Phạm Vũ Lửa Hạ

Hàng năm, trước mùa Giáng sinh, trẻ em Canada có thể viết thư cho Ông già Nô-en (Santa Claus), không cần dán tem, bỏ thùng thư bưu điện hoặc hoặc nhờ chuyển khi dự cuộc diễu hành Santa Claus parade. Trong 33 năm qua, mỗi năm Canada Post phát chuyển hơn 1 triệu thư cho Santa Claus. Thư gửi trước ngày 16/12 và có địa chỉ người gởi đều được phúc đáp kịp trước Giáng sinh.

(Ảnh: CNW Group/Canada Post)

Địa chỉ (theo hệ thống bưu điện Canada) là:

SANTA CLAUS
NORTH POLE HOH OHO
CANADA

Khác với mã số bưu điện Mỹ (zip code) gồm 5 chữ số, mã số bưu điện Canada (postal code) gồm 6 ký tự xen kẽ chữ cái và chữ số, bắt đầu bằng chữ cái, ví dụ A1A 1A1. Bởi vậy, tiếng cười HOHOHO của Santa Claus chính là mã số bưu điện của ông HOH OHO (0 là zero), và là bằng chứng không thể chối cãi rằng Santa Claus người Canada. 🙂 🙂 🙂 Tất nhiên nhiều nước khác cũng có địa chỉ cho Ông già Nô-en, ví dụ như Mỹ, và Phần Lan.

Nay, coi bộ không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng quan tâm tới quê quán của Ông già Nô-en. Chỉ vì ông ở Bắc Cực (North Pole), mà Bắc Cực được xem là điểm nóng trong thời gian sắp tới. Những nước giáp ranh Vòng Bắc Cực, như Canada, Mỹ, Nga, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Greenland, đang ngắm nghía để tuyên bố chủ quyền của vùng băng giá có nguồn tài nguyên đáng kể chưa khai thác và có thể là một tuyến giao thông vận tải quan trọng trong tương lai. Cuộc đua tranh này được đặt cái tên kể ra khá hợp: “Chiến tranh Lạnh mới”.

“Chiến tranh Lạnh mới” này gần đây lại nóng lên khi Đan Mạch là nước đầu tiên nộp hồ sơ lên Liên Hợp Quốc tuyên bố chủ quyền với không chỉ vùng từ Greenland tới Bắc Cực, mà còn cả vùng 900.000 cây số vuông, tới vùng đặc quyền kinh tế hiện nay của Nga, rộng gấp 20 diện tích Đan Mạch. (Greenland là nước bán tự trị, do Đan Mạch quản lý.) Nga chưa có phản ứng gì mạnh mẽ, có lẽ còn đang rối bời vì tình hình kinh tế chao đảo vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây do vụ Ukraine.

Ngoài Đan Mạch mạnh miệng tuyên bố như vậy, các nước nhìn chung vẫn còn ganh đua trong hòa nhã, hiện thời chủ yếu thông qua tổ chức Hội đồng Bắc Cực. Đáng nói là Trung Quốc tuy ở xa lắc xa lơ nhưng cũng đang gầy dựng ảnh hưởng ở Bắc Cực. Bắc Kinh đã bắt đầu tìm cách thâm nhập Bắc Cực, nhất là thông qua Iceland và Greenland. Năm ngoái, cùng với một số nước khác, Trung Quốc được công nhận tư cách quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực. Coi bộ anh Trung Cộng đâu chỉ “chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn”, đâu chỉ quậy tưng bừng ở Biển Đông.

Người lớn bắt đầu thấy người sang bắt quàng làm họ, rục rịch chạy đua nhận Santa Claus làm công dân nước mình. Năm 2013, Bộ trưởng Quốc tịch và Di trú Canada cấp quốc tịch cho Ông già Nô-en. Biết đâu sắp tới nhiều nước cũng đua nhau cấp quốc tịch cho ông. Riêng Mỹ, nếu nhận ông làm công dân thì phải cho ông miễn thuế, bằng không ông sẽ từ chối khéo “Thanks, but no thanks” để khỏi phiền toái với đạo luật FATCA.

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài này đã đăng trên lên đông xuống đoài, blog khác của chủ trang Canada Info.)

Đọc thêm:

1 thought on “Quốc tịch của Ông già Nô-en?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.