Phạm Vũ Lửa Hạ

Sau những cuộc đàm phán căng thẳng tới phút chót trong dịp cuối tuần vừa qua, Canada và Mỹ đã đạt được thỏa thuận tạm thời để thay thế Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Canada chấp nhận mở cửa thị trường bơ sữa xưa nay được bảo hộ để giữ được hệ thống giải quyết tranh chấp then chốt và được miễn thuế quan mà Mỹ dọa sẽ đánh vào xe.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận thỏa thuận này tối Chủ nhật 30/9. Ở Canada, thủ tướng Justin Trudeau triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt tại văn phòng của ông ở thủ đô Ottawa lúc 10 giờ tối 30/9 để chấp nhận thỏa thuận. Ildefonso Guajardo, bộ trưởng kinh tế Mexico, đệ trình hiệp định sơ bộ này trước Thượng viện Mexico lúc gần nửa đêm.

NAFTA sẽ được đặt tên mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (United States-Mexico-Canada Agreement, gọi tắt là USMCA). Tổng thống Trump trước đây từng nói rằng ông muốn bỏ cái tên NAFTA vì nó có nhiều hàm ý xấu.

Trong một tuyên bố đưa ra khuya Chủ nhật 30/9, ngoại trưởng Chrystia Freeland khẳng định rằng Canada và Mỹ đã đồng ý về “một hiệp định thương mại mới, hiện đại hóa cho thế kỷ 21: Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada”.

Tổng thống Trump muốn đệ trình văn bản hiệp định lên Quốc hội Mỹ vào ngày 1/10, khởi đầu thời gian 60 ngày trước khi ký kết cuối cùng. Ông đã nhiều lần đe dọa làm lụn bại ngành công nghiệp xe của Canada bằng mức thuế 25% nếu không đạt được thỏa thuận.

Canada giữ được điều khoản giải quyết tranh chấp Chương 19, thỏa mãn quan điểm từ lâu của thủ tướng Trudeau về “lằn ranh đỏ” trong đàm phán. Thỏa thuận này cũng sẽ giữ các biện pháp bảo vệ cho các ngành văn hóa của Canada.

Về phần mình, tổng thống Trump giành được quyền cho nông dân Mỹ xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm vào thị trường Canada vốn được bảo hộ chặt chẽ bằng hệ thống quản lý nguồn cung trong ngành bơ sữa; đây là rào cản thương mại bị Trump đả kích nhiều nhất trong một năm rưỡi qua.

Việc nhượng bộ một thị phần lớn cho Mỹ chắc chắn sẽ làm mất lòng ngành bơ sữa, vốn có ảnh hưởng chính trị lớn, nhất là ở Quebec. Hiệp định mới được chốt ngay trước khi diễn ra bầu cử tỉnh bang ở Quebec vào ngày 1/10.

Không rõ kết quả bầu cử Quebec có bị ảnh hưởng bởi tin hiệp định mới với những nhượng bộ bất lợi cho Quebec. Đảng Liên minh Tương lai Quebec (CAQ), một đảng cánh hữu, giành chính quyền đa số, phế truất Đảng Tự do (tỉnh bang), đảng đã cầm quyền suốt 15 năm qua. Đây là điều đáng lo cho thủ tướng Trudeau và Đảng Tự do (liên bang) trong cuộc bầu cử liên bang vào năm 2019.

Tuy hiệp định này buộc Canada phải những bộ một số mảng, các nhượng bộ đó chủ yếu hạn chế tổn hại cho Canada do các chính sách bảo hộ thương mại của tổng thống Trump. Nhưng Canada đã không đạt được thỏa thuận để Mỹ bãi bỏ thuế quan đánh vào thép và nhôm. Tổng thống Trump đánh các loại thuế này hồi tháng 6, xem đó là hậu quả của việc Canada không chấp nhận một NAFTA mới.

Tái đàm phán NAFTA là một vấn đề then chốt trong cương lĩnh tranh cử tổng thống của Donald Trump. Hôm 30/9, các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng hiệp định mới là “sự xác nhận cho chiến lược của ông trong lĩnh vực ngoại thương”. Họ nói rằng đó cũng sẽ là khuôn mẫu cho chính quyền Trump trong các hiệp định thương mại trong tương lai.

