Justin Trudeau sẽ là thủ tướng Canada đương nhiệm đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á

0

Trudeau tiếp tục sứ mệnh nâng cao thanh thế của Canada tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt về an ninh và thương mại, và tăng cường quan hệ với ASEAN.

Thủ tướng Justin Trudeau hạ cánh xuống Philippines hôm Chủ nhật 12/11 với mục tiêu nâng cao thanh thế của Canada tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là về các vấn đề an ninh và thương mại.

Tuần này, Justin Trudeau sẽ là thủ tướng Canada đương nhiệm đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hàng năm và là người duy nhất từng được mời, theo văn phòng thủ tướng.

Ngoại trưởng Chrystia Freeland nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ cho thủ tướng Trudeau một chỗ ngồi tại bàn thảo luận an ninh hàng đầu ở khu vực này.

Bà nói ông sẽ ngồi họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những cuộc thảo luận về tình hình an ninh liên quan tới Bắc Hàn. “Điều này thực sự quan trọng. Canada chưa từng tham dự.”

Diễn đàn này được tổ chức cùng với hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Bản thân hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ cho thủ tướng Trudeau cơ hội nêu những quan ngại về nhân quyền và cổ xúy nghị trình thương mại của mình với khối 10 nước Đông Nam Á, mà hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Canada.

Tính chung, 10 nước này có thị trường gồm 640 triệu dân và một tầng lớp trung lưu đang tăng lên. Các nước này đã và đang có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Do có nhiều bất định về tái đàm phán NAFTA của Canada, Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng được chính phủ Canada coi trọng.

Dưới thời các chính phủ của Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do, trong những năm gần đây Ottawa đã có những bước đi nhằm tăng sự hiện diện của Canada ở khu vực này.

Canada bổ nhiệm đại sứ đầu tiên của mình chuyên trách ASEAN vào năm 2014. Hồi tháng 9, chính phủ mở các cuộc thảo luận thương mại tự do có tính khảo sát với ASEAN.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi thủ tướng Trudeau lên đường công du khu vực này trong cả tuần, bộ trưởng ngoại thương Francois-Philippe Champagne nói, “Chúng ta đang tự định vị ở Châu Á-Thái Bình Dương.”

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trong quá khức Ottawa nhìn chung chưa duy trì được một mối kết nối nhất quán với các nước thành viên ASEAN.

David Mulroney, một cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc, cho rằng thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN nên là ưu tiên quan trọng thứ nhì của Ottawa ở khu vực này sau Bắc Kinh.

Ông Mulroney cũng nói rằng Canada vẫn chưa chú trọng tới khu vực này và chưa gắn kết với ASEAN như Úc hay Mỹ.

Ông nói, “Khi chúng ta phấn đấu tốt nhất, chúng ta là một đối tác rất được ưa thích ở ASEAN.” Ông Mulroney nhận xét rằng các nước thành viên của tổ chức này vẫn còn nhớ thời kỳ mà Canada can dự nhiều với họ hơn, cách đây mấy thập niên.

Ông nói ASEAN duy trì các mối quan hệ đối tác đối thoại chặt chẽ hơn với các nước khác ngoài khu vực, như Nga, Mỹ, và Úc.

Cựu thủ hiến Quebec Jean Charest, nay là chủ tịch danh dự của Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng chủ trương bảo hộ của Trump khiến hàng ngày có lý do để thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa. So với Trung Quốc, ông Charest nói ASEAN là một đối tác ít phức tạp hơn để hợp tác.

Khi xích lại gần hơn với ASEAN, Ottawa vẫn sẽ phải khôn khéo đề cập vấn đề tế nhị về nhân quyền, nhất là giữa lúc có những quan ngại về bạo lực nghiêm trọng do nhà nước dẫn đầu ở hai nước thành viên ASEAN: Myannmar và Philippines.

Hôm thứ Bảy 11/11, thủ tướng Trudeau được hỏi liệu ông có định chất vấn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc các lực lượng an ninh ở nước này tiến hành các cuộc truy quét chống ma túy gây chết người. Chiến dịch này đã giết chết hàng ngàn người, phần lớn là người nghèo.

Thủ tướng Trudeau nói ông không có cuộc gặp tay đôi nào được xếp lịch với Duterte, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Hôm 11/11, thủ tướng Trudeau nói với báo giới tại Đà Nẵng, “Có một loạt vấn đề tôi có thể nên ra với ông ta, nếu tôi có cơ hội. Luôn luôn có những quan ngại nhân quyền để nêu ra với nhiều nhà lãnh đạo khác nhau.”

Hôm Chủ nhật 12/11, ngoại trưởng Chrystia Freeland nói Canada có “một số quan ngại nghiêm trọng về các vi phạm nhân quyền và các vi phạm về xét xử đúng quy trình pháp lý ở Philippines.”

Bà nói, “Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ bàn về những vấn đề này.” Bà cũng cho biết rằng bà đã nêu những vấn đề này tại một cuộc họp hồi mùa hè vừa rồi với thứ trưởng ngoại giao Philippines.

David Welch, trưởng ban nghiên cứu an ninh toàn cầu hàm CIGI tại Trường Các vấn đề Quốc tế Balsillie, nói rằng các nước ASEAN có thể không thích Canada gây sức ép với họ về những vấn đề này, mà có thể đặt Trudeau vào tình thế khó xử khi ông cố gắng tăng cường quan hệ.

Ông nói, “Họ không muốn chúng ta bàn về nhân quyền.”

Khối ASEAN gồm Philippines, Indonesia, Brunei, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myannmar.

Chuyến công du Manila của thủ tướng Trudeau là chặng cuối cùng trong chuyến đi cả tuần của ông tới khu vực này, trong đó có một chuyến thăm chính thức Việt Nam và hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước APEC.

Nguồn: Toronto Star 12/11/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.