Phạm Vũ Lửa Hạ

Khi giá của Bitcoin và các loại tiền mật mã khác bắt đầu tăng phi mã trong mùa thu năm nay, hồi tháng 9 Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã lập Cyber Unit, một ban mới chuyên theo dõi góc khuất ít ai hiểu rõ nhưng đang tăng nhanh này của thế giới tài chính. Trọng tâm hiện nay của ban này là các vụ ICO.

Nhiều hãng khởi nghiệp công nghệ gần đây huy động vốn thông qua ICO (initial coin offering, phát hành tiền mật mã lần đầu). Trong một ICO, công ty phát hành token (vật đại diện), thường là để đổi lấy một loại tiền mật mã như Ethereum. Token có thể được dùng để mua các dịch vụ tương lai của công ty phát hành hoặc có thể bán lại cho người khác. Và các công ty phát hành dùng vốn huy động được để tạo ra sản phẩm/dịch vụ của mình. Hơn 1/3 vốn huy động từ ICO trong năm nay đã được đầu tư vào các dự án xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng của công nghệ chuỗi khối (blockchain) còn mới mẻ.

Khi người đẹp và võ sĩ tung hô ICO

Bốn năm sau Mastercoin, vụ ICO đầu tiên, hoạt động huy động vốn bằng tiền mật mã thực sự cất cánh trong năm 2017. Trong năm 2017, tính tới tháng 10 đã có 211 ICO, huy động được tổng cộng $3.5 tỷ đô-la, gấp 3,500 lần so với năm 2016, và gấp 12 lần so với tất cả các năm trước cộng lại, theo số liệu của Coinschedule, một trang thông tin ICO. Sự gia tăng này có tương quan với đà tăng vọt về giá trị của các loại tiền mật mã. Tính tới đầu tháng 12, giá trị của Bitcoin đã tăng hơn 1,000% trong năm 2017.

Paris Hilton quảng bá ICO trên Instagram.

Thị trường rõ ràng lên cơn sốt khi ngay cả những người nổi danh về mua vui thiên hạ hơn là về năng lực phân tích tài chính, như cô đào Paris Hilton, diễn viên Jamie Foxx và võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather, cũng lên mạng xã hội tuyên bố ủng hộ huy động vốn ICO.

Đến nước này thì các cơ quan quản lý nhà nước không thể ngồi yên. Tuy nhiên, mỗi nước phản ứng mỗi khác, từ cấm tiệt như Trung Quốc, tới thả lỏng như đảo quốc Isle of Man. Theo Kari Larsen, một cựu viên chức quản lý Mỹ và hiện là luật sư thuộc hãng Reed Smith, có thể chia những cách quản lý của các nước trên thế giới thành ba nhóm.

Võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather quảng bá ICO trên Instagram.

Thứ nhất là những nước cấm ICO, như Trung Quốc và Hàn Quốc, hoặc những nước cấm thanh toán bằng tiền mật mã như Việt Nam, coi như có tác động gián tiếp tới ICO. Trong nhóm này cũng có thể nêu những nước “nửa yêu nửa ghét”, như Nga, nơi mà giới chức cấp cao nhận xét tích cực về tiền mật mã, nhưng luật bảo vệ dữ liệu quá nghiêm ngặt cản trở ICO.

Nhóm thứ hai là những nơi trải thảm chào đón những công ty phát hành ICO: Gibraltar, Cayman Islands, Mauritius và Isle of Man. Không phải tình cờ mà đó cũng là những trung tâm tài chính hải ngoại truyền thống (để tránh thuế).

Nhóm cuối cùng là đa số các nền kinh tế đã phát triển có khuôn khổ quản lý nhà nước chặt chẽ: Mỹ, Vương quốc Liên hiệp Anh và các nước còn lại của Liên hiệp Châu Âu, Hong Kong, Canada và Úc.

Các nước trong nhóm thứ ba đều có luật chứng khoán lâu đời và, thay vì cấm ICO, họ nhắc nhở các công ty phát hành rằng những luật đó có thể áp dụng cho những sáng tạo như ICO. Họ cũng cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro của các khoản đầu tư có tính đầu cơ rất cao này, và một số có thể chỉ là những trò lừa đảo có từ xưa.

Với lịch sử lâu đời truy quét tội phạm tài chính, Mỹ đi đầu trong lĩnh vực này. Hồi tháng 7, SEC ra một báo cáo về Decentralized Autonomous Organization (DAO), một công ty ICO bị thiệt hại nặng nề khi bị hacker cuỗm mất 1/3 tài sản. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy ICO có thể bị SEC theo dõi sát sao và phải tuân theo luật lệ nghiêm ngặt. Hồi đầu tháng 11, SEC cũng đã nhắc nhở các ngôi sao giải trí rằng việc họ ủng hộ ICO có thể vi phạm luật lệ về quảng bá.