Từ khi tranh cử cho tới lúc cầm quyền, Trump luôn đả phá hiệp định đa phương (điển hình là rút khỏi TPP ngay khi mới nhậm chức), và chỉ thích đàm phán tay đôi với từng nước. Có vẻ chiến thuật song phương này phát huy tác dụng trong lần tái đàm phán NAFTA này. Sau vài vòng đàm phán ba bên, Mỹ tách riêng đàm phán và đạt thỏa thuận với Mexico, rồi gây sức ép với Canada. Đó là chưa kể những lần Trump xúc xiểm Canada sau hội nghị G7, tại các cuộc mít-tinh vận động ở Mỹ, trên Twitter …

Và quả thực, Canada đã có một số nhượng bộ phút chót. Ví dụ, thị phần ngành bơ sữa mà Canada nhường cho Mỹ nhiều hơn phần nhượng bộ của Canada trong TPP khi Mỹ còn tham gia (xem chi tiết phần sau).

USMCA có gì mới so với NAFTA?

Xe

Các cuộc tái đàm phán NAFTA diễn ra trong bối cảnh căng thẳng do Mỹ đe dọa đánh thuế nhập khẩu xe. Canada dường như đã tránh được đòn búa tạ mà Trump ưa thích (Phần 232 về thuế quan vì lý do an ninh quốc gia), dọa đánh thuế 20% tới 25% đối với xe và phụ tùng nhập khẩu vào Mỹ.

Thỏa thuận đạt được hôm 30/9 có biện pháp bảo vệ cho Canada và Mexico, bảo đảm mỗi nước sẽ không bị đánh thuế nhập khẩu xe trừ phi xuất khẩu hơn 2.6 triệu chiếc mỗi năm.

Với mỗi nước, con số này tương đương lượng xuất khẩu hiện nay cộng với mức tăng trưởng ít nhất 40%, mức mà sẽ vượt qua sản lượng của Mỹ. Chừng đó đủ để Canada và Mexico không bị ảnh hưởng trong vài năm nếu như Mỹ đánh thuế với các nước khác. Không có gì bảo đảm và chính quyền Trump sẽ đánh thuế xe, hoặc nếu có thì giữ thuế lâu như vậy.

Hạn ngạch đó là điều Canada có thể chịu được, vì đa số hàng xuất khẩu trong ngành này sang Mỹ là phụ tùng, chứ không phải xe thành phẩm.

Canada xuất khẩu xe và phụ tùng với giá trị tổng cộng 71 tỷ đô-la sang Mỹ năm ngoái, theo số liệu của Đại diện Thương mại Mỹ.

Ontario sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu có thuế quan, vì đa số trong 120,000 việc làm trong ngành sản xuất xe Canada là ở tỉnh bang này.

Như dự kiến, thỏa thuận này bắt buộc 75% hàm lượng xe là từ Mỹ và Mexico, tăng từ mức hiện tại 62.5%, và 40% đối với xe sản xuất ở nơi công nhân có mức lương trung bình hơn $16/giờ. Những quy tắc này là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm tái cân đối hoạt động sản xuất chế tạo theo hướng có lợi cho công nhân Mỹ.

Bơ sữa và nông sản

Việc Canada không mở cửa thị trường bơ sữa đã khiến Trump bực mình ngay cả trước khi các cuộc tái đàm phán NAFTA bắt đầu, vì Mỹ đã từ lâu đau đầu với tình trạng dư thừa sản lượng các sản phẩm sữa.

Hiệp định mới này giải tỏa vấn đề khúc mắc lâu nay, giúp Mỹ mở toang cánh cửa vào thị trường bơ sữa được bảo hộ của Canada.

Với USMCA, nông dân Mỹ có được quyền tiếp cận nhiều hơn vào ngành bơ sữa Canada, trị giá khoảng 3.6% thị trường bơ sữa Canada hiện nay, theo tổ chức Nông dân ngành Bơ sữa Canada. Mỹ đã thương lượng được quyền tiếp cận trị giá khoảng 3.25% thị trường Canada trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng về sau đã rời khỏi hiệp định đó. Thị phần đó trong thị trường Canada nay dành cho các sản phẩm bơ sữa từ các nước vẫn còn trong TPP như New Zealand và Úc.

