Khương An

Hy vọng của Trung Quốc về cơ hội đàm phán hiệp định thương mại tự do với Canada hoặc Mexico đã vấp phải rào cản lớn do một điều khoản trong hiệp định thương mại tự do mới giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA).

Phần 32.10 trong USMCA nhằm để ngăn cản bất kỳ nước thành viên nào tiến tới hiệp định thương mại tự do với các nước có nền kinh tế “phi thị trường. Điều khoản này quy định rằng mỗi nước thành viên USMCA thông báo và cung cấp thông tin cho hai thành viên còn lại nếu dự định đàm phán thương mại tự do với một nền kinh tế “phi thị trường”. Điều khoản này cũng cho hai thành viên còn lại có quyền có ý kiến về văn bản của một hiệp định như vậy.

Điều khoản này quy định rằng nếu một trong các đối tác hiện tại của USMCA ký hiệp định thương mại tự do với một nước “phi thị trường”, hai nước còn lại có thể rút khỏi hiệp định trong vòng sáu tháng sau đó và tự thiết lập một hiệp định thương mại tự do song phương.

Theo nhận định của Reuters, đây là nước cờ của chính quyền Mỹ để đưa Bắc Kinh vào thế bí trong cuộc đấu tay đôi với Trung Quốc. Chính quyền Trump đang sa vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc và đã đánh thuế nhập khẩu đối với hàng trăm tỷ đô-la hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa cũng ngày càng mạnh tay.

Điều khoản này, vốn gây tranh cãi ở Canada, khớp với các nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Bắc Kinh về mặt kinh tế và ngăn cản các công ty Trung Quốc muốn lợi dụng Canada hoặc Mexcio làm “cửa sau” để tuồn hàng hóa miễn thuế quan vào thị trường Mỹ. Theo điều khoản này, một nước thành viên của USMCA phải thông báo cho hai nước còn lại trong vòng ba tháng trước khi tham gia vào bất kỳ hiệp định nào như trên.

Nếu được lặp lại trong các cuộc đàm phán khác của Mỹ với Liên hiệp Châu Âu (EU) và Nhật, điều đó có thể giúp cô lập Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Derek Scissors, học giả về Trung Quốc tại American Enterprise Institute (Viện Doanh nghiệp Mỹ) ở Washington, nhận định rằng điều khoản này coi như ban cho chính quyền Mỹ “vũ khí” để phủ quyết bất kỳ hiệp định thương mại nào mà Trung Quốc muốn đàm phán với Canada hoặc Mexcio. “Với cả Canada và Mexico, chúng ta có lý do để tin rằng họ có thể đạt được hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Chuyện này chưa xảy ra ngay, nhưng đây là cách khéo léo để đối phó với điều đó. Không có một hiệp định nào với Trung Quốc đáng giá để (Canada và Mexico) chịu mất USMCA vừa được ký kết,” Scissors nói thêm.

USMCA thay thế NAFTA: Có gì mới?

Sau nhiều tháng công kích các đồng minh phương Tây về vấn đề thương mại, chính quyền Trump hiện nỗ lực chiêu dụ họ để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi chính sách về thương mại, trợ cấp và tài sản trí tuệ theo hướng mở cửa thị trường hơn.

Trung Quốc đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thừa nhận nước này là “nền kinh tế thị trường” kể từ khi thỏa thuận gia nhập WTO của nước này hết hạn vào tháng 12/2016. Yêu cầu này nếu được WTO chấp thuận thì sẽ hạn chế đáng kể các biện pháp phòng vệ thương mại của phương Tây đối với hàng hóa rẻ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đang phản bác tuyên bố này của Trung Quốc. Mỹ và EU cho rằng Trung Quốc vẫn bộc lộ những dấu hiệu của một nền kinh tế phi thị trường như các chính sách trợ cấp nhà nước gây dư thừa công suất công nghiệp, loại trừ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và các tập quán khác.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters xuất bản hôm 5/10, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross nói điều khoản “độc dược” của hiệp định USMCA để ngăn cản các hiệp định với Trung Quốc là động thái để cố gắng xóa các lỗ hổng trong các hiệp định thương mại mà xưa nay đã hợp thức hóa các tập quán thương mại, tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Bắc Kinh kịch liệt phản đối

Derek Burney, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về các cuộc chiến thương mại lục địa của Canada, cho rằng Peter Navarro, một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của tổng thống Mỹ Donald Trump, là người đã thúc ép đưa các cân nhắc về Trung Quốc vào văn bản USMCA.

“Ông ta là một người có chủ trương trọng thương [tăng tối đa xuất khẩu] và bảo hộ mạnh mẽ trong chính quyền [Mỹ] với những quan niệm chống Trung Quốc quyết liệt,” Burney nói. Burney là một nhân vật then chốt trong chính phủ của thủ tướng Brian Mulroney đàm phán hiệp định thương mại tự do Canada-Mỹ nguyên thủy và hiệp định NAFTA tiếp theo có bao gồm Mexico.