Vụ truy tố ICO đầu tiên của SEC

Đáng lo ngại hơn cho các công ty phát hành là Bộ Tư pháp Mỹ đang tích cực soi ICO, và như vậy có thể dẫn tới những hình phạt hình sự. Và đầu tháng 12, SEC nổ phát súng đầu tiên về ICO.

Hồi đầu tuần trước, Cyber Unit của SEC lần đầu tiên đưa ra những lời buộc tội. Đối tượng là một công ty tiền mật mã ở Quebec, Canada. Trong hồ sơ nộp lên tòa án hôm 1/12, SEC cáo buộc Dominic Lacroix, sáng lập viên của PlexCorps, và bạn gái Sabrina Paradis-Royer, cùng với công ty PlexCorps vi phạm luật chứng khoán Mỹ và lừa đảo nhà đầu tư.

SEC cáo buộc họ đã huy động 15 triệu đô-la từ tháng 8 thông qua ICO, hứa hẹn với nhà đầu tư là sẽ đạt suất sinh lời 1,354% trong chưa đầy 29 ngày. Theo SEC, có thể hàng chục ngàn nhà đầu tư đã bị lừa đảo. Dominic Lacroix và Sabrina Paradis-Royer bị cáo buộc dùng số tiền đó để chi tiêu phung phí cho cá nhân. SEC xin được lệnh khẩn cấp của tòa án để phong tỏa tài sản của hai người và công ty.

Robert Cohen, trưởng ban Cyber Unit, nói, “Vụ đầu tiên của Cyber Unit có tất cả những đặc điểm của một vụ lừa đảo qua mạng toàn diện, và chính là loại hành vi sai trái mà ban chúng tôi sẽ theo đuổi. Chúng tôi đã có hành động nhanh chóng để bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân tránh khỏi những lời hứa hão của ICO này.”

Trong những cáo buộc đối với PlexCorps, SEC nói rằng công ty muốn gọi PlexCoin Token của mình là một loại tiền tương tự như Bitcoin nhằm né tránh các luật chứng khoán liên bang ở Mỹ.

Trong các tài liệu mà PlexCorps cung cấp cho giới đầu tư, không có chỗ nào nhắc tới việc Lacroix đã nhiều lần bị phán quyết vi phạm luật chứng khoán của Quebec.

Hồi tháng 7, Tòa Hành chính của Quebec về Các Thị trường Tài chính đã cấm PlexCorps và Lacroix tham gia tất cả mọi hoạt động đầu tư nhắm tới cư dân Quebec. Hồi tháng 10, Tòa thượng thẩm Quebec tuyên bố công ty này và Lacroix phạm tội coi thường tòa án, vì các bị cáo này tiếp tục tiếp thị và kêu gọi đầu tư vào PlexCorps.

Trong hồ sơ cáo buộc nộp lên một tòa án ở New York, SEC nói, “Một nhà đầu tư có suy nghĩ sẽ muốn biết rằng một người nhiều lần vi phạm luật chứng khoán như Lacroix đứng đằng sau vụ ICO phát hành PlexCoin.”

Những cáo buộc này cho thấy rõ những mối nguy hiện có đối với các nỗ lực ở Quebec, và Canada nói chung, nhằm chiếm vị thế dẫn đầu toàn cầu về thị trường tiền kỹ thuật số. Thị trường này hiện có mức vốn hóa hơn 200 tỷ đô-la, tăng từ mức 40 tỷ đô-la vào đầu năm 2017.

Hai thành phố lớn của Canada là Montreal và Toronto đã trở thành các trung tâm nổi tiếng về phát triển tiền mật mã, nhờ có mức độ tập trung cao về tri thức công nghệ cao. Montreal càng là nơi hấp dẫn nhờ giá điện rẻ và mùa đông lạnh giá, hai lợi thế lớn cho những máy điện toán ngốn điện kinh khủng cần có để “đào” tiền mật mã.

Nhưng giới chuyên môn trong ngành lo ngại rằng đà tăng chóng mặt giá trị của các loại tiền mật mã và một môi trường quản lý nhà nước còn nhiều bất định đang thu hút nhiều phần tử xấu.

Jonathan Bertrand, người điều hành hãng Technologies D-Central chuyên đào tiền mật mã ở Montreal, nói, “Tiền mật mã hay công nghệ chuỗi khối là một hiện tượng mới, và với đà tăng giá trị gần đây, hiện tượng này đang thu hút nhiều kẻ lừa đảo. Chúng tôi đang chứng kiến nhiều vụ lừa đảo và đang gắng hết sức để thông báo cho công chúng biết.”

Tiền tệ hay chứng khoán?

Các thị trường tiền mật mã thường được gọi là Miền Viễn Tây của thế giới tài chính. Giá trị của các loại tiền dao động giữa các thái cực, và các giao dịch thường không được bảo vệ giống như các loại tiền định danh (fiat money) được một chính phủ bảo đảm.