Canada sẽ xóa bỏ cái gọi là hệ thống định giá sữa Loại 7 của mình. Các biện pháp mới sẽ ngăn cản không cho hệ thống của Canada lan ra khỏi biên giới của mình.

Trong khi các nhượng bộ về mở cửa thị trường chắc chắn sẽ tăng lượng sản phẩm bơ sữa nước ngoài, ngành bơ sữa Canada cho rằng việc xóa bỏ Loại 7 có thể là mối nguy trầm trọng và tốn kém hơn cho tính bền vững dài hạn của ngành.

Tuy các nhượng bộ của Canada về bơ sữa thu hút phần lớn sự chú ý, thực ra cả năm ngành nông nghiệp được quản lý nguồn cung đều bị ảnh hưởng trong hiệp định USMCA mới.

Nhượng bộ thị phần ngành thịt gà dường như cao hơn gấp đôi so với mức Mỹ thương lượng được trong TPP.

Tuy một số sản phẩm mới của Mỹ có thể mất từ 4 tới 6 năm để thâm nhập thị trường, trong trường hợp sản phẩm trứng của Mỹ, chúng có thể vào Canada ngay từ năm đầu, khiến tác động ngắn hạn lớn gấp 3 lần so với nhượng bộ với Mỹ trong TPP.

Các thuế quan khác

Lý do an ninh quốc gia dẫn tới cuộc giằng co suốt mùa hè năm nay về các loại thuế quan, và có vẻ vẫn chưa kết thúc bất chấp hiệp định mới.

Ban đầu, giới chức Canada xem các thuế quan Phần 232 — phần trong Đạo luật Mở rộng Thương mại cho phép chính quyền Mỹ tính phí nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia mà không cần xin ý kiến của Quốc hội — là một vấn đề tách biệt với đàm phán NAFTA. Dần dà họ thấy đó không phải là một chiến lược bền vững.

Trong mùa hè, tuyên bố của Trump sẽ đánh thuế đối với thép và nhôm của Canada đã gây phản ứng dữ dội tại Quốc hội Canada. Canada nhanh chóng trả đũa bằng các loại thuế quan đối với 16.6 tỷ đô-la hàng hóa Mỹ, nhắm vào các sản phẩm được chọn kỹ càng như rượu bourbon, hàng điện máy gia dụng, bài, và thuyền buồm.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhiều lần gọi các thuế quan của Mỹ là “bất hợp pháp”, nhưng tổng thống Trump không xuống nước.

Năm ngoái C​​anada xuất khẩu thép và nhôm với giá trị khoảng 24 tỷ đô-la sang Mỹ. Canada sản xuất khoảng 5% sản lượng thép của thế giới — hơn 13 triệu tấn mỗi năm — và 3.2 triệu tấn nhôm, gần 1% nguồn cung thế giới.

Giải quyết tranh chấp

NAFTA có ba hệ thống giải quyết tranh chấp. Hiệp định mới sẽ giữ gần như nguyên vẹn 2 hệ thống, nhưng đổi tên.

Mỹ bỏ yêu sách quan trọng đòi xóa bỏ Chương 20, hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước. Chương này sẽ giữ nguyên như hiện nay. Hệ thống này bị nhiều giới chỉ trích, nhất là nghiệp đoàn lao động, vì các ủy ban phân xử thường bị cản trở và các tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Cơ chế giải quyết tranh chấp gọi là Chương 19 trong NAFTA cũ — để phân xử các trường hợp thuế chống phá giá và thuế đối kháng giữa hai quốc gia — không thay đổi.

Chương 19 là phần trong NAFTA cũ cho phép các công ty yêu cầu phân xử trọng tài nếu họ cảm thấy sản phẩm của mình đã bị đánh thuế chống phá giá hoặc thuế đối kháng một cách không công bằng. Chính Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer rất ghét cơ chế này.

Tuy nhiên, Chương 11, Hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, sẽ được xóa bỏ dần dần giữa Mỹ và Canada. Trước đây, điều khoản này cho phép các công ty kiện các chính phủ tại các tòa phân xử đặc biệt vì can thiệp vào việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên chương này vẫn còn áp dụng cho một số ngành then chốt như dầu khí, cơ sở hạ tầng và viễn thông giữa Mỹ và Mexico.

