“Hồ sơ Thiên đường” tiết lộ của cải cất giấu bí mật của giới chóp bu toàn cầu

1

Một số tên tuổi lớn: Nữ hoàng Anh, bộ trưởng thương mại Mỹ, 3 cựu thủ tướng Canada, nhà vận động gây quỹ của thủ tướng Canada; Madonna, Bono; Apple, Nike, Uber, Tesla …

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp

Một năm rưỡi sau Panama Papers (Hồ sơ Panama), vụ rò rỉ thông tin cho báo chí lớn nhất trong lịch sử, một vụ rò rỉ với số lượng tài liệu thậm chí còn nhiều hơn được công bố hôm Chủ nhật 5/11.

Những tài liệu này phơi trần những công ty lớn nhất thế giới, các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật nổi tiếng toàn cầu trong chính trị, ngành giải trí và thể thao đã cất giấu của cải của mình ở những nơi tránh thuế (tax haven) bí mật.

Lớn hơn cả vụ rò rỉ đầu tiên Panama Papers

Được gọi là Paradise Papers (Hồ sơ Thiên đường), vụ rò rỉ này có 13.4 triệu tài liệu với dung lượng 1.4 terabyte — nhiều hơn gần 2 triệu tài liệu so với Panama Papers. Paradise Papers tiết lộ bí mật tài chính của giới chóp bu toàn cầu, từ Nữ hoàng Anh tới nhà vận động gây quỹ chính của thủ tướng Canada Justin Trudeau tới bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, cùng với hơn 120 chính khách trên toàn cầu.

Các tài liệu bị rò rỉ này được tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập và chia sẻ với Liên hiệp Ký giả Điều tra Quốc tế (ICIJ) và một mạng lưới gồm 382 ký giả ở 67 nước, trong đó có The Guardian và đài BBC ở Anh, The New York Times ở Mỹ, và Toronto Star và đài truyền hình CBC/Radio-Canada ở Canada. Các ký giả trong mạng lưới này ở sáu châu lục đã dành một năm nghiên cứu dữ liệu trải dài trong thời gian 70 năm, chia sẻ những hiểu biết, tiến hành hàng trăm cuộc phỏng vấn, tiếp xúc với những người có hồ sơ bị rò rỉ để yêu cầu họ bình luận và chuẩn bị viết hàng trăm tin bài bắt đầu được đăng và phát sóng từ ngày 5/11.

Kết quả của cuộc điều tra này được công bố (dần dần) trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu ngày càng tăng. Những tiết lộ này sẽ gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Anh Theresa May, hai người đều đã hứa ngăn chặn các âm mưu tích cực tránh thuế.

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đang chuyển lợi nhuận ra hải ngoại với tỷ lệ ngày càng tăng – chỉ riêng năm ngoái là 600 tỷ euro, theo nghiên cứu của kinh tế gia Gabriel Zucman sẽ được công bố cuối tuần này.

Khoảng một nửa trong 13.4 tài liệu trong vụ Paradise Papers là từ Appleby, một trong những hãng luật lớn nhất thế giới, và công ty dịch vụ doanh nghiệp Estera (tách ra từ Appleby cuối năm ngoái) có trụ sở ở Bermuda. Appleby được thành lập ở Bermuda và có chi nhánh ở những nơi tránh thuế trên khắp thế giới như Cayman Islands, British Virgin Islands, Isle of Man, Jersey và Guernsey. Tài liệu bị rò rỉ gồm đủ loại từ thư từ với thân chủ và báo cáo tài chính tới các memo, email nội bộ và số liệu nhập vào cơ sở dữ liệu công ty.

Khác với Mossack Fonseca, hãng luật là trọng tâm của cuộc điều tra Panama Papers năm ngoái, Appleby tự hào là hãng hàng đầu trong những công ty cung cấp dịch vụ hải ngoại thượng hạng. Hãng này đại diện cho thân chủ ở hải ngoại, cung cấp những cấu trúc giúp giảm thuế một cách hợp pháp.

Phần còn lại của các tài liệu bị rò rỉ là từ một công ty dịch vụ hải ngoại khác tên là Asiaciti Trust có trụ sở ở Singapore, cũng như 19 danh bạ đăng ký công ty của chính quyền ở những nơi tránh thuế (tax haven) truyền thống khác.

