Mỹ siết visa H-1B, Canada hưởng lợi

1

Trong khi Donald Trump khép bớt cửa nhập cư của người lao động kỹ thuật cao vào Mỹ, Chiến lược Kỹ năng Toàn cầu của Canada thăng hoa. Chương trình Global Talent Stream của Canada cấp visa trong vòng 2 tuần cho lao động nhập cư kỹ năng cao trong những ngành hiện có nhu cầu cao.

Phạm Vũ Lửa Hạ

Cấp thị thực nhanh để thu hút nhân tài

ThinkData Works Inc, một hãng xử lý dữ liệu lớn ở Toronto, vừa tuyển được một kỹ sư phần mềm từ Brazil qua chương trình của Canada cấp thị thực nhanh cho người lao động có kỹ năng.

Tổng giám đốc Bryan Smith cho biết quy trình xét duyệt rất nhanh, thậm chí mất chưa tới 10 ngày làm việc như chỉ tiêu của chính phủ để xử lý hồ sơ của người được tuyển. Trước đây quy trình này có thể mất mấy tháng.

Khi tổng thống Mỹ Donald Trump khép bớt cửa nhập cư của người lao động kỹ thuật cao vào Mỹ, Chiến lược Kỹ năng Toàn cầu của chính phủ Canada thăng hoa. Kỹ sư người Brazil nói trên nằm trong số 2,000 người lao động tới Canada làm việc theo chương trình này từ lúc bắt đầu vào ngày 12/6/2017 tới ngày 30/9/2017, theo số liệu của chính phủ Canada.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, bộ trưởng di trú Ahmed Hussen của Canada nói, “Chương trình này xuất phát từ cộng đồng kinh doanh. Họ nêu ra một số khó khăn và yêu cầu khắc phục.”

Những người được cấp thị thực nhanh có thể nộp đơn xin lưu trú tới 3 năm và cũng có thể nộp đơn xin định cư. Lập trình viên điện toán, chuyên viên phân tích mạng, và kỹ sư phần mềm là ba loại ngành nghề hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này cho tới nay. Đa số từ Ấn Độ – cũng là nước chiếm đa số trong những thị thực H-1B được Mỹ cấp – tiếp theo là Trung Quốc và Pháp.

Khi tranh cử tổng thống, Donald Trump đã chỉ trích chương trình H-1B. Hiện Mỹ có nhiều nỗ lực về hành pháp và lập pháp để giảm tình trạng lạm dụng chương trình này, và số hồ sơ bị bác đã tăng lên. Năm 2017, số hồ sơ dự xổ số hàng năm để được cấp thị thực đã giảm lần đầu tiên trong 5 năm. Điều đó cho thấy có nhiều lo ngại về chủ trương có tính hạn chế hơn, mặc dù số hồ sơ vẫn cao hơn nhiều so với 85,000 thị thực được cấp qua xổ số.

Với những người theo dõi tình trạng chảy máu chất xám Canada sang Mỹ bấy lâu nay, tình thế có thể đang đảo chiều. Yung Wu, tổng giám đốc của vườn ươm công nghệ MaRS Discovery District, nói,

“Chúng tôi thấy có sự gia tăng số nhân tài từ phía nam lên phía bắc để gia nhập các công ty của chúng tôi. Họ cho biết 30% tới 40% ứng viên là từ Mỹ.”

Chương trình cấp thị thực nhanh của Canada chỉ là một phần trong nỗ lực của chính phủ thủ tướng Justin Trudeau nhằm thúc đẩy sáng tạo. Chính phủ cũng đang đổ hàng trăm triệu đô-la vào vốn đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, hợp sức đầu tư với vốn tư nhân vào các trung tâm công nghệ của Canada ở Waterloo, Toronto, Vancouver và Montreal.

Hai ngàn người có thể quá ít ỏi nếu so với 320,000 di dân mới mà Canada chào đón năm ngoái. Daniel Mandelbaum thuộc hãng luật di trú Mamann Sandaluk & Kingwell LLP nói, “Nghe như muối bỏ biển. Nên nhớ đây là hai ngàn người trong số những người giỏi nhất.”

Thung lũng Silicon hướng sang Canada

Những hãng khởi nghiệp được một số nhà đầu tư hàng đầu của Thung lũng Silicon hậu thuẫn đã chung sức trong một công ty mới nhằm tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư phần mềm ở Canada do lo ngại về các nỗ lực của tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế di dân có kỹ năng cao khi ông chuẩn bị bước vào năm thứ hai cầm quyền.