Canada không nao núng trong yêu sách về Chương 19, vì thủ tướng Trudeau nói chính vì Trump “không luôn chấp hành luật lệ”. Rốt cuộc, Canada thắng.

“Lằn ranh đỏ” cụ thể này của Canada có lịch sử lâu đời trong ngành xuất khẩu gỗ mềm.

Đầu thập niên 2000, các hãng xuất khẩu gỗ mềm kiện ra một ủy ban NAFTA, và thắng.

Tuy nhiên, Mỹ không muốn chấp hành phán quyết đó và Canada đành phải thương lượng một cách dàn xếp giải quyết mà rốt cuộc không hoàn tiền trọn vẹn cho ngành đó.

Khi thỏa thuận dàn xếp giải quyết đó hết hạn, ngành gỗ Mỹ đòi có một cuộc điều tra khác, và Bộ Thương mại Mỹ đánh thêm các loại thuế khác, lại khơi mào tranh chấp này.

Lo ngại chuyện này có thể tái diễn, Trudeau đã nhất quyết đòi phải có chương này trong hiệp định mới.

Không có điều khoản hoàng hôn

Mỹ đòi có một điều khoản hoàng hôn để chấm dứt NAFTA sau 5 năm trừ phi các nước đồng ý kéo dài hiệp định. Hiếm có ý tưởng nào khiến Canada và Mexico phật ý hơn điều này. Rốt cuộc, ba nước đồng ý thời hạn 16 năm cho hiệp định, với một đợt đánh giá lại để xác định và khắc phục các vấn đề và có cơ hội kéo dài hiệp định sau 6 năm. Hồi tháng 8 Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng cơ chế đánh giá lại là nhằm để giải quyết các vấn đề và tránh để chúng trở nên trầm trọng, chứ không phải để chấm dứt hiệp định.

Tài sản trí tuệ

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói hiệp định sẽ có những biện pháp bảo vệ mới cho tài sản trí tuệ của Mỹ, điều mà lâu nay Mỹ đòi hỏi. Ví dụ, tác quyền sẽ kéo dài 70 năm sau khi tác giả chết.

Canada cũng đồng ý tăng thời gian bảo hộ cho các bằng sáng chế dược phẩm lên tới 10 năm; đây là một thắng lợi quan trọng cho Mỹ trong một lĩnh vực mà Mỹ thúc ép Canada từ lâu. Lâu nay Canada không chịu tăng thời gian bảo hộ cho dược phẩm để giữ giá thuốc ở mức thấp và trợ giúp ngành dược phẩm không thương hiệu (generic) của mình. Giới chỉ trích cho rằng điều khoản dược phẩm này sẽ tăng chi phí y tế do trì hoãn việc gia nhập thị trường của các loại thuốc generic rẻ hơn các loại thuốc có thương hiệu.

Miễn trừ văn hóa

Trong hiệp định mới, các miễn trừ văn hóa sẽ giữ nguyên như phiên bản NAFTA gốc.

Theo quan điểm của thủ tướng Trudeau, phần này là yêu sách phải có của Canada, vì nếu không thì các công ty Mỹ có thể mua những tờ báo hay đài truyền hình Canada.

Các tổ chức đại diện cho giới nghệ sĩ Canada và những người khác kiếm sống bằng nghề sáng tác và sản xuất nội dung Canada hoan hô các biện pháp bảo hộ này, nhất là ở Quebec, nơi việc sản xuất chương trình văn hóa Pháp ngữ được xem là trụ cột để bảo vệ bản sắc đặc thù của tỉnh bang này ở Bắc Mỹ.

Ngưỡng miễn thuế cao hơn

Cả Canada và Mexico đều đồng ý nâng ngưỡng miễn thuế cho hàng mua trên mạng, một yêu sách then chốt khác của Mỹ. Mexico nâng ngưỡng tối thiểu miễn thuế của mình từ $50 lên $100. Canada tăng gấp 5 lần ngưỡng này, lên tới $100 được miễn thuế nhập khẩu (từ mức $20 trước đây), và $40 cho thuế bán hàng (sales taxes). Động thái này đương nhiên bị ngành bán lẻ Canada phản đối vì sẽ bị ảnh hưởng doanh số.

©Canada Info.

4 thoughts on “USMCA thay thế NAFTA: Có gì mới?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.