Máy bay phản lực CSeries của Bombardier. (Ảnh: Paul Chiasson/AP)

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hôm 26/9, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết sơ bộ cho rằng Bombardier đã nhận được những trợ cấp không phù hợp với luật thương mại từ chính phủ Canada, và áp thuế đối kháng 220% đối với máy bay thương mại CSeries của tập đoàn này.

Boeing đã khiếu nại rằng nhờ những hỗ trợ đó, Bombardier ký được hợp đồng bán 125 chiếc CSeries cho hãng hàng không Delta với giá thấp hơn thị trường. Giá niêm yết của số máy bay đó là khoảng 6 tỷ đô-la. Nhưng con số thực tế của hợp đồng không được công khai, và Boeing cho rằng con số đó thấp hơn nhiều.

Phán quyết bất ngờ

Mức thuế 220% khá bất ngờ, vì chính Boeing chỉ yêu cầu đánh thuế 80%. Khoản thuế trừng phạt này chỉ chính thức áp dụng khi Bombardier giao những chiếc CSeries đầu tiên cho Delta vào mùa xuân năm tới. Nếu mức thuế sơ bộ này được giữ nguyên, hợp đồng khó có thể thực hiện vì giá sẽ cao gấp ba lần so với ban đầu.

Sau phán quyết sơ bộ này, Bộ Thương mại Mỹ nay chuyển sang vấn đề liệu Bombardier có bán phá giá máy bay CSeries trên thị trường Mỹ hay không. Phán quyết đó dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 4/10, nhưng có thể bị trì hoãn.

Vấn đề then chốt là liệu giới chức thương mại có tìm đủ bằng chứng kết luận rằng hợp đồng giữa Bombardier và Delta có thực sự gây tác hại cho Boeing; vấn đề này phải mất ít nhất sáu tháng mới có phán quyết.

Nhưng phán quyết hôm 26/9 là thắng lợi bước đầu cho Boeing trong cuộc tranh chấp dai dẳng này, và giúp Boeing có thêm lợi thế trong các đàm phán tương lai với chính phủ Canada để đạt được thỏa thuận dàn xếp.

Câu hỏi liệu hợp đồng Bombardier-Delta có hại cho Boeing hay không đang được Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Mỹ cân nhắc, và phải tới mùa xuân sang năm mới có quyết định.

Theo Dan Pearson, cựu chủ tịch ITC và nay là học giả ở Viện Cato, khó mà chứng minh được rằng hợp đồng Bombardier-Delta gây hại cho Boeing, vì Boeing lúc đó không có loại máy bay phản lực (cỡ trung) nào phù hợp để đấu thầu hợp đồng này.

Phán quyết của ITC sẽ là then chốt để quyết định thuế đánh vào máy bay CSeries có chính thức, hay vụ việc sẽ bị bác bỏ, và các khoản thuế đã đóng sẽ được hoàn lại, và hợp đồng Bombardier-Delta có thể được thực hiện.

Tuy nhiên, cả hai bên đều có thể kháng cáo lên Tòa Thương mại Quốc tế của Mỹ, các cơ quan giải quyết tranh chấp của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay thậm chí Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này không những có thể khiến vụ việc kéo dài mà còn gây bất định cho Bombardier, và ảnh hưởng khả năng bán thêm máy bay sang thị trường Mỹ hay các nước khác.

Bộ trưởng tài chính Carlos Leitao trong chính quyền Quebec (tỉnh bang năm ngoái đã đầu tư 1 tỷ đô-la Mỹ hùn 49.5% vốn trong chương trình chế tạo máy bay phản lực thương mại CSeries) nói ông tin tưởng rằng Bombardier sẽ thắng Boeing. Song ông cũng lưu ý rằng có thể mất thời gian lâu để giải quyết vụ việc, và có thể có hại cho Bombardier — do đó, Quebec sẽ tiếp tục ủng hộ công ty này.

Việc chế tạo máy bay CSeries cũng ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, vì Bombardier cho biết hơn một nửa thành phần của loại máy bay này được các hãng ở Mỹ sản xuất, và hoạt động này tạo ra hơn 22,000 việc làm tại 17 bang ở Mỹ.

Canada dọa trả đũa

Vụ này có những tác động lớn đối với Bombardier vì nó không chỉ có nguy cơ làm đổ vỡ hợp đồng bán cho Delta mà còn cản trở những hợp đồng tương lai bán cho Mỹ, và gây tác hại cho những công ty kỹ thuật hàng không Canada làm ăn với Bombardier.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói, “Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ các công ty và công nhân Canada trước sự bảo hộ không công bằng và tốn kém.”

Phát biểu tại Hạ viện Canada trước khi có phán quyết, thủ tướng Justin Trudeau hứa sẽ tiếp tục sát cánh với Bombardier và ngành kỹ thuật hàng không Canada. Một lần nữa ông đe dọa là Canada sẽ không cân nhắc Boeing trong các hợp đồng mua sắm của chính phủ trong tương lai.

Tại một cuộc họp báo hôm 27/9, thủ hiến Phillippe Couillard của Quebec nói, “Boeing có thể đã thắng một trận, nhưng tôi xin nói là cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc – và chúng tôi sẽ thắng.” Ông kêu gọi chính phủ liên bang có thái độ thật cứng rắn với Boeing về việc mua máy bay chiến đấu, hay bất cứ máy bay nào của Boeing.

Máy bay chiến đấu Super Hornet của Boeing. (Ảnh: Boeing)

Mấy tuần trước, thủ tướng Justin Trudeau đã dọa bãi bỏ kế hoạch mua 18 máy bay chiến đấu Super Hornet, trị giá 6 tỷ đô-la, của Boeing. Ông nói chính phủ Canada sẽ không giao dịch với một công ty mà ông cho là đả phá công nghiệp Canada và khiến công nhân ngành kỹ thuật hàng không mất việc. Sau khi Mỹ đòi đánh thuế Bombardier, bộ trưởng quốc phòng Harjit Sajjan thậm chí nói bóng gió là Canada có thể cân nhắc mua máy bay cũ FA-18 của Kuwait.

