giả có hai tác hại. Chúng làm giảm giá trị của những bằng cấp chính đáng mà người ta mất nhiều năm và phí tổn hàng ngàn đô-la mới có được. Tác hại quan trọng hơn là những người làm việc chuyên môn như kỹ sư và nhân viên ngành y tế thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên môn đúng có thể gây nguy hiểm cho công chúng.

Ezell nói, “Tất cả chúng ta đều bị hại bởi bất cứ một người làm việc chuyên môn không được đào tạo với mức độ trọn vẹn như bằng cấp của người đó cho là có. Chúng ta có thể bị hại như nhau, mỗi ngày.”

Tác giả John Bear trưng một tấm bằng Harvard giả nhưng trông rất oách mà ông mua được từ một lò cấp bằng với giá $40. (Ảnh: John Bear)

John Bear, một chuyên gia về giáo dục trực tuyến và đồng tác giả với Allen Ezell của cuốn sách nói trên, nói rằng Internet là nguyên nhân chủ yếu khiến ngành làm bằng giả phát đạt. “Bọn lừa đảo cần thứ gì đó giúp chúng ẩn danh. Thứ gì đó giúp chúng quảng cáo miễn phí hoặc rẻ, thứ gì đó khiến chúng gần như không thể bị phát hiện. Internet chính là giấc mơ hoang đường của chúng thành hiện thực.”

Trang mạng các trường của Axact trông rất bảnh, và những cái tên như Đại học Harvey, Đại học Barkley, và Đại học Nixon khiến những trường được cho là ở Mỹ này nghe cứ như là trường xịn thuộc hàng Ivy League.

Hàng trăm trường có liên hệ với Axact rao bán nhiều loại cơ hội giáo dục với đội ngũ giảng viên sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Một số trường thậm chí có phòng xác minh bằng cấp cho bất cứ bên thứ ba nào yêu cầu bảng điểm hay bằng chứng đi học.

Nhưng không có trường nào trong số này có địa chỉ thực tế, ảnh giảng viên thường là ảnh tư liệu có sẵn, và thậm chí các cơ quan kiểm định bằng cấp mà các trang mạng này trích dẫn cũng là giả.

Khách hàng thường có thể đủ tiêu chuẩn nhận bằng trung học, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ dựa trên “kinh nghiệm sống” và có thể mua chúng chỉ với giá vài trăm đô-la.

Như chương trình Marketplace phát hiện, các khách hàng của Axact thường chẳng ngại ngùng khoe bằng cấp của mình trên các tiểu sử sơ lược ở mạng LinkedIn, hay trưng bày bằng cấp một cách hãnh diện trên tường trong văn phòng của mình.

Giảng viên dùng bằng giả

Trong hơn một thập niên, Dubravko Zgrablic dạy hàng ngàn sinh viên ở nhiều trường cao đẳng và đại học ở Toronto. Ông cho biết đã dạy ở Centennial College, Đại học Toronto, Đại học Ryerson và Seneca College. Theo tiểu sử sơ lược của ông trên mạng LinkedIn, hiện nay ông dạy các khóa ứng dụng máy tính và quản lý dự án tại Seneca College.

Tuy nhiên, thử hỏi ông tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính ở đâu là ông chật vật không nhớ tên trường. Ông nói, “Quên mất rồi … nhiều thứ tôi cứ luôn lẫn lộn. Đâu đó bên Mỹ.”

Có một quãng im lặng kéo dài trước khi hai ký giả ẩn danh của chương trình Marketplace nhập vai hai sinh viên Seneca khả dĩ nhắc ông: “Almeda”.

“Almeda,” ông nói, nhắc tới Đại học Almeda, mà một cuộc điều tra của chương trình Marketplace đã tiết lộ là một trường giả trên mạng, chuyên bán bằng giả trước khi gần đây bị rút xuống khỏi mạng.

Đại học Almeda có liên hệ với lò cấp bằng quốc tế của hãng Axact, và không phải là một trường đại học được kiểm định. Không có trường lớp trên thực tế, chỉ là một trang mạng mà ở đó khách hàng có thể đổi “kinh nghiệm sống” và tiền để lấy một tấm bằng.