Tính biến động của giá trị tiền mật mã càng tăng do hiện vẫn còn mập mờ về việc liệu các cơ quan quản lý nhà nước xem tiền mật mã là tiền tệ hay chứng khoán. Nếu là tiền tệ, một công ty phát hành tiền mật mã chịu ít quy định hơn về nghĩa vụ cáo bạch thông tin khi tiến hành ICO. Nhưng giới quản lý nhà nước ở cả Canada và Mỹ gần đây cho biết họ có thiên hướng xem tiền mật mã là chứng khoán.

Trong một thông cáo hồi tháng 8, Hội Các cơ quan Quản lý Chứng khoán Canada (CSA) cho rằng các ICO nên tuân theo các quy định về cáo bạch tương tự như những IPO (initial public offering, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, hay nôm na là đưa cổ phiếu lên sàn)

Các quy định này buộc các công ty phát hành cổ phiếu phải công bố thông tin tài chính chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình để giới đầu tư có thể đưa ra quyết định có căn cứ.

CSA nói, “Các đồng tiền ảo đó có thể tương tự như cổ phần truyền thống của một công ty vì giá trị của chúng có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào việc doanh nghiệp thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình thành công tới đâu khi dùng số vốn huy động được.”

Thẩm quyền của SEC được vận dụng khi token được phát hành qua ICO về mặt pháp lý là một chứng khoán, chứ không phải là giấy/phiếu sẽ được trao đổi trong một cộng đồng hạn chế. Điều này sẽ được xác định bằng một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm 1946 gọi là phép thử Howey. Phép thử này phân tích liệu các nhà đầu tư có đang mua một kiểu lời hứa với kỳ vọng kiếm lời. Nếu vậy, các công ty phát hành phải tuân thủ luật lệ về đăng ký, minh bạch và tiếp thị với nhà đầu tư – những vấn đề thuộc quyền giám sát của SEC.

Cho tới nay Vương quốc Anh chủ yếu chỉ cảnh báo nhà đầu tư rằng họ nên chuẩn bị tinh thần mất sạch vốn đầu tư. Nhưng Cơ quan quản lý Hành vi Tài chính cũng đang cân nhắc liệu những nhân vật nổi tiếng ủng hộ ICO có vi phạm luật lệ lâu đời về việc cung cấp thông tin hoàn chỉnh và công bằng.

Singapore và Thụy Sỹ được xem là hoan nghênh ICO, nhưng cũng có cách tiếp cận đáng chú ý. Người đứng đầu cơ quan quản lý của Singapore nói rằng cơ quan này hoan nghênh những ICO “tốt”. Còn Zug, bang ở Thụy Sỹ nổi tiếng về giới buôn thương phẩm (commodity), nay có biệt danh là “Thung lũng Mật mã” (“Crypto Valley”). Năm nay, những ICO của các công ty phát hành có trụ sở ở Thụy Sỹ đã huy động được khoảng 600 triệu đô-la, theo tạp chí Forbes.

Nhưng cả Cơ quan quản lý Tiền tệ Singapore lẫn Cơ quan giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (Finma) gần đây cũng noi gương các nước khác và đưa ra những lời cảnh báo. Finma thậm chí còn đe dọa truy tố những ICO đã cố tình vi phạm luật lệ chứng khoán và chống rửa tiền, và cho biết đang rà soát một số ICO.

Động thái của Hội Các cơ quan Quản lý Chứng khoán Canada (CSA) nhằm làm sáng tỏ khuôn khổ quản lý nhà nước đối với ICO sẽ góp phần tăng lòng tin của giới đầu tư đối với loại tài sản đầu tư mới trỗi dậy này, theo nhận định của Manoj Pundit, luật sư chuyên về chứng khoán và thị trường vốn thuộc hãng luật Borden Ladner Gervais ở Toronto.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng đó chỉ mới là bước đầu tiên. Tuy các hướng dẫn đã được đưa ra hồi tháng 8, các công ty muốn tiến hành ICO vẫn phải tham vấn với các cơ quan quản lý nhà nước để biết được xếp loại là tiền tệ hay chứng khoán.

Hugo Levasseur, một chuyên gia về tiền mật mã của công ty SAP Labs Montreal, nêu nhận định (của cá nhân ông) cho rằng đây là một công nghệ rất mới, và giới đầu tư vẫn còn đối mặt với sự mập mờ về luật lệ khi muốn tham gia thị trường tiền mật mã.

Cả Levasseur và Pundit nói rằng các cơ quan quản lý nhà nước của Canada cần chuẩn bị để theo kịp công nghệ thay đổi nhanh chóng này để giúp các loại tiền mật mã đạt được tiềm năng của chúng.

© Phạm Vũ Lửa Hạ & Canada Info.

4 thoughts on “Quản lý nhà nước đối với ICO giữa cơn sốt Bitcoin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.