Chuyên gia Burney nói rằng ông không tin rằng điều khoản đáng tranh cãi đó có đủ khả năng ngăn cản Canada có quan hệ kinh tế với Trung Quốc “một cách càng dứt khoát” càng tốt.

Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Tòa Bạch Ốc dùng điều khoản này để ngăn cản Canada và Mexico giao thương tự do với Trung Quốc. Trong một tuyên bố gay gắt, Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa nói phần 32.10 của hiệp định USMCA là một hành động thống lĩnh chính trị của Mỹ.

Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, điều khoản này được nhiều giới xem là một nỗ lực nhắm tới Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố với hãng thông tấn The Canadian Press, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Yang Yundong gọi động thái này là “hành vi bất lương” trắng trợn can thiệp vào chủ quyền của các nước khác.

Trung Quốc phản bác quan niệm cho rằng nước này là một nền kinh tế “phi thị trường”, và nói rằng mình là một thành viên có uy tín của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phát ngôn viên Yang Yundong nói, “Trung Quốc kiên quyết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở trung tâm và ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở.”

“Chúng tôi phản đối việc bịa đặt các khái niệm ‘quốc gia thị trường’ và ‘quốc gia phi thị trường’ bên ngoài khuôn khổ WTO, mà thực chất là cái cớ do một số quốc gia đưa ra để trốn tránh bổn phận của họ và không chịu thực hiện các cam kết quốc tế của họ.”

Yang cũng nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mưu cầu thương mại với các quốc gia dù có “những hạn chế thương mại”.

“Biến Canada thành nước chư hầu của Mỹ”

Mong muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Canada, chính phủ Đảng Tự do của thủ tướng Justin Trudeau đã có những cuộc thảo luận mang tính thăm dò với Trung Quốc về thương mại vào năm 2016, nhưng vẫn chưa thể bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức.

Dân biểu Michael Chong, thuộc Đảng Bảo thủ, lên án chính phủ Đảng Tự do đã từ bỏ một mức độ lớn chủ quyền trong hiệp định USMCA.

Hôm 5/10, ông nói, “Nay chúng ta phải xin phép Washington để tham gia đàm phán thương mại với một số nước mà Mỹ sẽ gọi là các quốc gia phi thị trường.”

“Điều đó xem như biến chúng ta thành một nước chư hầu của Mỹ.”

Một phát ngôn viên của Ngoại trưởng Chrystia Freeland nhắc lại quan điểm của chính phủ là trong hiệp định thương mại mới không có điều gì sẽ ngăn chặn Canada tăng cường các mối quan hệ thương mại với các nước khác.

Jim Carr, bộ trưởng đa dạng hóa ngoại thương, cũng xem nhẹ các quan ngại về những bình luận của Trung Quốc.

Hôm 2/10, dân biểu Tracey Ramsey thuộc Đảng Tân Dân chủ (NDP) phát biểu trước Hạ viện rằng điều khoản trên “đáng sửng sốt” và là “sự hạn chế trầm trọng về sự độc lập của Canada”.

“Một phần trong những nhượng bộ của Canada trong hiệp định này là bao gồm ngôn từ khiến Canada trở thành con tin của Mỹ nếu chúng ta quyết định giao thương với một nước khác,” dân biểu Ramsey nói. “Tại sao (Đảng) Tự do bật đèn xanh để Mỹ lôi kéo chúng ta vào các cuộc chiến thương mại của họ?”

Bộ trưởng tài chính Canada Bill Morneau cho rằng không có gì nghiêm trọng, và nói rằng điều khoản trong hiệp định mới không khác nhiều so với điều khoản trong hiệp định NAFTA cũ cho phép bất kỳ nước thành viên nào rút khỏi hiệp định trong vòng sáu tháng vì bất kỳ lý do gì.

“Nó chủ yếu vẫn vậy. Tuy nhiên, nó công nhận rằng nền kinh tế phi thị trường có tầm quan trọng lớn lao khi chúng ta hướng tới tương lai. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ tạo ra khác biệt đáng kể trong các hoạt động của chúng ta,” bộ trưởng Morneau phát biểu tại một cuộc gặp gỡ giới kinh doanh.

Cộng đồng kinh doanh Mexico đồng tình với chính quyền Mỹ về hiệp định mới.

Juan Pablo Castañon, người đứng đầu Consejo Coordinador Empresarial (CCE), tổ chức đại diện cho khu vực tư nhân của Mexico trong các cuộc đàm phán thương mại NAFTA, nói, “Chúng tôi giao thương với những nước cổ xúy tự do thị trường và cổ xúy thương mại tự do trên thế giới, thương mại tự do trong những hoàn cảnh bình đẳng.”

Tổng hợp từ Reuters, & CBC.

©Canada Info.

1 thought on “Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada: Nước cờ của Trump chiếu bí Trung Quốc?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.