Ảnh chụp màn hình tiểu sử sơ lược của Dubravko Zgrablic trên trang LinkedIn. (Ảnh: CBC)

Theo tiểu sử sơ lược của ông trên mạng LinkedIn, Zgrablic nhận được bằng của trường Almeda vào năm 2004. Ông nói với ký giả ẩn danh của chương trình Marketplace rằng để lấy được bằng này ông mất ba tháng để hoàn tất, tốn vài ngàn đô-la và phải làm “11 kỳ thi chủ yếu qua điện thoại”.

Ông nói, “[Bằng thạc sĩ] này quan trọng bốn lần trong đời tôi. Khi tôi bắt đầu làm việc ở hai trường cao đẳng và khi tôi bắt đầu làm việc ở hai trường đại học.”

Trong cùng cuộc đối thoại đó, ông nói là các trường tuyển dụng ông đều có xác minh với Almeda về bằng thạc sĩ của ông.

Ông nói, “Bạn phải cho biết tên trường, cho biết thông tin liên hệ trường. Họ kiểm tra trực tiếp với trường. Bạn không tham gia trong quá trình đó.”

Chương trình Marketplace nêu những phát hiện của mình về Zgrablic và Đại học Almeda với bốn trường mà ông nói ông từng dạy ở đó.

Đại học Toronto không cho phỏng vấn. Đại học này gởi cho Marketplace một phát biểu mà không giải thích về căn cứ của trường để tuyển dụng Zgrablic, nêu các lý do về quyền riêng tư, và không nhắc tới Đại học Almeda.

Phát biểu của Đại học Ryerson chia sẻ một số chi tiết tổng quát về quy trình tuyển dụng của trường, nhưng không khẳng định Zgrablic là một cựu nhân viên.

Centennial College, trường cao đẳng nơi Zgrablic làm việc từ năm 2003 tới năm 2010, nói “Almeda không phải là một yếu tố được cân nhắc trong quá trình tuyển dụng”; điều này hợp lý vì mãi tới năm 2004 ông mới có bằng của Almeda. Centennial College cho biết trường xác minh học vấn trước đây của Zgrablic từ Croatia và điều đó, cộng với kinh nghiệm trong ngành của ông, đã giúp ông được tuyển.

Một phúc đáp của Seneca College, nơi làm việc gần đây nhất của Zgrablic, nói trường không thể bình luận về các vấn đề nhân sự vì lý do về quyền riêng tư, nhưng trường “rất nghiêm túc về các thông lệ tuyển dụng và giống như hầu hết các trường sau trung học”, trường “cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có kinh nghiệm ngành nghề đặc thù, khi tuyển dụng”. Trường cao đẳng này nói, “Chúng tôi có một quá trình xác minh bằng cấp.”

Tiểu sử sơ lược trên mạng LinkedIn của Zgrablic nói ông có bằng cử nhân khoa học máy tính của Đại học Zagreb. Theo tiểu sử đó, ông làm kiến trúc sư công nghệ thông tin cho IBM Global Services và quản trị viên hệ thống cao cấp cho Canadian Tire và nhiều công ty khác.

Deb Matthews, bộ trưởng giáo dục cao cấp và phát triển kỹ năng của Ontario, gởi cho chương trình Marketplace một phát biểu nói rằng sinh viên học hành siêng năng để có được bằng cấp, và “giá trị của nỗ lực đó và tính chính trực của bằng cấp được kiểm định của họ không nên bị phá hoại bởi những người giảng dạy họ”.

Cựu đặc vụ FBI Allen Ezell nói rằng các trường phải bị buộc chịu trách nhiệm về việc xác minh bằng cấp của những người được tuyển dụng.

Ông nói, “Các trường nhắn nhủ gì với các giảng viên khác và sinh viên của họ? Họ phải làm gương. Nếu họ không xác minh nhân viên của chính mình, thì ai làm đây? Điều đó 1000% không thể chấp nhận được.”

Khi chương trình Marketplace chất vấn Zgrablic về bằng cấp của ông, ông nói ông lấy được bằng thạc sĩ trước khi Almeda bắt đầu bán các bằng cấp dựa trên “kinh nghiệm sống”.

Ezell nói không thể có chuyện đó. “Almeda chưa bao giờ có thực, trong suốt thời gian tồn tại của nó, nó chưa bao giờ được kiểm định một cách chính đáng bởi một tổ chức được công nhận, chấm hết.”