Eventbrite, hãng khởi nghiệp chuyên về tổ chức sự kiện được Sequoia Capital và Tiger Global Management đầu tư; Zola, trang mạng về dịch vụ đám cưới đã huy động vốn từ Lightspeed Venture Partners và Thrive Capital; và Plays.tv, hãng về chơi game đối kháng (esports) được Accel và Founders Fund hậu thuẫn, đều đã đăng ký với Terminal trong tháng 12/2017.

Terminal bắt đầu hoạt động hồi đầu năm 2017 với sứ mệnh giúp các hãng khởi nghiệp công nghệ tuyển dụng nhân lực ở nước ngoài, ban đầu tập trung vào Canada. Công ty này đang cung cấp cho các công ty những văn phòng ở Waterloo, Montreal và Vancouver, cũng như hỗ trợ về nhân sự, trong đó có giúp các hãng tuyển người qua Global Talent Stream (Dòng Tài năng Toàn cầu), chương trình mới của Canada để cấp thị thực trong vòng 2 tuần cho người lao động nhập cư trong những ngành hiện có nhu cầu cao.

Dylan Serota, đồng sáng lập viên và tổng giám đốc của Terminal, nói việc chính phủ Mỹ siết chặt di trú là luồng gió thúc đẩy nhiều công ty Mỹ hướng ra nước ngoài. Ông nói, “Hiện nay giới tinh hoa công nghệ đối đầu với chính quyền Trump, và rất khó tìm được nền tảng chung cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều nước khác rất ủng hộ công nghệ, xây dựng quan hệ hợp tác với các công ty công nghệ, chứ không phá vỡ hoặc chèn ép chúng.”

Những lo ngại rằng chính phủ Mỹ có thể bỏ thị thực H-1B, dùng để tuyển dụng những kỹ sư phần mềm có kỹ năng cao từ nước ngoài, hoặc giảm số lượng thị thực được cấp đang gây áp lực cho thị trường lao động hiện đã quá căng thẳng ở Thung lũng Silicon. Ông Serota nói, “Nếu ta ở Vùng Vịnh, các công ty đang tuyển 30,000 kỹ sư, và ta đang cố gắng tuyển 10 người — ta phải xếp hàng đợi.”

Các công ty công nghệ đã mở rộng đáng kể ở Canada, nơi hết sức hấp dẫn vì có nhiều tài năng về trí tuệ nhân tạo. Amazon và Facebook đã mở các văn phòng mới tại Canada trong năm 2017, sau khi Google, Apple và Microsoft đã mở rộng hoạt động tại đây vào năm 2016. Hồi đầu năm 2017, Uber thông báo là sẽ lập một nhóm trí tuệ nhân tạo để giúp phát triển ban chuyên về xe tự lái của công ty. Trong 5 năm qua, số lượng việc làm công nghệ ở Waterloo, một trung tâm về tài năng công nghệ xung quanh Đại học Waterloo, tăng gần hai phần ba, theo một báo cáo gần đây của hãng địa ốc và đầu tư CBRE.

Công ty Terminal có mục đích giúp các hãng khởi nghiệp nhỏ hơn hiện đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút tài năng ở Thung lũng Silicon. Chester Ng, thành viên đầu tư chính (partner) tại Atomic, một quỹ đầu tư hậu thuẫn Terminal, nói công ty này xuất phát từ công việc của chính công ty ông xây dựng các đội ngũ ở Canada.

“Chúng tôi đã xây dựng cái mà tất cả mọi người ở Thung lũng Silicon muốn,” ông nói, ý so sánh quy trình này với cách Amazon phát triển ban điện toán đám mây nội bộ của mình thành Amazon Web Services. Công ty Terminal có 100 kỹ sư làm việc với khoảng 20 khách hàng, trong đó có hãng khởi nghiệp về tiếp thị Zenreach, hãng phần mềm dịch vụ khách hàng TalkIQ, và hãng về sức khỏe đàn ông Hims.

Công ty Terminal dự định phát triển ra những nước khác ngoài Canada trong năm 2018, đang cân nhắc những địa điểm ở Nam Mỹ. Ông Serota nói, “Chúng tôi đang cân nhắc Trung Mỹ và Nam Mỹ cho cuối năm 2018. Costa Rica, Mexico, Peru, Colombia đều đã đầu tư nhiều vào việc tạo ra một văn hóa công nghệ kể từ thập niên 1980, nền giáo dục của họ có tính công nghệ rất cao, rất sớm, và đó là toán và khoa học ứng dụng, chứ không phải lý thuyết.”

Tổng hợp từ Bloomberg & Financial Times.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Tin liên quan:

1 thought on “Mỹ siết visa H-1B, Canada hưởng lợi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.