Nhiều người làm việc trong ngành cần sa tránh đi Mỹ vì sợ bị cấm suốt đời

0

Một số người bị từ chối nhập cảnh Mỹ, có người thậm chí bị cấm suốt đời, có mối liên hệ làm việc/kinh doanh với cần sa.

Người Canada làm việc trong ngành cần sa đang bắt đầu gặp phải nhiều rắc rối lớn ở biên giới, theo một luật sư di trú.

Len Saunders là luật sư di trú tại Blaine, bang Washington, một cửa khẩu nhập cảnh bận rộn đối với người British Columbia sang Mỹ. Ông nói một số thân chủ của ông đang bị từ chối nhập cảnh – một số thậm chí đã bị cấm suốt đời – vì họ có mối liên hệ làm việc/kinh doanh với cần sa.

“Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại từ những người trong ngành cần sa ở Canada lo ngại về việc bản thân hoặc nhân viên của họ đi Mỹ vì công việc,” luật sư Saunders nói.

Mặc dù cần sa đã hợp pháp ở bang Washington, và sẽ sớm hợp pháp ở Canada, biên giới giữa hai nơi này vẫn thuộc thẩm quyền liên bang do các nhân viên biên phòng liên bang canh giữ.

Luật sư Saunders nói rằng các thân chủ của ông đang được các nhân viên biên phòng Mỹ bảo rằng chỉ cần một mối liên hệ sơ sài – ví dụ một nhà đầu tư khởi nghiệp – cũng có thể khiến họ bị cấm nhập cảnh Mỹ suốt đời.

“Họ đang được bảo là họ bị cấm, hoặc vì có lý do để tin rằng họ đang tham gia buôn lậu ma túy – tức là cần sa – hoặc dựa trên lý do họ sinh sống bằng tiền ma túy, vì họ đang được công ty Canada của họ trả lương.”

Cần sa và nhập cảnh Mỹ: những điều người Canada cần biết

Luật sư Saunders cho biết mãi cho đến gần đây vẫn chưa bao giờ nghe nói tới chuyện có người thông hành vì công việc bị từ chối nhập cảnh. Hiện nay, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp Canada đã quyết định, ít nhất là tạm thời, ở lại Canada và không đi Mỹ vì mục đích công việc / kinh doanh.

Barinder Rasode, giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe và Giáo dục Cần sa Quốc gia, nói rằng những lo ngại về việc bị cấm nhập cảnh suốt đời đang khiến một số doanh nhân thực hiện các biện pháp cực đoan.

“Họ đang xóa sạch dữ liệu khỏi điện thoại của họ hoặc chỉ giao tiếp bằng một số ứng dụng để họ có thể xóa ứng dụng đó, hoặc thậm chí gởi điện thoại của họ tới nơi đến của họ trước … đây là những thực tế mà người Canada chúng ta chưa quen.”

Terry Lake, cựu bộ trưởng y tế của B.C., hiện là phó tổng giám đốc tại một công ty cần sa. Ông nói ông dự định vận động chính phủ liên bang về vấn đề này.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải yêu cầu thảo luận với chính phủ liên bang để cố gắng can thiệp thay mặt cho không chỉ những người trực tiếp tham gia vào ngành cần sa, mà cả những người chẳng hạn sản xuất hệ thống chiếu sáng được dùng trong nhà kính.” ông nói.

“Khả năng làm ăn kinh doanh của chúng ta sẽ bị suy yếu nghiêm trọng nếu chúng ta không thể qua biên giới Mỹ.”

Nguồn: CBC 13/7/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.