Tránh thuế: thú tiêu khiển của giới chóp bu

Những tài liệu này phơi bày tài sản, hé lộ đời sống tài chính, và các giao dịch đôi khi mờ ám, của các nguyên thủ quốc gia, nhiều nhân vật nổi tiếng và nhiều tập đoàn đa quốc gia. Một số tiết lộ đình đám:

  • Nữ hoàng Elizabeth II, trái, và cựu thủ tướng Canada Jean Chrétien có tên trong Paradise Papers. (Ảnh: Canadian Press)

    Hàng triệu bảng Anh trong tài sản riêng của Nữ hoàng Elizabeth đã được đầu tư trong một quỹ ở Cayman Islands – và một số trong số tiền của bà đầu tư vào một hãng bán trả góp đồ nội thất và hàng điện máy bị cáo buộc là đã bóc lột các gia đình nghèo và những người khốn khó (tính lãi tới 99.9%). Một phát ngôn viên của Nữ hoàng nói bà không biết về khoản đầu tư đó.

  • Những chi tiết bí mật về mối liên hệ giữa hai thế hệ các nhà vận động gây quỹ của gia đình thủ tướng Canada Justin Trudeau, Leo Kolber và Stephen Bronfman, trong một quỹ tín thác ở Cayman Islands mà đã giúp 60 triệu đô-la Mỹ tránh bị cơ quan thuế vụ ở ba nước đụng tới. Thông qua một luật sư, Kolber và Bronfman nói họ luôn hành động “đúng đắn và có đạo đức, trong đó có hoàn toàn tuân thủ các luật liên quan”.
  • Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross. (Ảnh: Scott Mahaskey/POLITICO)

    Paradise Papers tiết lộ những mối quan hệ tài chính giữa gia đình tổng thống Nga Vladimir Putin và bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Ross, nhà tài phiệt cổ phiếu không niêm yết (private equity), có phần hùn trong một công ty vận tải hàng hải mà từ năm 2014 đã nhận được doanh thu hơn 68 triệu đô-la Mỹ từ một công ty năng lượng Nga do con rể của Putin đồng sở hữu. Tiết lộ này xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về các mối liên hệ giữa Nga và những người thân cận của tổng thống Mỹ Donald Trump. Một phát ngôn viên của ông Ross nói rằng vị bộ trưởng thương mại này chưa bao giờ gặp con rể của Putin hay các chủ nhân khác của công ty năng lượng Nga, và rằng ông Ross đã tự mình tách khỏi các vấn đề liên quan tới vận tải hàng hải và “nói chung đã ủng hộ các biện pháp chế tài của chính quyền” đối với các pháp nhân Nga. Tổng cộng, các mối liên hệ hải ngoại của hơn một chục cố vấn, thành viên nội các và nhà tài trợ chính của Trump xuất hiện trong dữ liệu bị rò rỉ.

  • Một số tên tuổi lớn nhất trong ngành điện ảnh và truyền hình bảo vệ của cải của mình bằng nhiều kế hoạch cất giấu tài sản ở hải ngoại khác nhau. Minh tinh Hollywood thượng thặng Keira Knightley đầu tư vào một hãng địa ốc ở Jersey, siêu sao nhạc pop Madonna nắm giữ cổ phần trong một công ty cung ứng vật tư y tế và ca sĩ Bono đầu tư vào một thương xá ở Lithuania. Luật sư của diễn viên Knightley nói cô đóng đủ mọi khoản thuế. Madonna không phúc đáp những yêu cầu bình luận. Một đại diện của Bono khẳng định ca sĩ này là “một nhà đầu tư thiểu số, thụ động”.
  • Các đại tập đoàn như Apple, Nike, Uber và Tesla dùng các chiến lược hải ngoại phức tạp để tránh thuế một cách hợp pháp bằng thủ thuật kế toán ngày càng sáng tạo, và giảm được hàng tỷ đô-la tiền thuế. Apple nói “chúng tôi làm đúng luật”. Nike nói công ty “hoàn toàn tuân thủ luật lệ thuế”. Uber từ chối bình luận. Tesla nói: “Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ luật pháp.”
  • Twitter và Facebook nhận được hàng trăm triệu đô-la đầu tư mà có thể truy ngược nguồn gốc tới các tổ chức tài chính quốc doanh ở Nga.