Thủ tướng Trudeau cũng để ngỏ khả năng loại trừ Boeing khỏi bất cứ cuộc đấu thầu nào trong tương lai để thay thế đội máy bay CF-18 cũ kỹ của Canada bằng 88 máy bay chiến đấu mới. Một động thái như vậy sẽ gặp khó khăn do các luật thương mại quốc tế, nhưng nếu thành công, đó sẽ là một đòn nặng nề cho Boeing: 88 máy bay chiến đấu mới dự kiến có chi phí từ 15 tỷ tới 19 tỷ đô-la.

Anh ủng hộ Canada

Tác động của vụ này cũng lan sang bên kia Đại Tây Dương, vì Bombardier có cơ sở hoạt động lớn ở Vương quốc Anh. Với 4,200 công nhân tại nhà máy sản xuất phụ tùng cho máy bay CSeries ở Belfast, Bombardier là một trong những hãng sản xuất lớn nhất còn lại ở Belfast, một trung tâm công nghiệp trước đây.

Vụ kiện của Boeing với Bombardier là khiến Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Vương quốc Anh nhức đầu; Đảng Bảo thủ đang nắm quyền nhờ vào liên minh có sự tham gia của Đảng Nghiệp đoàn Dân chủ Bắc Ireland.

Trước áp lực của Đảng Nghiệp đoàn Dân chủ, thủ tướng Theresa May cũng đã đích thân vận động tổng thống Mỹ Donald Trump thuyết phục Boeing bãi bỏ vụ kiện, để bảo vệ việc làm ở Bắc Ireland. (Bắc Ireland là nước nghèo nhất trong bốn nước của Vương quốc Anh.)

Quyết định đánh thuế của Bộ Thương mại Mỹ là một đòn nặng cho thủ tướng May vì tác động xấu tới quan hệ thương mại Anh-Mỹ. Bà đã xem quan hệ thương mại với Mỹ là một thành tố then chốt trong chiến lược thương mại của Vương quốc Anh sau Brexit (Vương quốc Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu).

Thủ tướng May nói bà vô cùng thất vọng về quyết định đánh thuế máy bay C-Series của Bombardier. Bộ trưởng quốc phòng Michael Fallon cảnh báo rằng vụ Boeing kiện Bombardier có thể khiến Boeing có nguy cơ mất cơ hội lấy được hợp đồng của chính phủ Anh. “Boeing có những hợp đồng quốc phòng lớn với chúng tôi và vẫn kỳ vọng thắng thêm các hợp đồng khác. Boeing muốn và chúng tôi muốn một mối quan hệ đối tác dài hạn nhưng quan hệ đó phải hai chiều.”

Boeing cũng được nhà nước hỗ trợ nhiều

Học giả Dan Ikenson ở Viện Cato bình luận rằng thật nực cười khi Boeing khiếu nại công ty khác nhận trợ cấp của nhà nước, khi chính Boeing là công ty nhận được hỗ trợ của nhà nước nhiều nhất thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Ex-Im Bank), mà ở Washington người ta gọi đùa là “Ngân hàng của Boeing”.

Giáo sư Ian Lee ở trường Quản trị Kinh doanh Sprott thuộc Đại học Carleton, Ottawa, nói rằng cả 4 nước có ngành kỹ thuật hàng không đều trợ cấp rất nhiều cho ngành này. “Boeing và Airbus trong mảng máy bay phản lực loại lớn, Embraer và Bombardier trong mảng máy bay dưới 150 chỗ ngồi đều được trợ cấp cả.”

Ông cho rằng tuy các nước khác thường ngụy trang các hình thức hỗ trợ, cả chính phủ liên bang Canada lẫn chính quyền tỉnh bang Quebec đều không khôn khéo như vậy.

Năm 2003, Boeing từng làm mình làm mẩy với Seattle, công khai ngỏ ý rời khỏi thành phố và bang gắn liền với tên Boeing, cho tới khi bang Washington có những ưu đãi đủ để giữ chân Boeing — những ưu đãi trị giá khoảng 3.2 tỷ đô-la Mỹ trong 20 năm.

Đồng thời, Boeing mời gọi các bang khác đưa ra những ưu đãi để công ty chuyển một số cơ sở hoạt động sang đó. Hơn 21 bang đã cạnh tranh, dù nhiều người nghi ngờ rằng cuộc đua đó chỉ là chiến lược của Boeing để ép bang Washington cho thêm nhiều ưu đãi. (Rốt cuộc, Boeing ở lại Washington, dù đặt tổng hành dinh và các cơ sở sản xuất ở các bang khác, trong đó có một nhà máy khai trương năm 2011 ở Nam Carolina.)

Boeing đã nhận được hỗ trợ của nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: miễn giảm thuế thu nhập, miễn thuế bán hàng, giảm thuế đất (có loại kéo dài mấy chục năm), giảm giá tiện ích công cộng, trợ cấp để trang trải chi phí dời chỗ, tài trợ của bang để huấn luyện nhân viên, trợ cấp năng lượng, cải thiện đường sá, cảng và sân bay theo yêu cầu của Boeing, vay miễn lãi và bảo đảm cho vay, đất và nhà miễn phí hoặc giảm giá, nhà nước hỗ trợ Boeing trả lương, tài trợ nghiên cứu và phát triển.

 

3 thoughts on “Vụ Boeing kiện Bombardier: Mỹ áp thuế 220%, Canada và Anh đòi trả đũa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.