Chỉ số Dow Jones giảm gần 1200 điểm, 4.6%, khi chứng khoán Bắc Mỹ tiếp tục tụt dốc

0

Có tình trạng bán tháo vì hoảng loạn. Dow Jones có mức giảm hàng tuần lớn nhất trong lịch sử. S&P 500 giảm 4.1%, tỷ lệ giảm hàng ngày lớn nhất từ tháng 8/2011. Dow Jones và S&P 500 đã xóa sạch mức tăng từ đầu năm 2018.

Các thị trường chứng khoán Bắc Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch nhiều biến động hôm thứ Hai 5/2 sau khi chỉ số Dow Jones giảm gần 1,200 điểm, tiếp theo sau mức sụt giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ năm 2016 hôm thứ Sáu 2/2.

Hôm thứ Hai 5/2 là lần đầu tiên chỉ số Dow Jones giảm xuống dưới mức 25,000 điểm kể từ ngày 4/1. Chỉ số này cũng có mức giảm hàng tuần lớn nhất trong lịch sử của mình.

Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm 1,175 điểm, tức 4.6%, xuống còn 24,345.68 điểm lúc đóng cửa. Trong buổi chiều ngày 5/2, DJIA có lúc giảm hơn 1,500 điểm.

Hôm thứ Sáu 2/2, chỉ số này giảm 666 điểm, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính tháng 12/2008.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 4.1% xuống còn 2,648.96 — tỷ lệ giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2011. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về các cổ phiếu công nghệ giảm 3.8% xuống còn 6,967.53. Như vậy hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 nay đã xóa sạch mức tăng từ đầu năm 2018.

John Zechner, chủ tịch hãng đầu tư J. Zechner Associates, nói rõ ràng trên các thị trường có tình trạng bán tháo vì hoảng loạn, mà điều này đã được dự kiến, vì thị trường không thể tăng mãi.

Các ngành tài chính, năng lượng và công nghiệp giảm mạnh nhất ở Mỹ.

Derek Holt thuộc ban phân tích kinh tế của ngân hàng Scotiabank nói rằng “nỗi sợ” của giới đầu tư là kết quả của nhiều yếu tố.

Trong một bài phân tích, ông viết, “Thứ nhất, giá quá cao; thứ hai, các quan ngại của ngân hàng trung ương trong một  tuần đầy những quyết định của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu; ngoài ra có nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa vào thứ Năm [7/2] khi việc tạm ngưng trần nợ sắp kết thúc trong hơn một tháng nữa.”

Lợi suất trái phiếu

Lợi suất trái phiếu tăng lên cũng tiếp tục ảnh hưởng xấu tới cổ phiếu khi giới đầu tư lo ngại rằng những dấu hiệu của lạm phát cao hơn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự đoán.

Khi lãi suất tăng lên, giá trị của các trái phiếu hiện có giảm xuống, và việc vay tiền để đầu tư sẽ đắt hơn.

Lợi suất công trái Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên tới 2.885% trong đêm, mức cao nhất trong 4 năm, nhưng giảm xuống lại còn 2.841% vào buổi sáng.

Robert Kavcic thuộc BMO Capital Markets viết trong bài phân tích của mình hôm thứ Hai 5/2 rằng bất chấp tình trạng bán tháo cổ phiếu, đà tăng của lợi suất công trái chưa lắng đi.

Ông nhận định, “Lợi suất trái phiếu tăng mạnh và thị trường nhận thấy rằng chính sách siết chặt cung tiền nay là một yếu tố có thực và quan trọng hơn. Điều này càng khẳng định kỳ vọng của chúng tôi là lãi suất sắp được tăng trong tháng 3, và tốc độ 3 lần tăng lãi suất mà chúng tôi đưa ra trong dự báo của mình hiện nay có thể là điểm khởi đầu.”

Chứng khoán Canada

Thị trường Canada giảm mạnh nhất trong 17 tháng, xuống tới mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9.

Ở Toronto, chỉ số S&P/TSX Composite lúc đóng cửa giảm 1.7% xuống còn 15,334.81 điểm — giảm sáu ngày liên tiếp.

Tuần trước, chỉ số này cũng giảm 4%, đánh dấu mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Các cổ phiếu tài chính và năng lượng làm chỉ số S&P/TSX  giảm mạnh do giá dầu thô chuẩn mực ở Mỹ giảm $1.30 xuống còn 64.15 USD/thùng ở New York.

Cổ phiếu của Toronto-Dominion Bank và của Bank of Montreal đều giảm gần 3%.

Ngược lại, các ngành y tế và nguyên liệu tăng hôm 5/2 sau khi giảm trong phần lớn tuần trước.

Nguồn: CBC 5/2/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.