Zgrablic nói ông không biết trường này không được kiểm định và biện hộ 11 kỳ thi qua điện thoại mà ông đã làm để nhận được bằng thạc sĩ. Ông nói ông đã bắt đầu học cao học ở quê nhà Croatia nhưng chưa hoàn tất, và các kỳ thi qua điện thoại với Đại học Almeda “chỉ là việc đánh giá lại” những môn học của ông trước đây.

Ông cũng phủ nhận việc đã nói là ông đã dùng bằng thạc sĩ của mình để có việc tại bốn trường sau trung học ở Toronto, nhưng chương trình Marketplace đã ghi lại cuộc đối thoại đó bằng các camera ẩn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chính thức, Zgrablic từ chối nói rõ về các phát biểu trước đây của mình, mà chỉ đề nghị liên hệ phòng quan hệ công chúng của Seneca College.

Sau đó ông đã xóa Đại học Almeda khỏi tiểu sử của mình trên mạng LinkedIn.

Seneca College vẫn được ghi là nơi làm việc của ông, nhưng trường này không khẳng định có đúng như vậy hay không.

‘Đó là bằng cấp của tôi’

Gilbert Correces chẳng cần ai hỏi cũng tự động khoe bằng cấp của mình với hai ký giả của chương trình Marketplace nhập vai một cặp vợ chồng muốn được tư vấn tại văn phòng của ông ở Toronto.

“Đó là những bằng cấp của tôi,” Correces nói và chỉ lên một bằng tiến sĩ (PhD) về tâm vấn từ Đại học Almeda được đóng khung.

Ông Correces làm hợp đồng độc lập cho A1 Counselling. Theo tiểu sử sơ lược của ông tại A1, ông là một tư vấn viên, cán sự xã hội và nhà tâm lý trị liệu chuyên giúp các cặp vợ chồng đương đầu với nghiện ma túy, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn và sang chấn của việc ngược đãi trẻ em.

Bằng tiến sĩ tâm vấn của Gilbert Correces do Đại học Almeda cấp. (CBC)

“Tôi sang [Mỹ] để vừa làm vừa học,” ông nói về thời gian ông làm luận văn tại Đại học Almeda ở Boise, Idaho. Tiểu sử tóm tắt của ông trên LinkedIn nói ông tốt nghiệp với điểm trung bình GPA 4.0. Nhưng bằng tiến sĩ và trường của ông Correces đều là giả, theo điều tra của chương trình Marketplace.

“Tư vấn viên” (counsellor) không phải là một chức danh được bảo vệ ở Ontario — nghĩa là bất cứ ai cũng có thể tự gọi mình là tư vấn viên, bất kể bằng cấp của họ là gì. “Nhà tâm lý trị liệu” (psychotherapist) và cán sự xã hội (social worker) là các chức danh được bảo vệ, bắt buộc phải có một trình độ học vấn nào đó và đăng ký với các tổ chức ngành nghề chuyên môn phù hợp ở cấp tỉnh bang.

Ông Correces là một cán sự xã hội có đăng ký với Hội Cán sự Xã hội và Cán sự Dịch vụ Xã hội Ontario. Nhưng chương trình Marketplace không tìm thấy tên của ông trong cơ sở dữ liệu của Hội Chuyên viên Tâm lý Trị liệu có đăng ký Ontario.

Tiến sĩ Alan Leschied, một nhà tâm lý và giáo sư tại Western University ở London, Ontario, nói thật lố bịch khi người ta có thể làm việc với những bằng cấp đáng ngờ. “Trị liệu và tư vấn không phải là chuyện vô hại — nó có thể gây tác hại.”

Ông xem một số phần trong các buổi tư vấn của ông Correces cho các ký giả Marketplace, và nói rằng có lý do đáng lo ngại.

“Ta không tiết lộ những điều có tính chất cá nhân, không phù hợp, mà tập trung vào bản thân ta… Nếu ta chỉ kể những câu chuyện này vì ta cố gắng để được thân chủ của mình nhìn theo một số cách nào đó … đó là những vi phạm về ranh giới.”

Tổng hợp phóng sự của Marketplace, CBC, 10-16/9/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Còn tiếp.

  • Kỳ 2: Marketplace đi mua bằng giả. Ai chịu trách nhiệm?
  • Kỳ 3: Danh sách các trường cấp bằng giả bị phát hiện.

4 thoughts on “Vấn nạn dùng bằng giả ở Canada

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.