Bang giao của Canada với Trung Quốc nên mưu cầu mục đích hơn là lợi nhuận

0

Ý kiến của Ngô Thanh Hải, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho Ontario. Ông là người Canada đầu tiên gốc Việt tại Thượng viện. Hôm 24/4/2018, Thượng viện thông qua kiến nghị của ông kêu gọi Canada có một lập trường mạnh mẽ hơn và chính trực về các tranh chấp Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải

Khương An dịch

Số vụ thâu tóm doanh nghiệp do Trung Quốc thực hiện được Ottawa phê chuẩn đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ năm 2015 với việc mua lại các doanh nghiệp then chốt của Canada như công ty vệ tinh Norsat International, chuỗi nhà dưỡng lão Retirement Concepts, và công ty công nghệ cao ITF Technologies.

Mới đây nhất Trung Quốc ra giá 1.5 tỷ đô để mua Aecon Group của Canada. Thật may là vụ này đang được xét duyệt về an ninh quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư, và hy vọng sẽ bị bác bỏ vì Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) có những tiêu chuẩn tệ hại về minh bạch và những tập quán lừa đảo trong quá khứ.

Phản ứng trước sự suy xét của Canada, đại sứ Trung Quốc ở Canada Lu Shaye (Lô Sa Dã) gần đây tuyên bố rằng việc người Canada phản đối những vụ thâu tóm này là “trái đạo lý”. Người Canada đã đúng khi bất bình về việc chính phủ Trung Quốc thiếu tôn trọng các xét duyệt an ninh quốc gia của chúng ta đối với số lượng ngày càng tăng các vụ thâu tóm gây tranh cãi của họ.

Có một điều không thể nhầm lẫn: quyền sở hữu cuối cùng của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng duy nhất cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, chủ tịch tự xưng suốt đời. Do đó, Trung Quốc rõ ràng là không quan tâm tới tính minh bạch trong vấn đề mua doanh nghiệp Canada. Mối quan tâm chính của họ chỉ là cổ xúy sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” (“Một vành đai, Một con đường”) trị giá ngàn tỷ đô-la của họ để thúc đẩy chương trình phát triển quốc tế lớn nhất kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra Kế hoạch Marshall sau Đệ nhị Thế chiến.

Canada cần phải hiểu rằng sáng kiến cơ sở hạ tầng có tính lịch sử này của Trung Quốc là nhằm bảo đảm có được nguồn nguyên liệu và các cơ hội cơ sở hạ tầng quan trọng khác dưới vỏ bọc của các khoản đầu tư sinh lợi nhuận khắp thế giới, nhưng gây thiệt hại chính trị đáng kể. Các đồng minh thân thiết của chúng ta như Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu, và Úc đang cảnh tỉnh trước kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc để tái định hình toàn cầu hóa và đang phản đối kiểu diễn giải “có chọn lọc” của Trung Quốc về các tiêu chuẩn quốc tế.

Sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” này cũng nên là một mối quan ngại chính sách lớn hơn đối với các nghị sĩ Canada, nhất là kể từ khi Trung Quốc bành trướng các lợi ích của mình tới vùng phương bắc băng giá với tư cách một “quốc gia cận Bắc Cực” tự xưng. Trong sáng kiến “Con đường tơ lụa địa cực” của mình, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để mưu cầu nhiều loại lợi ích tại một khu vực mà giới chuyên gia tin rằng có thể chứa một phần tư lượng dầu mỏ của thế giới.

Có những rủi ro gì? Chỉ cần xét tới cách tiếp cận trên diện rộng, có tính bành trướng, và xét lại của Trung Quốc để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đường 9 đoạn ở Biển Đông đang tranh chấp, mà trớ trêu thay lại là nơi tập đoàn CCCC giúp xây dựng các hòn đảo nhân tạo để khẳng định chủ quyền còn tranh chấp của họ.

Bang giao của chúng ta với Trung Quốc nên mưu cầu mục đích hơn là lợi nhuận. Đó là lý do tại sao tôi đệ trình một bản kiến nghị ngày 24/4 kêu gọi Canada có một lập trường mạnh mẽ hơn và chính trực về các tranh chấp Biển Đông để tôn vinh hơn nữa các giá trị về tự do, công bằng, và sự hợp tác hiện chi phối di sản hàng hải chung cho tất cả các quốc gia liên quan.

Kiến nghị đó đã được thông qua, nghĩa là Thượng viện đang bày tỏ mối quan ngại của mình đối với hành vi leo thang và thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông, và thúc giục Ottawa có quan điểm chính trực về một trong những cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất của thời đại chúng ta.

Canada có lịch sử bang giao với Trung Quốc lâu dài và thường tích cực. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh thường xuyên thách thức trật tự quốc tế, pháp trị, nhân quyền, và thế giới dân chủ là điều không thể bỏ qua.

Ngô Thanh Hải là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho Ontario. Ông là người Canada đầu tiên gốc Việt tại Thượng viện.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.