Ngành quản lý tài sản hải ngoại với quy mô khổng lồ khiến “người nghèo càng nghèo hơn” và “tăng bất bình đẳng về của cải”; đó là nhận định của Brooke Harrington, một chuyên viên quản lý của cải và giáo sư Trường Kinh doanh Copenhagen và là tác giả của cuốn “Capital Without Borders: Wealth Managers and the One Percent” (Tư bản không biên giới: Giới quản lý của cải và Giới một phần trăm). Ông Harrington nói, “Có một nhóm thiểu số không bị ràng buộc của pháp luật giống như những người còn lại trong chúng ta, và đó là chuyện cố tình.”

Kinh tế gia Gabriel Zucman nói, “Những nơi tránh thuế là một trong những động cơ chủ yếu cho sự gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. Khi bất bình đẳng tăng lên, việc trốn thuế ở hải ngoại trở thành một thú tiêu khiển của giới chóp bu.”

Ba cựu thủ tướng Canada: Martin, Mulroney, Chrétien

Canada là một trong những xuất xứ lớn nhất của các thân chủ của hãng luật Appleby bị tiết lộ trong vụ này, chỉ sau Mỹ, Vương quốc Liên hiệp Anh và Trung Quốc.

Các hồ sơ của hãng Appleby bị rò rỉ có tên của hơn 3,000 người Canada và các pháp nhân Canada, trong đó có hàng trăm công ty, người giàu, luật sư, kế toán viên, và những người thừa hưởng tiền của được cất giấu trong các tài khoản hải ngoại của gia đình ở Bermuda hoặc Cayman Islands. Ngoài Nữ hoàng, ba cựu thủ tướng Canada có các mối liên hệ với hoạt động tài chính hải ngoại bị tiết lộ trong Paradise Papers.

Tập đoàn vận tải Canada Steamship Lines trước đây của Paul Martin — nay do các con trai của ông điều hành — là một trong những “thân chủ lớn nhất” của Appleby, theo một tài liệu trong vụ rò rỉ này. Cựu thủ tướng Martin không bình luận gì và CSL nói công ty tuân thủ mọi luật lệ và quy định ở những nơi công ty có hoạt động.

Các cựu thủ tướng Canada Paul Martin, trái, và Brian Mulroney có tên trong Paradise Papers. (Ảnh: Canadian Press)

Brian Mulroney đã nằm trong hội đồng quản trị của công ty Said Holdings, do tỷ phú gốc Syria Wafic Said điều hành. Tỷ phú Said là một người trung gian then chốt giúp môi giới thương vụ vũ khí lớn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh; thương vụ đổi vũ khí lấy dầu giữa Anh và Saudi Arabia đó đã khiến hãng sản xuất máy bay BAE của Anh chịu mức phạt hình sự 400 triệu đô-la vì hối lộ năm 2010. Thông qua một luật sư, cựu thủ tướng Mulroney nói ông xem Said là “một người bạn tốt” và “hãnh diện” đã phụng sự đất nước. Tỷ phú Said nói ông “hãnh diện về vai trò tôi đã đóng” trong thương vụ vũ khí.

Jean Chrétien vận động hành lang cho một công ty dầu khí Đông Phi tên là Madagascar Oil. Một danh bạ đăng ký các nhà đầu tư của công ty này liệt kê ông là người nhận 100,000 quyền chọn cổ phiếu, nhưng cựu thủ tướng Chrétien nói với đài CBC/Radio-Canada rằng ông chưa bao giờ nhận được, hay thậm chí nghe nói tới, những quyền chọn như vậy. Ông khẳng định ông có làm tư vấn cho công ty đó trong thời gian ngắn, và hãng luật của ông lúc đó, hãng Heenan Blaikie, được trả tiền cho công việc của ông.

Những thân chủ “khủng” của Appleby

Tuy việc có tài khoản hoặc công ty ở hải ngoại thường là hợp pháp, tính nặc danh sẵn có của những nơi tránh thuế cũng thường thu hút giới rửa tiền, giới buôn lậu ma túy và vũ khí, những người trốn thuế và những người khác có hành vi đáng ngờ, theo những hồ sơ bị rò rỉ.

Tỷ phú Nga Arkady Rotenberg. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Reuters)

Ví dụ, hãng luật Appleby là một mắt xích trong một chuỗi những thành phần hải ngoại đã giúp giới tư bản quả đầu Nga và các quan chức Nga mua máy bay phản lực, du thuyền và những món xa xỉ khác. Arkady và Boris Rotenberg, hai tỷ phú và bạn thời niên thiếu của tổng thống Vladimir Putin, đã mua được những máy bay phản lực trị giá 20 triệu đô-la Mỹ vào năm 2013.

