Gần 70% hồ sơ xin tị nạn đã xử lý của người vượt biên trái phép được chấp nhận

0

… dù công chúng có quan niệm phổ biến là những người này không phải là người tị nạn thực sự cần được bảo vệ.

Trong số những hồ sơ xin tị nạn đã được xử lý của những người vượt biên trái phép từ Mỹ vào Canada, gần 70% trường hợp được chấp nhận cho tị nạn tại Canada, dù công chúng có quan niệm phổ biến là những người này không phải là người tị nạn thực sự cần được bảo vệ.

Số liệu này được Hội đồng Di trú và Tị nạn (IRB) công bố hôm 18/10.

Từ tháng 1/2017, cảnh sát hoàng gia liên bang RCMP đã chặn hơn 15,100 người từ Mỹ vào Canada không qua những cửa khẩu chính thức, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp để đẩy nhanh việc trục xuất những người nước ngoài và cấm công dân của một số nước nhập cảnh Mỹ.

Trong số 10,790 hồ sơ xin tị nạn được nộp từ tháng 3 tới tháng 9 năm nay, IRB đã xử lý 592 hồ sơ, tức khoảng 5.4%. Trong số các hồ sơ đã được xử lý đó, 408 trường hợp, tức 69%, đã được chấp nhận cho tị nạn, và 141 trường hợp bị bác. Còn lại là 43 trường hợp từ bỏ hoặc rút lại hồ sơ.

Tỷ lệ chấp nhận cho tị nạn đối với những người vượt biên trái phép thậm chí cao hơn tỷ lệ 63% chung cho tất cả những người xin tị nạn năm 2016.

Một chuyên gia nói rằng tỷ lệ chấp nhận cao của nhóm này có thể bị thiên lệch nếu IRB đang ưu tiên giải quyết hồ sơ của những người từ những nước thường có lý do dễ được chấp nhận hơn.

Tuy nhiên, giới học giả và giới đấu tranh vì người tị nạn cũng nhấn mạnh rằng số liệu này cho thấy người vượt biên trái phép có nhu cầu chính đáng cần được bảo vệ.

Sharry Aiken, giáo sư luật di trú và tị nạn tại Đại học Queen’s, nói, “Số liệu này cho thấy đa số những người được gọi là vượt biên trái phép có lý do thực sự để xin tị nạn. Thông điệp mà tôi nhận thấy là hệ thống tị nạn Canada đang có tác dụng.”

Giáo sư Aiken và những người khác lo ngại rằng tới nay chỉ có một phần nhỏ trong các hồ sơ xin tị nạn được xử lý.

Bà nói, “Hội đồng tị nạn thiếu nguồn lực mặc dù số hồ sơ tăng mạnh. Do Mỹ sẽ chấm dứt quy chế bảo vệ tạm thời những người Haiti ở Mỹ vào tháng 1 năm tới, Canada sẽ đương đầu với một đợt tăng mạnh số người vượt biên trái phép nữa, và chúng ta cần phải sẵn sàng cho điều đó.”

Giới chuyên gia cũng chất vấn tính hợp lý của Hiệp định Nước Thứ ba An toàn giữa Canada và Mỹ. Hiệp định này dựa trên giả định rằng Canada và Mỹ có các hệ thống tị nạn tương tự và cấm một người xin tị nạn ở cả hai nước.

Hiệp định này không áp dụng đối với những người vượt biên vào Canada qua những điểm không chính thức dọc biên giới. Giới chỉ trích cho rằng điều này khuyến khích người xin tị nạn liều mình vượt qua những vùng nguy hiểm, chủ yếu ở Quebec, British Columbia và Manitoba.

Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Ipsos phát hiện rằng nhiều người Canada nghi ngờ liệu những người vượt biên trái phép có phải là người tị nạn chính đáng; 67% cho rằng những người di cư này tìm cách tránh né quy trình di trú hợp pháp.

Một cuộc thăm dò dư luận khác của Angus Reid phát hiện rằng 57% người trả lời không đồng ý với cách chính phủ liên bang xử lý những người vượt biên trái phép, với 53% người tham gia cuộc khảo sát này trả lời rằng Canada “quá hào phóng” đối với những người xin tị nạn.

Một gia đình từ Haiti đang tới lều trại ở Saint-Bernard- de-Lacolle, Quebec, của RCMP để xin tị nạn ở Canada hồi tháng 8/2017. (Ảnh: Charles Krupa/AP)

Trong những tháng gần đây, đa số những người vượt biên trái phép là người Haiti, những người lâu này đã sống tại Mỹ theo một quy chế di trú đặc biệt của Bộ An ninh Nội địa. Tuy nhiên quy chế đặc biệt của họ sắp hết hạn vào cuối năm nay, và 58,000 người Haiti ở Mỹ phải rời khỏi Mỹ.

IRB lâu nay đang yêu cầu chính phủ cấp thêm nguồn lực để giải quyết số hồ sơ xin tị nạn tăng vọt, nhưng tới nay Ottawa đã phớt lờ yêu cầu này. Hôm 18/10, IRB đã có động thái khác thường là công bố số liệu xử lý các hồ sơ “khác thường” nộp tại biên giới.

Raoul Boulakia, thuộc Hiệp hội Luật sư Tị nạn Ontario, nói, “Việc một người tị nạn được tiếp nhận tại một điểm vượt qua biên giới hay nộp hồ sơ xin tị nạn sau khi đã vào Canada không liên quan tới việc liệu người đó có bị nguy hiểm tại quê hương của mình hay không.”

“Điều đáng lo ngại là dư luận đã sa vào chỗ bàn về những người xin tị nạn này như thể họ khác thường. Họ cũng là người xin tị nạn. Như vậy có nghĩa là hồ sơ của người xin tị nạn phải được phân xử một cách công bằng và không thiên vị, và câu hỏi mà hội đồng tị nạn cần trả lời là liệu người đó có gặp nguy hiểm tại quê hương của mình hay không.”

Theo IRB, 160 trong 10,790 người vượt biên trái phép đã bị giam giữ vì họ bị xem là mối nguy hiểm cho công chúng, khó có khả năng trình diện để kiểm tra hoặc “không thể được nhận” vì lý do an ninh và hình sự, hoặc đơn giản chỉ vì không có giấy tờ tùy thân phù hợp.

Trong số 61 người được xem là “không thể được nhận”, 34 người đã được lệnh trục xuất khỏi Canada; một người bị cấm xin tị nạn; ba người được phép lưu lại Canada; và sáu người rút lại hồ sơ. Một người không trình diện tại buổi điều trần về khả năng có thể được nhận. Số còn lại đang đợi quyết định cuối cùng.

Janet Dench, thuộc Hội đồng Tị nạn Canada, cho rằng tỷ lệ chấp nhận khá cao có thể là do IRB có chính sách giải quyết nhanh hồ sơ từ một số nước được ưu tiên, trong đó có Afghanistan, Burundi, Egypt, Eritrea, Iraq, Syria và Yemen.

IRB từ chối bình luận về Hiệp định Nước Thứ ba An toàn, nhưng cho biết hiện nay hội đồng còn tồn đọng 40,800 hồ sơ, ngoài 5,300 hồ sơ đang chờ giải quyết theo luật cũ trước tháng 12/2012. Người xin tị nạn thường phải đợi 17 tháng để có buổi điều trần xét duyệt hồ sơ tị nạn.

Nguồn: Toronto Star & The Globe and Mail, 20/10/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.