Canada đang “tích cực cân nhắc” áp dụng chế tài theo Đạo luật Magnitsky do vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi, theo phát biểu của ngoại trưởng Chrystia Freeland hôm thứ Năm 15/11.

“Chúng tôi biết rõ về các chế tài của Mỹ đối với một số nhân vật Saudi Arabia và chúng tôi đã và đang liên lạc sát sao với Mỹ về những chế tài Magnitsky đó,” ngoại trưởng Freeland nói tại Port Colborne, Ontario, chiều 15/11 khi trao đổi với báo giới về hiệp định thương mại USMCA mới.

“Canada hoan nghênh hành động của Mỹ. Về phần Canada, chúng tôi cũng có luật Magnitsky và đó là một công cụ mà chúng tôi đã thấy rất hữu ích trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Và đó chắc chắn là điều mà trong những ngày sắp tới Canada sẽ tích cực cân nhắc.”

Hôm 15/11, Bộ Tài chính Mỹ công bố các chế tài theo Đạo luật Magnitsky đối với 17 quan chức Saudi Arabia do vai trò của họ trong vụ sát hại Khashoggi. Đó là phản ứng chính sách đầu tiên của chính quyền Donald Trump đối với vụ sát hại ký giả này. Saudi Arabia là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.

Khashoggi mất tích vào ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để lấy giấy tờ cần để kết hôn với vị hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ của mình. Năm ngày sau, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc rằng ông đã bị tra tấn, bị giết và bị phanh thây tại lãnh sự quán đó.

Chính phủ Saudi Arabia ban đầu phủ nhận bất cứ liên can nào tới sự mất tích của Khashoggi, nhưng cuối cùng thừa nhận ông đã chết tại lãnh sự quán.

Hôm 15/11, chỉ vài giờ trước khi các chế tài theo Đạo luật Magnitsky của Mỹ được công bố, cơ quan công tố của Saudi Arabia nói đang yêu cầu án tử hình cho 5 trong số 11 nghi phạm bị truy tố trong vụ sát hại Khashoggi.

Một phát ngôn viên của cơ quan công tố Saudi Arabia lại khẳng định rằng thái tử Mohammed bin Salman không biết gì về vụ này, trong đó thi thể của Khashoggi bị chặt, đưa ra khỏi lãnh sự quán và giao cho “một người hợp tác địa phương”.

Đảng Bảo thủ, phe đối lập chính thức tại Hạ viện, đang kêu gọi chính phủ Trudeau có hành động tương tự như động thái của Mỹ áp dụng các chế tài theo Đạo luật Magnitsky.

“Justin Trudeau có quyền hạn để làm tương tự theo Đạo luật Magnitsky mà đã được chính quyền Đảng Bảo thủ ban hành. Chính quyền Đảng Tự do nên có hành động về vấn đề này ngay lập tức cùng với các đồng minh của chúng ta,” một thông cáo báo chí của hai dân biểu Đảng Bảo thủ Erin O’Toole, chuyên trách phản biện chính sách đối ngoại, và James Bezan, chuyên trách phản biện chính sách quốc phòng, viết.

“Là nước đi đầu toàn cầu về nhân quyền, chúng ta có bổn phận hành động nhanh chóng để lên án các hành động dã man đối với các ký giả, nhà hoạt động nhân quyền và người bất đồng.”

Khashoggi, từng là người thân cận với hoàng gia Saudi Arabia, đã chỉ trích giới cai trị của vương quốc này sau khi họ đàn áp những người đối lập, gây chiến với nước láng giềng Yemen và cắt đứt quan hệ với Qatar, một nước nhỏ ở vùng Vịnh.

Đạo luật Magnitsky của Mỹ được thông qua vào năm 2012 dưới thời tổng thống Barack Obama. Luật được đặt tên theo luật sư Nga Sergei Magnitsky, người đã chết trong một nhà tù Moscow sau khi ông bị bắt vì bị cáo buộc gian lận thuế. Luật này cho phép chính phủ Mỹ chế tài những người vi phạm nhân quyền ở nước ngoài, phong tỏa tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh Mỹ.

Luật Canada tương tự Đạo luật Magnitsky được thông qua năm ngoái. Tuy Canada xưa nay luôn có quyền tự quyết để chế tài bất cứ chính quyền nào nếu thấy phù hợp, Đạo luật Magnitsky còn đi xa hơn, trao cho chính phủ Canada các quyền phong tỏa tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân nếu chính phủ tin rằng họ có liên can tới tham nhũng, rửa tiền và vi phạm nhân quyền ở nước của chính họ.

Chính phủ liên bang Canada đã dùng đạo luật này để áp dụng chế tài đối với 52 quan chức ở ba nước: Venezuela, Nam Sudan và Russia.

Áp dụng luật Magnitsky mới, Canada chế tài 52 người vi phạm nhân quyền

Nguồn: CBC, 15/11/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.