Chính quyền Mỹ và Canada đã chế tài anh em nhà Rotenberg vào năm 2014 vì sự hỗ trợ đáng kể của họ đối với các công ty và dự án được Putin hậu thuẫn. Hãng Appleby cắt đứt quan hệ với hai anh em này, nhưng trong một trường hợp, gần 2 năm sau khi các biện pháp chế tài được áp dụng đã được chính phủ Isle of Man chấp thuận cho chi tiêu để giữ một trong những công ty của hai anh em này trong danh bạ doanh nghiệp ở đó.

Anh em nhà Rotenberg không phúc đáp các yêu cầu bình luận.

Danh tiếng của hãng luật Appleby cũng lừng lẫy nhưng các thân chủ của mình, trong đó có một số trong những công ty giàu có nhất và tài sản cá nhân lớn nhất thế giới cùng với 127 chính khách trên toàn cầu. Appleby được tặng danh hiệu hãng luật hải ngoại xuất sắc năm 2010 và hãng luật doanh nghiệp xuất sắc năm 2015. Nhưng các tài liệu nội bộ cho thấy hãng này không phải lúc nào cũng tránh được các thân chủ đáng nghi vấn.

Giống như hãng luật Panama là trọng tâm trong vụ Panama Papers năm ngoái, các tài liệu của Appleby cho thấy các cấu trúc doanh nghiệp mà hãng luật này tư vấn áp dụng cho thân chủ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hải ngoại giúp hàng tỷ đô-la thuế thu nhập tránh bị chính phủ các nước khắp thế giới đụng tới.

Các bài thuyết trình PowerPoint do một nhân viên của Appleby soạn cho nội bộ và các tài liệu khác trích dẫn các ví dụ của những nhân vật gây tranh cãi hoặc tai tiếng khác đã lọt vào danh sách thân chủ của hãng luật này, như một quan chức Pakistan tham nhũng, hai con của nhà độc tài Indonesia khét tiếng Suharto và một người bị cho là con buôn “kim cương máu”.

Trong một số trường hợp, Appleby nhanh chóng trình báo các nghi ngờ của mình về những hoạt động của thân chủ với chính quyền, theo quy định của luật pháp. Trong một số trường hợp khác, những thân chủ đáng nghi vấn chẳng khiến ai thắc mắc trong nhiều năm trời.

Appleby không phúc đáp một danh sách câu hỏi chi tiết do ICIJ gởi, nhưng đăng một thông cáo trên mạng nói rằng hãng đã điều tra các câu hỏi của ICIJ.

Thông cáo này nói, “Chúng tôi tin rằng chúng không có căn cứ và dựa trên sự thiếu hiểu biết về các cấu trúc hợp lệ và hợp pháp được dùng trong ngành dịch vụ hải ngoại. Không có bằng chứng nào về hành động sai trái.”

Appleby nói hãng không dung thứ hành vi phi pháp, và tư vấn cho thân chủ “về những cách hợp lệ và hợp pháp để thực hiện công việc kinh doanh của họ.”

Thông cáo này nói, “Đúng là chúng tôi không phải không thể phạm lỗi. Khi chúng tôi phát hiện những sai lầm đã xảy ra, chúng tôi nhanh chóng hành động để chỉnh sửa.”

Asiaciti không phúc đáp các yêu cầu bình luận.

Marwah Rizqy, giáo sư luật thuế tại Đại học Sherbrooke ở Quebec, nói rằng các vụ rò rỉ thông tin như Paradise Papers năm nay và Panama Papers năm ngoái là hết sức quan trọng để hiểu ảnh hưởng của những nơi tránh thuế đối với Canada.

Giáo sư Rizqy nói, “Thế kỷ 21 sẽ được ghi nhận về cuộc chiến chống trốn thuế, cuộc chiến chống những nơi tránh thuế. Đó là một căn bệnh ung thư có thể chữa trị bằng ý chí chính trị.”

Nguồn: CBC, Toronto Star, The Guardian, 5/11/2017.

1 thought on ““Hồ sơ Thiên đường” tiết lộ của cải cất giấu bí mật của giới chóp bu toàn cầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.